Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Thú chơi tranh Tết của người Việt xưa



Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam. Không chỉ kẻ có tiền mới chơi tranh, người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia.

Tranh Tết là một phần hồn Việt trong lành, nhân hậu và đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt.
Những ngày trước tết, người Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mang tranh đi bán khắp nơi, người khắp nơi về đây cất tranh. Tranh Hàng Trống cũng rậm rịch trước đó vài thàng, in in, vẽ vẽ và trưng bày với một số lượng lớn các mẫu hàng hơn thường ngày cho dù lượng khách của thể loại tranh này kén hơn. Người ta cho rằng tập quán chơi tranh lâu đời này xuất phát điểm từ thời Lý (1010 -1225) và nhà Trần (1225 - 1400), nhưng thực tế lại không có một bằng chứng xác thực nào cả. Chỉ biết rằng nghề làm tranh với sự tinh tế đa dạng cũng như sự khác biệt giữa đề tài và kỹ thuật in của hai dòng tranh này từ lâu đã trở nên nổi tiếng.
Tranh Đồng Hồ thường được tạo ra bằng cách in chồng các ván màu lên nhau, sau đó bản nét được in cuối cùng để tạo nên thần thái của tác phẩm. Trong khi đó ngược hoàn toàn toàn qui trình này, tranh Hàng Trống là thể loại tranh được in một lần bản nét, để làm xương sống cho tác phẩm, sau đó người nghệ nhân phải gia công thêm bằng việc tô phẩm màu thì tác phẩm mới trở nên hoàn chỉnh. Cái duyên và khéo của tranh chính là các sắc độ đậm nhạt, sáng tối được tạo ra trên cùng một vệt màu. Do đó tuy cùng một bản in như nhau nhưng tuỳ cảm hứng của người tô mà các tác phẩm này dường như vẫn khác biệt nhau rõ rệt.
Cùng với các đặc trưng trên, thì kích cỡ các thể loại tranh của hai dòng tranh này cũng hoàn toàn khác nhau. Kiểu in nhiều bản màu của tranh Đông Hồ chỉ cho phép in trên giấy khổ nhỏ, thì mới có thể in nhanh và chính xác các chi tiết. Trong khi đó đối với tranh Hàng Trống kiểu in một lần rồi tô màu, lại cho phép các nghệ nhân làm tranh có thể sáng tác ra các mẫu tranh có khổ lớn và đi sâu hơn vào các chi tiết tỷ mỷ.
Điều này còn liên quan trực tiếp đến thú chơi tranh của người người xưa và nhu cầu trang trí nhà cửa sao cho hài hoà. Đối với nông thôn, các gia đình nghèo, nhà tranh vách đất, thì việc mua một tờ tranh nhỏ với giá phải chăng là điều hoàn toàn có thể. Cái khổ tranh bằng lá mít cũng rất thích hợp để có thể dán bất cứ đâu trong nhà mang lại một không khí vui tươi rộn rã. Còn đối với người thị thành, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên được một không gian sang trọng và quí phái. Nó còn chứng tỏ được gu thẩm mỹ của chủ nhà hay thậm chí cái lễ giáo gia phong của gia đình. Như giữa những bộ bàn ghế giả cổ với gam màu nâu sòng chạm trổ cầu kỳ, một bức tranh lớn với những màu phẩm rực rỡ khiến cho không gian phòng khách như được điểm xuyết để trở nên rạng rỡ.
Các đề tài trong tranh Đông Hồ hay Hàng Trống cũng vô cùng phong phú. Tuy nhiên là tranh treo Tết thì nội dung bao giờ cũng là cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất. Chúng là sự thể hiện của ước vọng hay lời cầu chúc cho gia chủ một năm mới sung túc đầy đủ. Các bức như Tiến Tài, Tiến Lộc, thường được dán ở cổng như muốn mời gọi thần tài đến nhà. Bộ tranh Phúc - Thọ với lời cầu “Phúc như đông hải” và “Thọ tỷ Nam sơn”là những chữ Hán rỗng, với hình minh hoạ rất phong phú nội dung câu chúc phía trong. Đây cũng là kiểu chơi thư họa đồng nguyên rất độc đáo của người Việt. Chữ Hán bao ngoài chỉ là cách mượn hình còn nét vẽ ở trong mới là sự tả ý. Nhiều chữ Phúc được vẽ một cách rất cầu kỳ với 24 hình ảnh về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, hay ở chữ Thọ có tới 28 chòm sao. Các bức tranh này phần nhiều do các nghệ nhân Hàng Trống làm, bởi chỉ có giới thị dân mới ưa chuộng sự tinh tế, tỷ mỷ, cầu kỳ. Và chúng không chỉ được họ treo trong dịp tết, mà còn được đóng khung cẩn thận để treo một cách trang trọng giữa phòng như một bức hoành phi, hoặc bày đăng đối hai bên.
Ngoài ra ở tranh Hàng Trống còn có một số những tranh đơn cũng được treo vào dịp tết như “Cá chép trông trăng” hay“múa rồng”. Chúng vừa thể hiện cái triết lý âm dương giao hòa của người phương Đông vừa là lời cầu chúc cho một năm phồn thịnh với cái không khí xuân sắc tưng bừng. Hai bức tranh này cũng xuất hiện trong dòng tranh Đông Hồ, nhưng mang nhiều chất mộc mạc giản dị hơn. Ngoài ra một số đề tài khác cũng được ưa chuộng trong dịp Tết như “Gà đàn”, “Lợn đàn” ở dòng tranh Đông Hồ là khát vọng cho một năm sung túc, hay tranh những cậu bé mũm mĩm ôm gà, ôm vịt “Vinh hoa”, “Phú quí”tượng trưng điềm phúc. Chúng được in nhiều và có thể dán đâu cũng được tuỳ ý gia chủ.
Vào đầu năm mới cũng là dịp người ta quét tước sửa soạn lại bàn thờ, do vậy các tranh mang đề tài tín ngưỡng cũng được bày bán khá nhiều trong dịp tết như tranh ông Công, ông Táo. Trong các đền phủ thì là các tranh như Tam toà Thánh Mẫu, hay Tứ phủ, tranh vẽ về các ông Hoàng... hay các tranh ngũ quả cũng được nhiều người treo để thay thế cho những bức tranh của năm ngoái.
Trong những năm gần đây việc chơi tranh dân gian vào dịp Tết có xu hướng quay trở lại. Tuy rằng thú chơi tranh của người Việt không còn thuần nhất như những cái Tết cổ truyền xa xưa, do sự hội nhập và phát triển đa văn hoá hiện nay. Các tranh in sẵn của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường, làm các thể loại tranh dân gian xưa có phần bị lép vế. Người ta cũng thấy có sự thay thế vị trí của các bức Tiến Tài, Tiến Lộc, Vinh Hoa, Phú quíbằng những tranh em bé ôm những thỏi vàng được dán trước cổng nhà hay cửa hiệu. Hay tranh cá, tranh rồng chế tác bằng vi tính được treo và dán ở khắp nơi. Trông chúng thì có vẻ hào nhoáng nhưng lại không đem lại những mỹ cảm tốt. Do đó đối với những người sành chơi, thì các tranh dân gian Việt Nam vẫn là những tác phẩm vừa giản dị, mà lại mang những nét đẹp tinh tế.
Ngoài ra việc đóng khung tre cho những bức tranh dân gian Đông Hồ là một cách thức mới để họ có thể tìm được sự hoà hợp giữa cái truyền thống và khung cảnh của một phòng khách hiện đại. Còn các tranh Hàng Trống với dạng trục cuốn lại tạo nên sự sang trọng và quí phái vốn có. Mặc dầu vậy, tìm mua được một bức tranh Hàng Trống hiện nay để chơi Tết không phải là dễ. Dòng tranh Hàng Trống chỉ còn một nghệ nhân duy nhất là ông Lê Đình Nghiêm. Nhưng cái thú chơi tranh Tết của người Việt thì dường như vẫn tiếp tục được bồi đắp qua hàng thế hệ. Cái chân giá trị, cái tinh cái quí sẽ vẫn luôn được bảo tồn như thể truyền thống luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam.
TRANG THANH HIỀN (SỐNG MỚI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét