Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Giải mã ca từ Trịnh Công Sơn


Nhân kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cõi thiên thu 1/4 (2001-2011), Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Thư tình gửi một người” tập hợp hơn 300 trang thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao Ánh, người tình có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền trong cảm hứng sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ. Điều đặc biệt là thông qua hàng trăm trang thư tình mà Dao Ánh đã cất giữ tận đáy lòng gần nửa thế kỷ nay, người đọc không những được thưởng thức những trang thư tài hoa lấp lánh mà còn được thâm nhập sâu vào thế giới nội cảm phong phú của Trịnh Công Sơn, từ đó hiểu sâu hơn về ca từ và con người Trịnh Công Sơn.

* Giải mã ca từ Trịnh Công Sơn
           Ca từ Trịnh Công Sơn được mệnh danh là “lời của phù thủy”. Do đó, việc hiểu đúng, hát đúng ca từ nhạc Trịnh là hết sức quan trọng, nếu không là “sai một ly đi một dặm”. Trong nhạc Trịnh, ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng như: chim di, dạ lan, loài sâu, mặt trời… cũng như nhiều cảm xúc đã được mã hóa. “Thư tình gửi một người” đã giải mã những hình ảnh, biểu tượng, những cảm xúc này, giúp người thưởng thức có những khám phá mới và thú vị về thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn.

          Hình ảnh “chim di” xuất hiện trong ca khúc lừng danh “Diễm xưa”, ca khúc đánh dấu kỷ niệm mối tình của Trịnh Công Sơn với Ngô Vũ Bích Diễm (chị ruột của Ngô Vũ Dao Ánh): “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, làm sao em nhớ những vết chim di”. Sau khi chia tay Bích Diễm, Trịnh Công Sơn đã nhận được tình cảm sẻ chia của Dao Ánh qua thư từ và từ đó, thư đi, tin lại, mối tình với Dao Ánh nảy nở. Hình ảnh “chim di” không xuất hiện trở lại với tên gọi nguyên nghĩa của nó trong các tình khúc hậu “Diễm xưa” nữa nhưng còn để lại dư ảnh buồn thương trong ca khúc “Còn tuổi nào cho em” viết cho Dao Ánh: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời”. Đặc biệt, hình ảnh “chim di” còn được Trịnh Công Sơn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các trang thư tình gửi Dao Ánh, cho thấy bao nỗi niềm, bao dư chấn buồn đau của “Diễm xưa” còn trút gửi cả cho Dao Ánh: “Ánh rồi cũng làm loài chim di xám bỏ miền - giá - buốt này mà đi. Lúc đó anh chỉ còn ngồi nghe một lời bể động” (thư Sài Gòn, 28.9.1964), “Tuy nhiên cũng không thể không buồn khi nhớ đến những vết chân chim di một lần cất tiếng hót cho mình và đã bay đi biền biệt. Dấu tích còn lại mơ hồ trong vùng sương mù huy hoàng còn sót lại đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Con gái vẫn thường là một loài chim di dễ quên vùng ở cũ” (thư Đà Nẵng, 10.11.1966).
          Vậy chim di là loài chim gì, sống ở đâu? Nhà thơ Phạm Tiến Duật kể: “Có một lần, khi nghe bài Diễm xưa, tôi bảo Trịnh Công Sơn rằng có một câu phải sửa, là câu này: “… Làm sao em nhớ những vết chim di”. Cả bài không nói tới một tên hoa, tên lá, tên chim nào, hà cớ gì lại có chim di! Có lẽ nên đổi là chim đi, chỉ nói đến vết chân chim, là đủ. Trịnh Công Sơn bảo rằng không sửa được, vì đấy là kỷ niệm riêng. Sơn nói về Huế nhưng viết ở Nha Trang. Ở Nha Trang mới có loài chim di giỡn sóng. Lũ chúng ta cũng chỉ như loài chim di giỡn sóng ở giữa đời này” (1). Như vậy, chim di dùng để chỉ những hình ảnh bay biến bất thường, không nắm bắt được, không cầm giữ được, giống như tình yêu mong manh vụt biến. Khái quát hơn nữa, chim di còn chỉ sự vô tăm tích của kiếp người trong cõi phù thế.

          Hình ảnh “dạ lan” được nhắc tới trong ca khúc “Dấu chân địa đàng”: “Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Ca khúc này còn có tên là“Tiếng hát dạ lan”. Nhà Dao Anh (cách nhà Trịnh Công Sơn một cây cầu là cầu Phú Cam) trồng nhiều hoa dạ lan và loài hoa này không chỉ thơm ngát trong vườn nhà Dao Ánh mà còn lừng hương trong nhạc Trịnh và trong nhiều bức thư tình tha thiết, da diết của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964),“Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).

          Dĩ nhiên, “dạ lan” trong vùng kỷ niệm của Trịnh Công Sơn cũng như trong nhạc Trịnh không đơn thuần để chỉ một loài hoa đáng yêu mà còn là biểu tượng, là hiện thân của vẻ đẹp và tình yêu thầm kín, thanh tao, thắm thiết của Dao Ánh, là biểu tượng, là hiện thân của cõi “địa đàng”, cõi “Thiên Thai”, cõi mơ ước hạnh phúc bất tuyệt muôn đời của nhân loại: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực - thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như“địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964)
  
          Cũng trong ca khúc “Dấu chân địa đàng”, bên cạnh hình ảnh “dạ lan” là hình ảnh“loài sâu” được nhắc đi nhắc lại với nhiều trạng thái như ngủ: “Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, ca hát: “Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, giải thoát ưu phiền: “Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền”. Loài sâu này chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài - sâu - chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo… ” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).
          Hình ảnh “loài sâu” này không xuất hiện trở lại ở những ca khúc khác của Trịnh Công Sơn nhưng trong ca khúc“Phúc âm buồn”, một biến thể khác của “loài sâu” đã hiện ra qua hình ảnh “loài thú nằm co”: “Người nằm co như loài thú khi mùa đông về”,“Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù”. Như thế, “loài sâu” chứ không phải là một hình ảnh nào khác mới thể hiện trọn vẹn tính phức điệu của hồn người: vừa khát khao dâng tặng đời những khúc nhạc lòng quý giá tinh luyện được như nguồn nhạc của loài sâu đất, loài ve mùa hè được ấp ủ, dưỡng nuôi từ trong bào thai của đất; vừa mang nỗi cô đơn nguyên ủy của phận người, cô đơn như là một cách thế để giữ gìn bản ngã của mình, không vong thân, không vọng ngoại. Vì lẽ đó, dễ hiểu vì sao không ít lần, Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ Dao Ánh: “Vọng ngoại quá nhiều chỉ làm hư hao, thiệt thòi mình thêm mà thôi. Ở trên lý do đó anh đã luôn luôn cố gắng tách rời đám đông, co mình về với mình, với Ánh. Ánh đã phải nhận ra điều đó từ lâu rồi phải không” (thư 12.1.1967).

          Cùng với lối sử dụng hình ảnh ví von hay nhân hóa về con người như vậy, đặc biệt, trong nhạc Trịnh có nhiều hình ảnh đã được nâng lên thành biểu tượng, chẳng hạn, biểu tượng“mặt trời” trong ca khúc “Xin mặt trời ngủ yên”. Dao Ánh, nguồn sáng huyền thoại tình yêu của Trịnh Công Sơn hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, vì chính cái tên Dao Ánh mang hàm nghĩa chỉ “mặt trời”. Mà “mặt trời” là nơi hoa hướng dương luôn hướng về, nên Trịnh Công Sơn đã gắn hình ảnh Dao Ánh với vẻ đẹp lộng lẫy của hoa hướng dương: “Và xin mặt trời ngủ yên. Để Ánh là tournesol (hoa hướng dương - chú thích của người hiệu đính sách) mãi mãi. Anh tưởng tượng một khuôn mặt profil (nhìn nghiêng - chú thích của người hiệu đính sách) mà một đường sáng hồng của mặt trời chạy dài từ chân tóc đến trán - mũi - cằm. Thật huyền thoại như tượng” (thư Blao, 3.9.1964),“Suốt con đường đó hoa tournesol mọc vàng hai bên bụi. Rừng núi mùa này hoa vàng đó sáng rực. Sao không là sinh nhật Ánh. Anh có ý nghĩ muốn đổi ngày sinh của Ánh đó. Ánh có bằng lòng không” (thư Đơn Dương, 11.11.1964). Trịnh Công Sơn đã cắt nghĩa đầy sâu sắc, thú vị về tên người tình của mình, đồng thời, giải mã những cảm xúc sâu xa, chất chứa trong ca khúc “Xin mặt trời ngủ yên”:“Anh vừa học được cách viết bằng chữ Nho tên của Ánh. Và cũng nhờ thế anh biết được vì sao Ánh thích hoa mặt trời. Trong chữ Ánh có chữ Nhật là mặt trời. Và bàiXin mặt trời ngủ yên lại tình cờ có câu: ôi nhân loại, mặt trời trong tôi. Lúc viết bản này anh đã có câu đó vì anh nghĩ là Ánh thích hoa mặt trời và mặt trời là nơi hoa hướng dương nhìn về đó. Nên anh đã đem mặt trời nhốt vào trong anh” (thư Huế, 1.12.1966). Thật là chí lý, ý nhị và “đáo để” khúc nhôi.

          Chiến tranh đã mang đi bạn bè, không còn ai, ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương. Nhưng niềm tin ở con người, ở tình người trong nhạc Trịnh không bao giờ mất: “Ôi nhân loại mặt trời và em thôi”, “Ôi nhân loại mặt trời trong tôi”, “Ôi nhân loại còn người trong tôi”. Trong tôi có nhân loại và em. Nhân loại và em là mặt trời trong tôi. Như vậy, “nhân loại”, “em”,“mặt trời”, “tôi” giao hòa trong nhau hay đó chính là một. Tất cả ở trong một. Trong một có tất cả, như Phật nói, trong một hạt cát có chứa ba nghìn đại thiên thế giới, trong hạt cải có chứa núi Tu Di (tư duy “trong một có tất cả” này còn được thể hiện trong nhiều ca khúc khác của Trịnh Công Sơn như “Xa dấu mặt trời”:“Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời, không còn thấy một người, hơi thở ru đời như gió ru mây”, hay “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Hà Nội mùa thu mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người để nhớ mọi người”). Từ biểu tượng “mặt trời” chỉ sự soi chiếu, vỗ về ấm áp của tình người trong“Xin mặt trời ngủ yên”, sang đến các ca khúc khác về sau của Trịnh Công Sơn, biểu tượng này chứa đựng nhiều ý nghĩa mới: khát vọng hòa bình mãnh liệt của dân tộc, chân lý hòa bình tự do bất diệt của người Việt Nam: “Ta nung sôi ý chí mặt trời” (Cho quê hương mỉm cười), “Ta phải thấy mặt trời, sáng trên quê hương này đầy loài người”(Ta phải thấy mặt trời). Như vậy, biểu tượng “mặt trời” trong nhạc Trịnh Công Sơn được “mách bảo” bởi một người tình có tên là Dao-Ánh-Hướng-Dương nhưng đã mang được những giá trị phổ quát toàn nhân loại: tình yêu, tình người, niềm tin vào con người, lòng hướng thượng, sự thức ngộ chân lý, sự đấu tranh vì hòa bình, tự do…

          Có khá nhiều hình ảnh, nhiều câu từ trong nhạc Trịnh đã được cảm và hiểu sâu sắc hơn, thấm thía hơn như vậy nhờ được giải mã qua “Thư tình gửi một người”. Vẻ đẹp của người tình trong nhạc Trịnh thường là vẻ buồn đẹp, tuổi buồn, mắt buồn, tóc buồn, tay buồn. Trong một lá thư gửi Trịnh Công Sơn, Dao Ánh dù còn trẻ nhưng đã sớm nhận ra lẽ vô thường trong màu mắt buồn của mình: “Ôi màu mắt rồi cũng có ngày đổi màu như thế” (thư Blao, 27/10/1964). Và thư Trịnh Công Sơn khi cảm tác về thành phố Đà Lạt đã thốt lên: “Đêm Đà Lạt cũng buồn như mắt Ánh ngàn năm” (thư Đà Lạt, 21/3/1965).

          Trong ca khúc “Còn tuổi nào cho em”, Trịnh Công Sơn đã vận hết bao vẻ đẹp của trời, của mây để đặc tả vẻ đẹp mắt buồn Dao Ánh: “Trời xanh trong mắt em sâu, mây xuống vây quanh giọt sầu”, “Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù”. Câu hát với hình ảnh lãng đãng “tuổi nào mơ kết mây trong sương mù” đã được Trịnh Công Sơn cắt nghĩa qua thư gửi Dao Ánh: “Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn tuổi nào cho em cho Ánh, có bằng lòng thế không?” (thư Blao, 31.12.1964).

          Ý nghĩa ca từ của Trịnh Công Sơn càng được soi tỏ hơn khi qua những bức thư tình gửi Dao Ánh, Trịnh Công Sơn đã nói rõ về lý do ra đời của một ca khúc hoặc tự bạch về nỗi niềm sâu kín của mình ký thác vào ca khúc đó. Trịnh Công Sơn cho biết, ca khúc “Mưa hồng” ra đời bắt nguồn từ niềm giận dỗi của Dao Ánh:“Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn” (thư Sài Gòn, 6.12.1964). Hiểu rõ lý do ra đời như vậy của “Mưa hồng”, người hát và người nghe nhạc Trịnh có sự bừng ngộ thú vị trước thông điệp nhân văn sâu sắc gửi gắm qua lời ca : “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

          Ca khúc “Ru em từng ngón xuân nồng” viết cho Dao Ánh diễn tả một trạng thái tâm lý thật lạ: người hát ru cuộc tình, người ru dỗ, vỗ về người tình, “Đức Giáo hoàng” tình ái lại là người ăn năn, trái ngược với điều ta vẫn thường gặp trong nhà thờ: người được đức cha vỗ về mới là người ăn năn: “Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ, tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người, mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi”. Vì sao người giàu niềm đa cảm, giàu lượng từ bi (Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ - Ru em) lại phải “ăn năn”? Từ “ăn năn” ở đây có tính chất như một “mật ngữ” của tình ái đã được Trịnh Công Sơn giải thích một cách đầy thi vị và lý thú: “Anh đã hiểu được Ánh và bây giờ càng cảm thấy không thể để mất Ánh. Cho anh tạ tội một lần và từ đây Ánh sẽ được xem như một loài chim hồng thần thoại bay trên vùng - ăn - năn - của - anh. Tất cả đã đi qua như trong cơn mê sảng”(thư 5.2.1965). Như thế, “ăn năn” ở đây là để tạ ơn đời, tạ ơn người tình đã nuôi trọn hồn ta mà ta lại mắc lỗi, lại chưa vẹn niềm đền đáp. Như thế,“xin mãi ăn năn mà thôi” tức là càng “ăn năn” để càng được yêu người, yêu đời gấp bội lần, yêu thêm cái phần thiếu hụt phải “tạ tội” với người tình.

* Con người tự biểu hiện của Trịnh Công Sơn:“Đôi khi ta lắng nghe ta”
  
          Không chỉ giúp người đọc giải mã ca từ Trịnh Công Sơn,“Thư tình gửi một người”còn giúp hiểu rõ, hiểu sâu hơn về con người Trịnh Công Sơn, thông qua phương thức tự biểu hiện, tự soi chiếu chính mình của nhạc sĩ qua từng lá thư gan ruột. Soi chiếu mình là nguyên tắc cốt lõi của người tu Phật, như Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được). Sự thấu hiểu sâu sắc hơn về con người “bổn phận sự” của Trịnh Công Sơn sẽ càng giúp phát hiện, khám phá thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn chính xác hơn và thấu đáo hơn.

          Người nhạc sĩ say sưa xưng tụng “quê hương thần thoại” là người yêu quê hương tha thiết, luôn đau đáu với vận nước, với phận người dân Việt: “Anh nói về đất đai trên quê hương mình. Một ngày nào đó anh sẽ da du qua những miền chưa hề ghé đến. Có những buổi sao mình thấy yêu thương quê hương đến thế này. Da thịt mình như được dựng nên bằng đất đỏ và tâm hồn như được xây bằng cỏ cây hoa lá, bằng tiếng đàn buồn bã của dân mình. Bao giờ nhắc lại chuyện quê hương anh cũng buồn” (thư Blao 23.10.1964). 

          Cho dẫu buồn đau vì quê hương đang bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, nhạc sĩ vẫn vững tin ở ngày mai tươi sáng của dân tộc: “Qua lần chiến tranh này quê hương mình cũng sẽ trở lại với thuở hồng hoang. Anh nhìn về anh và thấy mình cũng sắp tàn rữa đi để chờ một ngày mới đến”(thư 28.1.1966).

          Thuở “hồng hoang” mà Trịnh Công Sơn nói đến trong thư chính là thuở ban đầu nguyên vẹn, thuở nguyên đán tuyệt vời, chính là cõi thần tiên, cõi thần thoại bất diệt của quê hương Việt Nam được vẽ nên đầy ấn tượng trong ca khúc“Xin mặt trời ngủ yên”:“Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại, thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai”.
Xuất phát từ lòng yêu quê hương tha thiết, từ niềm tin ở“quê hương thần thoại” bất diệt, Trịnh Công Sơn đã lựa chọn cho mình thái độ sống, hành động sống xứng đáng là đứa con Da Vàng của Mẹ Việt Nam. Đất nước sẽ không có tự do, sẽ không thoát khỏi thảm cảnh “một ngục tù nuôi da vàng” (Ngày dài trên quê hương), nếu mỗi người dân Da Vàng không nêu cao ý thức tự do. Trịnh Công Sơn đã chọn tự do: “Anh còn mừng một điều, trong những cơn buồn dai - dẳng - thường - trực, là còn có được tự do, còn biết được chọn lựa với ý nghĩa tròn đầy của nó. Ôi khi con người không còn sự chọn lựa thì tự do đã bị tước đoạt hoàn toàn… Con người sẽ được một lần làm con - người - là - người cho đỡ tủi hổ số phần mình đã bị vứt ra đó” (thư Đà Lạt 19.9.1964).

          Lựa chọn tự do, con người được sống với bản ngã, với lập trường của mình: “Nếu mình sống thực với bản chất mình thì đó đã là một khí giới công hiệu nhất để đánh bẹp mọi lời gièm pha. Mình phải dám mang cả sự sống của mình đánh cá với đám đông không có lập trường đó. Mình dựa trên thực chất của bản ngã mình để đánh đổ đám người không có một bản ngã duy nhất để dựa vào. Thế nào rồi mình cũng thắng. Con người phải có một cái gì rất thực để hãnh diện vì mình đã thực hiện đúng sứ mệnh của đời sống, của condition humaine(thân phận làm người - chú thích của người hiệu đính sách)” (thư Đà Lạt 20.9.1965). 
          Từ sự lựa chọn tự do đó, lô gích tất yếu dẫn Trịnh Công Sơn đi đến quyết định phản chiến: “Bao giờ có tin chắc chắn về chuyện đi lính của anh, anh sẽ cho Ánh hay. Sẽ có dịp để đặt mình vào những giới hạn khác. Sẽ bắt đầu một cuộc đời học trò gian nan hơn. Sẽ bỏ vào lòng súng từng viên đạn phi lý để nhắm vào đầu vào mắt vào tim nhau. Anh đã hèn nhát hay vì chiến tranh này quá thô bạo. Nhưng thôi anh sẽ câm bớt lại. Trong xã hội này lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng dễ biến thành những lời ngụy biện” (thư Blao 26.2.1965),“Tên anh đã có trong khóa 20… Một cuộc chiến tranh khốc liệt, tàn nhẫn mang sẵn từ khởi đầu những mầm mống vô lý cùng cực của nó, anh đang lao đao trên một chọn - lựa - quyết - định cuối cùng” (thư Đà Lạt 21.3.1965).

          Sự lựa chọn tự do và quyết định phản chiến đã tạo nên một thứ khí giới tinh thần để chống lại sự đồng hóa: “Anh thấy mình ở ngoài khổ người mà đời sống này đang cần. Sẽ còn rất nhiều bạn bè anh bị rơi vào guồng máy. Sẽ còn rất nhiều người thân yêu anh trôi dạt về đời sống này như những bọt bèo mù lòa. Mình không làm một nhà đạo đức nhưng mình phải biết chống đối. Mỗi người phải tạo riêng cho mình một thứ khí giới để chống đối, mình hãy tự dựng lên những cái đập vững chắc để ngăn mình khỏi trôi dạt về làm một loại bè - lũ - rác - rến trong những hàng ngũ thối tha sẵn có. Đó cũng là niềm kiêu hãnh thật sự. Đừng bao giờ để mình đồng hóa với bất cứ ai” (thư Sài Gòn 17.9.1966).

          Chống lại sự đồng hóa, Trịnh Công Sơn đã tả thực đầy bi phẫn về thảm trạng vong bản, mất gốc xảy ra nhức nhối ngay trên chính quê hương của mình: “Đã qua thêm một chiều thứ bảy, một ngày chủ nhật. Những khuôn mặt con gái rất đẹp, rất sang, rất nhã, rất cao đi bên cạnh những người ngoại kiều trên đất nước này. Ôi làm sao giải thích cho hết những ô nhục, những khúc mắc, những rối rắm trên mặt đất này nữa”(thư Sài Gòn 28.2.1965),“Thành phố này đang đầy rẫy những chợ đen, ăn cắp, làm giàu phi pháp và con gái hư. Sẽ tan hoang cả khi người ngoại quốc đã rút đi. Người ta sẽ mất đi hàng tỷ năm cũng chưa xây dựng lại nổi cái ý thức trong con người” (thư Đà Nẵng 12.11.1966).

          Cái ý thức đó, cái ý thức mà nhạc Trịnh tận lực vun bồi, xây đắp đó chính là ý thức về nguồn, bám víu, neo giữ hồn mình với cội nguồn “nòi giống của Tiên” để có sức mạnh chống lại sự đồng hóa, vong bản, vong thân.

          Ngoài sự tự biểu hiện thái độ sống, hành động sống, những bức thư tình của Trịnh Công Sơn còn phác họa hành trình âm nhạc của nhạc sĩ qua các giai đoạn, với những thiên hướng sáng tác độc đáo khác nhau. Từ những khúc kinh cầu cho tình yêu: “Ánh ơi, anh sẽ viết một loại ca khúc làm kinh cầu nguyện cho những kẻ yêu nhau. Hãy yêu và tìm sự trường cửu ở trong đó”(thư Huế 28.11.1966), đến dòng nhạc phản chiến: “Anh đang khởi sự thời kỳ dọn mình để bắt đầu viết những ca khúc mới. Bây giờ là lúc những tiếng động đã lắng xuống, những ồn ào bông đùa đã qua. Anh đang lắng nghe mỗi ngày, đang chờ đợi những tiếng nói lạ lùng hơn khởi hứng cho mình” (thư Huế 8.3.1967) và nhạc thiền:“Có viết thêm vài bài hát mới. Melodie có khuynh hướng về folk và lyrics (melodie: giai điệu; folk: nhạc dân gian; lyrics: lời bài hát -chú thích của người viết) thì có vẻ hơi thiền. Có lẽ đến một lúc nào đó tâm hồn nó phải thiền một chút mới sống được” (thư Sài Gòn 8.6.1996).

          Trong nghệ thuật, thường vẫn có những trường hợp con người tiểu sử của tác giả không trùng khít với con người nghệ thuật trong tác phẩm. “Văn học là nhân học”, đó là một công thức “cổ điển” ai cũng biết, nhưng cũng có khi văn chưa hẳn đã là người (như trường hợp Vũ Trọng Phụng viết rất giỏi, rất sành sõi về nạn cờ bạc, ăn chơi… nhưng ngược lại, nhà văn là người sống rất hiền lành, mực thước). Với trường hợp Trịnh Công Sơn thì lại khác, qua sự soi chiếu của “Thư tình gửi một người”, càng cho thấy rõ, con người Trịnh Công Sơn trong đời (con người tiểu sử), trong đó có “con người tình sử” mộng mơ cùng Dao Ánh và con người Trịnh Công Sơn trong nhạc (tức là “hình tượng tác giả”, nói theo thuật ngữ của thi pháp học) có một sự trùng khít gần như là hoàn toàn. Nghĩa là nhạc sĩ sống thế nào viết thế ấy, giữa đời và nhạc Trịnh Công Sơn có mối quan hệ nhất quán: Đời thiết tha và Nhạc từ tâm, Đời đau thương và Nhạc thuốc thang, Đời dấn thân và Nhạc phản chiến.

          “Thư tình gửi một người” như vậy đã vượt qua giới hạn của những bức thư tình riêng tư, nói như nhà thơ Nguyễn Duy, “mối tình cụ thể không còn nhưng một mối tình biểu tượng vẫn còn mãi” (2), giúp giải mã ca từ, soi chiếu con người và thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn. Nó sống cùng những biểu tượng trong nhạc Trịnh, những biểu tượng về Trịnh và nó giúp soi chiếu những biểu tượng đó càng thêm lấp lánh, đúng như một quy luật của cái đẹp, của mỹ học mà nhà thơ Thôi Hộ thời Đường đã phát hiện: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng).

NGUYEN HOAN
                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét