Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Thiền Sư Mẫn Giác


Nhân Bài Thơ Xuân của Thiền Sư Mẫn Giác*

Lưu Trung Khảo

Đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông triều nhà Lý xuất hiện một vị cao tăng học vấn uyên bác, đạo hạnh cao thâm, văn tài xuất chúng. Vị cao tăng đó là thiền sư Mẫn Giác (1052-1096).
Vua Lý Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Cảm Linh Nhân kính trọng coi như bậc quốc sư, dựng chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng mời sư về trụ trì để tiện việc lui tới học hỏi giáo lý nhà Phật. Nhà vua tôn xưng sư là trưởng lão. Dù vậy Sư rất khiêm cung với mọi người và thường tìm các bậc trí thức trong nước để đàm đạo. Sư tới đâu các bậc học giả trong vùng tìm đến tập họp đông đảo đàm luận thơ văn. Người đương thời coi Mẫn Giác thiền sư như bậc lãnh tụ pháp môn ở nước ta vào đầu triều Lý.
Cuối năm 1096, Sư cáo bệnh và đọc bài kệ sau đây trước khi viên tịch:


Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai.
Bài kệ Xuân Nhật Thị Chúng của thiền sư Mẫn Giác là một tuyệt phẩm thi văn trong rừng thiền thi. So với các bài thiền thi hay nhất của Trung hoa, Nhật bản, Triều tiên, bài thơ trên của thiền sư Mẫn Giác không thua sút một chút nào mà còn có phần hơn vì đã nói lên được sự luân hồi, sự vô thường của muôn vật trong đó có không gian, thời gian, vũ trụ, vạn vật và dĩ nhiên của cả con người nữa. Tuy nhiên trong vòng luân hồi sinh tử, trong cái vô thường đó vẫn có những chủng tử tốt, những hạt giống duyên lành. Giống như trong cảnh xuân tàn, muôn hoa rụng hết, vậy mà đêm qua, ở trước sân, một cành mai đầy bông nở rộ, tô điểm cho buổi xuân muộn thành một phong cảnh đẹp đẽ, thanh tú, nên thơ, rất phong phú đáng yêu và đáng sống.
Những nét chấm phá tuyệt vời này làm người yêu thơ liên tưởng tới bài thơ của quan nội hầu Nguyễn Trãi đời Lê:
Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đồ vũ thanh trung xuân hướng lão
Tiền đình sơ vũ luyện hoa khai.
Dịch:
Ngày nhàn khép chặt phòng văn
Cửa trần không một khách trần vãng lai
Xuân tàn, quyên giục bên tai
Trước sân hoa nở, mái ngoài mưa bay.
Thiền sư Giác Hải đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông trước khi tịch vào mùa xuân cũng có một bài kệ để lại:
Xuân lai hoa điệp thiện tri kỳ
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
Dịch:
Xuân về hoa bướm gặp nhau đây
Hoa bướm ưng nên họp khúc này
Hoa bướm gốc kia đều huyễn hoặc
Giữ tâm bền chặt, bướm hoa thây.
Khốn nỗi nhiều người trong chúng ta không biết điều đó, tâm chúng ta lúc nào cũng chao đảo như con lật đật. Thành ngữ tâm viên ý mã (tâm như con vượn chuyền cành, ý như ngựa phi trên đường thiên lý) phần nào đã nói lên sự bất định trong tâm hồn chúng ta. Thiếu chánh kiến, chánh niệm làm sao có chánh tư duy, chánh định được. Bởi thế hồi quang phản tỉnh quay trở về sống với m ình, sống với cái thực của mình là điều cần thiết.
Những giả trá bao phủ trên xác thân con người, những ý tưởng lầm lạc đánh giá tự thân quá cao, những tấm màn vô minh che lấp ý thức trong sáng của chúng ta sẽ tan biến đi như ánh sáng mặt trời xóa tan màn đêm u ám một khi chúng ta thành thật sống thực với mình.
Thời Minh Trị Thiên Hoàng, ở Kyoto có một tu viện nổi danh. Đó là tu viện Tofuku mà vị sư trưởng trụ trì là đại thiền sư Keichu. Một hôm, Thống đốc Kyoto tới tu viện thăm viếng. Ông thống đốc đưa cho thị giả một tấm danh thiếp để trình sư trưởng Keichu. Thị giả trình tấm danh thiếp in rất đẹp tên họ và chức vụ của Thống đốc Kyoto lên: dưới hàng chữ đẹp Kitagaki là tên của ông thống đốc, bê ;n dưới là hàng chữ ghi chức vụ Thống đốc Kyoto.
Đọc tấm thiệp xong, sư trưởng bảo người đệ tử:
— Thầy không có việc gì để nói chuyện với người như thế. Con hãy ra tiễn khách.
Người đệ tử hoàn lại Thống đốc tấm danh thiếp với lời xin lỗi. Viên Thống đốc nói:
— Đó là lỗi của tôi.
Ông lấy viết xóa bỏ ba chữ Thống đốc Kyoto rồi nói với thị giả:
— Chú cảm phiền trình lại với sư phụ một lần nữa!
Lần này, thấy tấm danh thiếp, sư trưởng kêu lên:
— Ồ, Kitagaki đấy hả? Thầy đang muốn gặp người đó.
Câu chuyện thiền đơn giản ngắn gọn trên mang thật nhiều ý nghĩa. Nhiều người trong chúng ta không sống thật với mình, với người. Chúng ta sống bằng những cái danh giả trá, bằng những chức tước, những danh hiệu hành chánh hơn là với con người thực của mình. Một ông Thống đốc, một ông tướng, một dân biểu, nghị sĩ mà đạo đức tư cách tầm thường, nịnh hót người trên, chà đạp kẻ dưới, ăn gian nói dối thì sao đang trọng bằng anh Tư bồi bàn, chị Ba bán bánh cuốn. Tại sao vậy? Là vì người đời không sống chân thật, chỉ trọng hư danh mà không biết trọng cái bản chất chân thật. Con chó ngậm trong mõm một miếng thịt, đứng yên trên cầu nhìn xuống dòng nước thấy miếng thịt dước nước to hơn liền nhả miếng thịt thật trong mõm ra, nhảy xuống nước để bắt cái bóng củ ;a miếng thịt. Còn cái ngu dại si mê nào lớn hơn! Nhiều người trong chúng ta cũng si mê như thế. Chúng ta bỏ mồi bắt bóng, đứng núi này trông núi nọ, luôn luôn chạy theo những ảo vọng và ảo tưởng. Đến lúc nhìn ra sự thật thì bóng bắt chẳng được mà mồi kia cũng không còn. Luân lý giáo khoa thư có kể chuyện ông thầy học của vị công tử con quan Thượng thư một bữa dạo phố. Một người ă n mặc rách rưới thấy ông thầy cùng công tử đi qua liền cúi đầu chào. Ông thầy cúi đầu chào lại. Công tử con quan Thượng liền bảo:
— Nó là một kẻ nghèo hèn sao thầy lại phải chào lại nó?
Ông thầy đáp:
— Thầy phải chào lại ông ta chứ! Nếu không, người đời sẽ chê thầy không biết lễ phép bằng ông ta!
Chúng ta kính trọng người khác nhiều khi là vì người đó có chức vị cao trong xã hội, có danh tiếng, giàu tiền lắm bạc, chủ nhân của nhiều tài sản, nhiều xí nghiệp. Như vậy là si mê vì bỏ chức quyền đi, bỏ tiếng tăm đi, bỏ tiền bạc đi, bỏ tài sản đi, những người đó cuối cùng cũng chỉ còn lại tấm thân tứ đại kết hợp bởi đất, nước, gió, lửa như tất cả mọi người chúng ta sinh ra đời, cất tiếng khóc chào đời với hai bàn tay trắng. Sau 50 năm, 60 năm, 70 năm hay 100 năm, tức là ba vạn sáu ngàn ngày vật lộn để mưu sinh, chúng ta nhắm mắt xuôi tay trở về với lòng đất cũng với hai bàn tay trắng có mang theo được gì đâu! Cho nên ca dao là kho tàng khôn ngoan của ông cha ta từ ngàn xưa để lại cho ta, đã dạy ta rằng:
Vua Ngô ba mươi sáu tản vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm rượu uống tì tì
Chết xuống âm phủ chẳng khác gì vua Ngô.
Con người bình đẳng khi sinh ra và cũng bình đẳng khi chết đi. Ông vua Trung hoa đầy quyền uy đi đâu có tàn vàng, tàn tía, có kiệu, có cờ dàn trước dàn sau, có nghi vệ linh đình, có chiêng trống điểm nhịp, lúc chết đi nào mang được gì theo. Chúa Chổm là Hoàng tử Lê Duy Ninh, lúc còn nhỏ phải chịu nhiều cực khổ và có tục danh là Chổm. Không có tiền, ông vào các quán rượu uống chịu, biên vào sổ nợ.
Khi Trịnh Tùng rước ông về làm vua, chủ nhân các quán rượu kéo nhau đến đòi nợ. Nhiều người không có nợ cũng đòi làm thành một đám đông huyên náo ồn ào rất có hại uy tín của vị tân quân. Trịnh Tùng phải ra lênh tha thuế cho dân và đến chỗ phố Hàng Bông thành phố Hà Nội thì ra nghiêm lệnh cấm chỉ dân không được theo xa giá nhà vua nữa. Ở Hà Nội, ngày nay, vẫn còn một con đường nhỏ mang tên là đường Cấm Chỉ và thành ngữ "nợ như chúa Chổm" cũng là do sự tích này. Ông vua Tàu cũng như chúa Chổm lúc chết đi cũng chỉ cần có mấy thước đất, nào có mang theo được gì đâu!
Nhiều người trong chúng ta lại chỉ sống với những giả trá, se sua, chưng diện bên ngoài. Vào những tiệm lớn Marcus, Bullock, Macy, chúng ta mua những y phục của các hãng danh tiếng như Georgio, Amani, Chanel, Saint John, Ann Taylor về dự những buổi họp mặt, ăn cưới, đại hội này nọ, nhưng sau đó chúng ta lại mang trả lại với đủ mọi lý do. Tờ nhật báo Register đã có lần lên tiếng về việc này. Chúng ta lại còn tốn rất nhiều tiền cho các hãng mỹ phẩm. Nhiều người trang điểm một cách quá đáng khiến bộ mặt thật của mình biến đi mà chỉ thấy đầy son phấn. Nhiều người lại nhờ các bác sĩ thẩm mỹ sửa chữa những yếu kém trên cơ thể như xâm lông mày, xâm môi, cắt mắt, sửa mũi, chỉ cằm, bơm môi... không một chỗ nào là không sửa chữa. Họ biến thành một con người với những biến đổi giả trá như những hình nhân để mong được mọi người chiêm ngưỡng, tán thưởng. Đó là những người không sống thực và mua lấy nhiều lo âu phiền não.
Những mỹ phẩm trét lên mặt, những giải phẫu thẩm mỹ cũng như những hóa chất bơm vào cơ thể, theo thời gian sẽ mang lại cho chúng ta nhiều rắc rối. Hãy trở về với mình, sống với cái mình thực, đừng chạy theo những vọng tưởng, những ảo ảnh thì con người mới có thể tìm thấy hạnh phúc chân thật.
---
* Các tác giả khác đều viết là 
Mãn Giác (滿覺)

1 nhận xét:

  1. CAO QUI DUYEN22:07 4/3/13

    Thiền sư Mãn Giác là vĩ nhân của nước Việt.

    Trả lờiXóa