Trong các lần xâm lược Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến thế Kỷ XX, các nước phương Tây đều khai thác và sử dụng yếu tố Trung Quốc. Với sự thỏa hiệp giữa các nước phương Tây và Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, hai phía ít nhiều đều có lợi.
Việt Nam và Trung Quốc như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã chỉ ra: “ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều xưng đế một phương”(1).
Hơn thế nữa, cho đến trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp giữa thế kỷ XIX, hai nước gắn chặt với nhau trên nhiều phương diện từ thiên nhiên “ núi liền núi, sông liền sông”, hành chính qua địa giới các tỉnh giáp nhau ở biên giới, tương đồng về văn hóa và đặc biệt Việt Nam là một nước phiên thuộc, triều cống đối với các vương triều Trung Hoa. Hiểu được điều đó, các nước thực dân, đế quốc phương Tây, từ giữa thế kỷ XIX đến tk XX, khi xâm lược nước ta đều tính đến và sử dụng yếu tố Trung Quốc trong trò chơi chính trị với Việt Nam. Bằng sử liệu thu thập được, bài viết này cố gắng làm rõ việc các nước thực dân phương Tây đã sử dụng yếu tố Trung Quốc như thế nào trong các cuộc xâm lược Việt Nam của họ.
1. Dưới thời nhà Thanh.
Thực dân Pháp, sau khi thiết lập sự chiếm đóng vững chắc trên toàn bộ xứ Nam Kỳ lục tỉnh, năm 1873 đã tiến hành cuộc Viễn Chinh Bắc Kỳ lần thứ nhất với hai mục đích: 1) Buộc triều đình Huế ký một hiệp ước mới công nhận sự thống trị của chúng trên đất Nam Kỳ ( Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 mới công nhận sự chiếm đóng của Pháp ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và quần đảo Côn Lôn); 2) Thăm dò sự phản ứng của nhà Thanh, Trung Quốc. Trong một lá thư đề ngày 8-9-1873 gửi từ Hồng Công, Francis Garnier đã cho biết “ người Anh xúi dục Trung Hoa chinh phục xứ Bắc Kỳ…Tôi đã trình bày với Đô đốc (Đuyprê) rằng nếu như chính quyền Annam biến đi trên đất Bắc Kỳ thì đồng thời ảnh hưởng của chúng ta trên vùng đất này cũng sẽ chấm hết; rằng nếu chúng ta làm cho quyền hành của triều đình Huế được tôn trọng thì chúng ta sẽ được đứng trên một địa bàn ngoại giao bất khả xâm phạm; rằng nếu chúng ta tiến hành một cuộc viễn chinh không có lý do gì thì có thể chúng ta sẽ gặp phải cuộc cuộc can thiệp bắt ngờ và sẽ vấp phải những khó khăn hết sức nghiêm trọng mà ông không thể lường được vì quân đội Trung Hoa được trang bị những loại súng trường bắn nhanh và súng liên thanh do ông Duypuy bán cho họ…” (2).
Với cuộc Viễn chinh Bắc Kỳ lần thứ nhất, thực dân Pháp đã đạt được cả hai mục đích đó một cách trọn vẹn. Ở đích thứ nhất, thực dân Pháp đã buộc triều đính Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất 1874 , theo đó, thực dân Pháp, ngoài việc triều đình Huế công nhận sự thống trị của người Pháp trên toàn bộ vùng Lục tỉnh Nam Kỳ ( Điều 5), còn tại Điều 2 và Điều 3, Pháp đã gạt bỏ sự lệ thuộc của triều đình Huế vào nhà Thanh bằng việc thừa nhận “ chủ quyền của vua Annam và nền độc lập đầy đủ của ông đối với tất cả mọi cường quốc bên ngoài, bất kể là nước nào…và đổi lại nhà vua Annam cam kết thi hành chính sách ngoại giao của mình theo đúng chính sách của nước Pháp và không thay đổi gì trong quan hệ ngoại giao hiện nay của mình ” (3). Tại 3 điều khoản quan trọng đó trong Hiệp ước Giáp Tuất, Pháp đã tách Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Hoa. Ở đích thứ hai, thực dân Pháp đã một phần yên lòng và vững tâm hơn bởi sự phản ứng yếu ớt của nhà Thanh trước hành động của họ ở vùng đất phiên thuộc Bắc Kỳ. Người Pháp sợ nhất là nhà Thanh đưa quân vào Bắc Kỳ đánh nhau trực tiếp với họ. Điều đó đã không xảy ra, nếu có chỉ là những đội quân thổ phỉ cờ Vàng, cờ Đen từ bên kia biên giới tràn qua kết hợp với quân đội triều đình đánh Pháp (trường hợp sự liên kết giữa quân triều đình của Hoàng Kế Viêm và quân cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đã tạo nên chiến thắng Cầu Giấy I).
Và như vậy, qua Hiệp ước Giáp Tuất, lần đầu tiên ta thấy người Pháp đã tính đến yếu tố Trung Hoa trong cuộc xâm lược Việt Nam của họ. Từ đây, yếu tố Trung Quốc luôn hiện hữu trong những bước đi thôn tính nước ta của Pháp. Nói một cách khác, con bài chính trị Việt Nam được đem ra mặc cả, mua bán trong những toan tính lợi ích chính trị, kinh tế của hai bên.
Sau Hiệp ước đó, dù hiểu hay không, vua Tự Đức vẫn tiếp tục ngoại giao truyền thống ( di sản tổ tông) là triều cống nhà Thanh. Đó là năm 1877, sứ bộ lần đó đã yêu cầu và được nhà Thanh chấp nhận gửi một đạo quân sang Bắc Kỳ để dẹp nhóm nổi loạn Lý Dương Tài. Lập tức Bộ trưởng Hải quân Pháp liền ra lệnh cho Thống đốc Sài Gòn phải lưu ý đến triều đình Huế: “ Sự can thiệp của Trung Hoa, mà Huế đã yêu cầu, là một vi phạm nghiêm trọng vào những quyền lợi mà Hiệp định 1874 đã dành cho chúng ta, và làm như thế là họ đã vi phạm cam kết với chúng ta” (4). Tuy nhiên, cả Trung Hoa lẫn Pháp, đang vướng vào những việc lớn hơn, nên chuyện đó cũng qua đi cho đến ngày 10-11-1880, Tăng Kỳ Trạch tái khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp là Trung Hoa vẫn nắm giữ tôn quyền đối với nước Đại Nam thì cuộc tranh cãi bùng phát, trở nên sôi nổi và cuối cùng là hành động.
Như chúng ta biết, sau khi Lý Dương Tài chết năm 1879, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc làm chủ miền thượng du Bắc Kỳ và kiểm soát thương mại trên sông Hồng, tuyến thương mại huyết mạch nối Vân Nam với Hồng Công. Tháng 10-1881, hai người Pháp là Courtin và Villeroi bị thương do quân Cờ Đen. Dựa vào Điều 11 trong Hiệp ước 1874, người Pháp đòi triều đình Huế phải dẹp bỏ quân Cờ Đen. Dĩ nhiên triều đình Huế không chấp nhận. Đó là cớ nhỏ. Cớ chính ẩn sau đó là mỏ than Hồng Gai với trữ lượng lớn mà Pháp rất cần, sắp rơi vào tay người Hoa (đứng đằng sau là người Anh). Vì hai lý do đó mà có cuộc viễn chinh Bắc Kỳ năm 1882 do Đại tá hải quân Henri Rivière chỉ huy (5). Sau khi Hà Nội thất thủ năm 1882, triều đình Huế yêu cầu nhà Thanh viện trợ 2 vạn quân sĩ. Thấy rõ âm mưu của Pháp muốn nuốt Bắc Kỳ và như thế sẽ uy hiếp trầm trọng vùng biên giới Nam Trung Hoa nên vua Thanh đã phúc đáp bằng mấy chữ: “ Khả, sĩ bắc phong tái biện”, dịch ra tiếng Việt là: “ Rất tốt! Chúng tôi sẽ thi hành biện pháp ngay khi gió Bắc thổi tới”(6). Từ mùa Thu năm 1882, triều đình nhà Thanh cho quân xâm nhập Bắc Kỳ, đóng rải rác trên một tuyến kéo dài từ Cao Bằng, Lạng Sơn xuống Thái Nguyên, Tuyên Quang. Hưng Hóa đến tận Bắc Ninh. Sự lo sợ nhà Thanh đưa quân vào tham chiến trên đất Bắc Kỳ từ cuộc viễn chinh Bắc Kỳ lần thứ nhất đến đây đã hiện hữu. Vì thế mới có cuộc đàm phán giữa đại diện triều đình nhà Thanh và nước Pháp, lúc ở Pari, khi ở Thiên Tân, và cuối cùng, năm 1885, một Hiệp ước được ký kết giữa đại diện Chính phủ Pháp là Thủ tướng Freycinet và đại diện của Trung Hoa là Tổng lý Nha môn (tương đương Thủ tướng) Lý Hồng Chương tại Thiên Tân, Trung Quốc, mà trong lịch sử gọi là Hiệp ước Thiên Tân năm 1885, kết thúc cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam của Nhà Thanh và Pháp. Lần đầu tiên Việt Nam như một món hàng được chia chác của cả hai phía ký trong hiệp ước. Trung Quốc cam kết “… giải tán các toán thổ phỉ tìm cách lập lại tổ chức trên lãnh thổ mình để gây rối trong dân chúng đang được nước Pháp bảo hộ và tôn trọng các lời cam kết liên quan đến an ninh biên giới, Trung Quốc cũng không phái quân đội của mình vào lãnh thổ Bắc Kỳ”(Điều khoản 1) và “ Trung Quốc quyết định không làm gì có hại đến công việc bình định của Pháp và cam kết tôn trọng hiện nay và trong tương lai những hiệp ước, hiệp định và thỏa ước đã ký hay sẽ ký trong tương lai giữa Pháp và An Nam” (Điều khoản 2). Đổi lại, Trung Quốc được Pháp cam kết: “ Từ khi hiệp ước này được ký, lực lượng Pháp sẽ rút khỏi Ka Lung (Ka Long, con sông làm ranh giới giữa Móng Cái, Việt Nam và Đông Hưng, Trung Quốc) và chấm dứt đi lại ngoài khơi. Trong thời gian 1 tháng sau khi ký kết hiệp ước này, quân đội Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi đảo Đài Loan và đảo Lôi Châu” ( Điều khoản 9).
Rồi từ đây, thực thi Điều khoản 3 trong Hiệp ước Thiên Tân 1885, hai phía đi đến ký kết Công ước Pháp- Thanh 1887 nhằm phân chia biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc. Theo công ước đó Pháp cắt ¾ đất tổng Tụ Long, thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích 750km2 sáp nhập vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; cắt 9 xã rưỡi thuộc tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên cho tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vì thế mà trong cuộc trò chuyện với Đô đốc Pháp Rieunier, Lý Hồng Chương đã nói: “ Nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm được Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa 600 năm nay, việc này là nhờ trung gian của tôi. Nó đã gây cho tôi nhiều phiền phức, tôi nghĩ rằng một sự đề bồi dưới dạng nhường vài vùng đất nhỏ trên vùng biên giới là cân thiết”.
Như vây, yếu tố Trung Quốc đã can dự vào cuộc xân lược Việt Nam cuối thế Kỷ XIX. Đổi lấy quyền Thiên triều đối với nước phiên thuộc Việt Nam, nhà Thanh đã được Pháp rút quân khỏi Ca Long (7) và đảo Đài Loan và bán đảo Lôi Châu và tiếp đó là ¾ tổng Tụ Long và trên 9 xã của tỉnh Quảng Yên.
2. Dưới thời Trung Hoa Dân Quốc.
Sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, theo thoả ước Pôxđam, ở Việt Nam từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở vào, quân Anh và từ vĩ tuyến 16 trở ra, quân đội của Trung Hoa Dân Quốc vào tước khi giới quân Nhật. Núp sau bóng quân Anh và được Hoa Kỳ ngầm ủng hộ, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Ngày 23-9-1945, chúng gây hấn tại Sài Gòn, tiếp đó toàn Nam Bộ và nống ra Nam Trung Bộ. Sau khi thôn tính một số vùng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp muốn chiếm nốt phần còn lại của nước ta, nhưng phải vượt qua hai lực cản lớn nhất đối với chúng: Chính phủ Hồ Chí Minh được nhân dân cả nước ủng hộ và quân đội của Tưởng Giới Thạch đang làm nhiệm vụ theo phe Đồng Minh phân công. Đương nhiên người Pháp phải tính toán để loại dần hai vật cản mới có thể đưa quân ra Bắc được. Trước hết, Pháp lựa chọn thương lượng thẳng với Trung Hoa Dân Quốc. Và thế là Việt Nam trở thành một món hàng mặc cả giữa chính quyền Pari và chính quyền Trùng Khánh. Sau nhiều lần thương thảo, ngày 28-2-1946, tại Trung Khánh, Ngoại trưởng Trung Hoa là Vương Thế Kiệt và Đại sứ Pháp tại Trung Hoa là Jacques Meyrier ký kết Hiệp ước Pháp-Hoa mà trong lịch sử thường gọi là Hiệp ước Trùng Khánh. Theo hiệp ước đó, Trung Hoa rút quân khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15 tháng 3 và chấm dứt là ngày 31- 3-1946. Đổi lại, Pháp trả và nhường cho Trung Hoa nhiều quyền lợi kinh tế ở Trung Hoa và ở Việt Nam như trả lại nhượng địa (Quảng Châu Loan) và tô giới (Sa Điện, Quảng Châu) và cho thuê lại đoạn đường sắt Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ) đến Hồ Kiều, Lào Cai (Việt Nam), nhượng cho Trung Hoa Dân Quốc một đặc khu ở cảng Hải Phòng, hàng hóa của Trung Hoa Dân Quốc vận chuyển quá cảnh qua miền Bắc sẽ được miễn thuế.
Trong những nhượng bộ của Pháp cho chính phủ Trùng Khánh, những nhượng bộ liên quan mật thiết với nước ta là quan trọng nhất. Chúng ta điều biết, sau khi phát xít Nhật nhảy vào Trung Quốc, lần lượt đánh chiến các tỉnh duyên hải Trung Hoa, cắt đứt mọi sự liên hệ với Trùng Khánh, đặc biệt hàng hóa viện trợ quân sự của các nước Đồng Minh, chủ yếu là của Hoa Kỳ, cho Chinh quyền Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Từ đó, thông qua cảng Hải Phòng và tuyến đường sắt Việt – Điền là tuyến huyết mạch chu chuyển xăng dầu, xe tăng, đại bác và các trang thiết bị quân sự của các nước Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, viện trợ cho chính quyền Trùng Khánh.
3. Dưới thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp.
Sau khi đánh đuổi quân đội Tưởng ra khỏi đại lục, 1-10-1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông làm chủ tịch được thành lập. Ngày 18-1-1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, hai nước Việt Nam, Trung Hoa không chỉ “núi liền núi, sông liền sông”, mà hơn nữa cùng chung một loại hình nhà nước (đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo), cùng chung một ý thức hệ (lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng), và đặc biệt sự giúp đỡ về người và của cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta bắt đầu từ chiến dịch Biên giới năm 1950. Trên thực tế, sau thắng lợi chiến dịch Biên Giới với đường biên trên 750 km được giải phóng, cuộc phá vây của ta mới toàn thắng. Từ đây, nước ta nối liền với hệ thống xã hội chủ nghia do Liên Xô đứng đầu và nhận được sự giúp đỡ của tất cả các nước trong hệ thống. Do đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta thu được những thắng lợi rực rỡ, dẫn đến chiến cuộc đông xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1953, sau khi Stalin mất, một bầu không khí hòa hoãn với Mỹ đang ngự trị trên chính trường thế giới.Đó cũng là những năm tháng Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trong cuộc kháng Mỹ viện Triều dẫn tới giải pháp đình chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm năm 1953. Trong thời chiến tranh lạnh, hai lò lữa chiến tranh ở châu Á đã được dập tắt một. Ngày 24-8-1953, Chu Ân Lai đã tuyên bố: “ Cuộc đình chiến ở Triều tiên làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác”. Lời tuyên bố của Chu như là sự ám chỉ cho một giải pháp để dập tắt lò lửa chiến tranh thứ hai ở châu Á là cuộc chiến tranh Đông Dương. Hơn ai hết Trung Quốc mong muốn dập tắt các cuộc chiến tranh ngay sát biên giới với mình để tránh những mất mát khi phải tham chiến như ở Triều Tiên, để tập trung sức lực cho kế hoạch 5 năm (1953-1957) và đằng sau đó là để thể hiện vai trò của một thế lực chính trị đang lên ở Châu Á và trên thế giới. Trung Quốc rất muốn giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương theo chiều hướng ngăn không để Hoa Kỳ có cơ hội can thiệp trực tiếp vào Đông Dương như đã từng diễn ra ở Triều Tiên. Đó là mục tiêu hàng đầu của phái đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai dẫn đầu đã mang tới và chi phối toàn bộ hoạt động của họ tại Hội nghị Giơnevơ. Chấm dứt chiến tranh bằng giải pháp chia cắt Việt Nam theo đường vĩ tuyến là phương sách phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tiễn của Trung Quốc và tình hình thế giới. Chu Ân Lai lần đầu bày tỏ giải pháp này trong cuộc gặp gỡ giữa 3 trưởng phái đoàn Liên Xô (Ngoại trưởng Molotop), Trung Quốc (Chu Ân Lại) và Việt Nam (Phạm Văn Đồng) tai Matxcova trước khi tới Gionevo và đặc biệt trong các cuộc gặp riêng với các phái đoàn Anh, Pháp vào các ngày16/17-6-1954. Ngày 24-6-1954, tại Oasinhtơn, diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao bàn về chấm dứt chiến tranh Đông Dương giữa Tổng Thông và Ngoại trưởng hai nước Anh, Mỹ. Tại đây, hai bên đã đưa ra 7 điều kiện về một thỏa thuận đình chiến ở Đông Dương, trong đó nhấn mạnh điều kiện giành cho phương Tây phần lãnh thổ phía nam và một vùng khác lõm sâu ở đồng bằng Bắc Bộ. Như vậy, tất cả các bên đã đồng thuận theo giải pháp chia cắt Việt Nam theo vĩ tuyến. Vấn đề còn lại là lấy vĩ tuyến nào? Có thể nói đây là vấn đề được tranh luận nhiều nhất giữa hai phe. Khi Điện Biên Phủ chưa phân thắng bại thì Trung Quốc lựa chọn vĩ tuyến thứ 16. Ngày 8-5 tin thắng trận Điện Biên của ta đến với Phạm Văn Đồng. Trưởng phái đoàn ta có thái độ cứng rắn hơn và mạnh dạn đưa ra ý tưởng vạch giới tuyến quân sự tại vĩ tuyến 13. Phia Pháp lấy vĩ tuyến 19 (Bắc Đồng Hới). Trước sự cứng rắn của phái đoàn Việt Nam, ngày 24-6 phía Pháp đưa ra đề nghị lấy vĩ tuyến thứ 18 với lý do họ cần thông thương qua Lào ( qua quốc lộ 9). Việt Nam không nhượng bộ. Hội nghị bế tắc, tạm dừng. Vì thế mới có cuộc gặp gỡ tại Oa sinh tơn giữa Anh và Hoa Kỳ ngày 29-6 đã đi tới 7 điểm, trong có lấy vĩ tuyến 17. Và có cuộc gặp gỡ tại Liễu Châu, Trung Quốc giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lại từ ngày 3 đến 5-7-1954 bàn về những giải pháp kết thúc chiến tranh. Theo Hồ Chí Minh, nếu so sánh lực lượng trên thực tế chiến trường thì Việt Nam không được vĩ tuyến 15 thì chí ít phải giành được vĩ ruyến 16 như trước đây Đồng Minh đã chọn làm ranh giới tạm thời để giải giáp quân đội Nhật ở hai miền Nam-Bắc Đông Dương. Ngay trong ngày kết thúc cuộc gặp gỡ Liễu Châu, Hồ Chí Minh đã gửi điện chỉ thị những vấn đề then chốt cho Phạm Văn Đồng. Sau này trong một lần nói chuyện với cán bộ ngoại giao, Người nhắc lại sự kiện đó: “ Lúc đó, trong nước ta thắng, bên ngoài nước cũng thắng, nó ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng cũng có cái khó là ở chỗ Mỹ muốn nhảy vào thay thế Pháp và không muốn ta nhận vĩ tuyến 17. Tình hình lúc đó chỉ có là hòa hay đánh. Nếu ta không chịu hòa, thì sẽ phải đánh. Ta tranh đấu mãi, từ Vĩ tuyến 15, đến Vĩ tuyến 16, rồi đến Vĩ tuyến 17. Đến đây ta không nhựơng nữa, nó phải chịu” (8).
Hội nghị Giơnevơ là cơ hội quan trọng để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính trị tại châu Á mà không một nước nào có thể bỏ qua. Theo Francois Joyaux, Trung Quốc không quan tâm đến lợi ích của những người cộng sản và những người theo dân tộc chủ nghĩa tại 3 nước Đông Dương. Trung Quốc thỏa hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ đối với lực lượng bản xứ chống Pháp tại các nước này (9). Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia Việt Nam ra làm hai: một Bắc Việt Nam giáp với Trung Quốc theo chế độ xã hội chủ nghĩa, như một lá chắn, một Nam Việt Nam thuộc quyền kiểm soát của Pháp ngăn không để Mỹ vào.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thất bại nặng nề trước đòn tiến công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đọc diễn văn về việc ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam và đề nghị nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau nhiều cuộc tiếp xúc bí mật của phía Mỹ, Chính phủ ta tuyên bố “sẽ cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ”. Hai bên tranh luận kéo dài gần một tháng về địa điểm hòa đàm, cuối cùng thỏa thuận lấy thành phố Paris làm nơi đàm phán.
Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu và phái đoàn Hoa Kỳ do Averell Harriman lãnh đạo, chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber, thành phố Paris. Trong quá trình đàm phán hòa bình Việt Nam – Hoa Kỳ tại Paris, từ tháng 4-1971, bắt đầu xuất hiện yếu tố Trung Quốc bằng sự kiện Thủ tướng Chu Ân Lai chủ động mời Tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm Bắc Kinh. Chúng ta đã từng biết trước sự kiện này, năm 1965, trước khi đổ quân vào miền Nam và mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hoa Kỳ đã tiến hành thăm dò phản ứng của Trung Quốc. Tháng 1-1965, trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ Etga Xnô, Mao Trạch Đông đã không úp mở tuyên bố: “ Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau. Đó là điều rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tiến công (vào đất Trung Quốc), người Trung Quốc mới chiến đấu” (10). Điều đó có thể suy ra: Ngươi (Mỹ) không đụng đến ta ( Trung Quốc), thì ta không đụng đến ngươi.
Tuyên bố của Mao làm yên lòng để Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng đánh phá miền Bắc. Dẫu vậy, Mỹ không thể ngăn chặn sự tiếp viện người và của cho chiến trường miền Nam và thắng lợi trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 và đặc biệt trong Tết Mâu Thân. Cùng với sự thất bại trên chiến trường Việt Nam và phong trào phản chiến ở hậu phương nước Mỹ, Hoa Kỳ nhận thấy không thể thắng ta về quân sự nên đi tìm giải pháp hòa đàm như trên đã nói.
Từ tháng 5-1968 đến tháng 2-1970, hội nghị Paris chỉ là diễn đàn để hai bên lên án lẫn nhau và định hướng dư luận thế giới. Từ ngày 21-2-1970, khi có nhừng cuộc gặp gỡ riêng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger, cuộc hòa đàm Paris mới đi vào thực chất. Và cũng bắt đầu từ đây, Hoa Kỳ nghĩ tới việc lợi dụng yếu tố Trung Hoa giúp họ giành thế thượng phong trong cuộc hòa đàm với Việt Nam. Và Trung Quốc cũng đã sớm nhận ra nên cũng đã sử dụng Việt Nam trong sự đổi chác lợi ich của mình với Hoa Kỳ, bất chấp sự tổn thất của “người đồng chí, người anh em” đã từng cùng chung lưng đấu cật thời hàn vi.
Chúng ta đều nhớ, một chương mới trong quan hệ Trung-Mỹ được mở ra bằng việc Trung Quốc công bố trên Đài phát thanh Bắc Kinh ngày 26-11-1968 bản Tuyên bố về mong muốn nối lại cuộc đàm phán với MỸ ở cấp đại sứ ở Vacsava (Ba Lan). Đối với Oashinhtơn, đó là tín hiệu không thể bỏ qua, vì thế lập tức họ tìm mọi cách làm thỏa mãn mong muốn của Bắc Kinh. Người đóng vai trò tích cực đó là Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống R.Nixon.
Ngày 1-2-1969, Kissinger bước vào Nhà trắng và cùng với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Richardson nghiên cứu và vạch ra một lộ trình thích hợp để đưa quan hệ Mỹ-Trung đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Đúng 20 ngày sau khi giữ cương vị mới, trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 21-2-1969, Kissinger đã đưa ra một ý tưởng chủ đạo là “ mọi xem xét tình hình quốc tế phải đánh giá vai trò của một nước có 700 triệu dân…” (11). Tiếp đó, ông vạch kế hoạch cho chuyến thăm Pháp của Tổng thống R. Nixon để từ đây R. Nixon nói với Tổng thống Pháp De Gaulle cũng là thông báo gián tiếp với Bắc Kinh rằng: Bất kể khó khăn như thế nào, Hoa Kỳ cũng quyết tâm mở cuộc đối thọa với Trung Quốc và nếu yêu cầu của Oasinhton được Bắc Kinh chấp nhận thì Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc , bỏ cấm vận kinh tế, rút quân Mỹ ra khỏi Đài Loan…
Do lợi ích quốc gia bức thiết, cuối tháng 12-1969, Đại biện lâm thời Trung Quốc Lei Yang đã chủ động gặp Đại sứ Mỹ Walter J. Stoessel ở Vacsava đề nghị mở lại đàm phán cấp đại sứ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ từ tháng 1-1970. Sau nhiều lần gặp gỡ trực tiếp, trao đổi công hàm, thư từ về các vấn đền liên quan, mùa Xuân 1971, Trung Quốc chính thức đặt vấn đề mời phái viên cấp cao chính quyền Hoa Kỳ sang trực tiếp đàm phán. Và theo đề xuất từ Bắc Kinh, Kissinger đã được Tổng thống Nixon cử sang Bắc Kinh đảm nhiệm trọng trách này. Các vấn đề, đặc biệt cuộc chiến tranh ở Việt Nam, được đặt ra như một điều kiện để đàn phám.
Để đẩy nhanh cuộc đàm phán, nữa cuối năm 1971, Nhà trắng quyết định nới rộng một số quyền lợi trên trường quốc tế cho Trung Quốc như giảm cấm vận và bao vây kinh tế (đã áp dụng từ năm 1950), cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Trung Quốc muốn đến Hoa Kỳ tham quan hay làm ăn, cho phép Trung Quốc dùng đôla để nhập hàng hóa…Đổi lại, Trung Quốc chính thức mời Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon sang thăm Bắc Kinh. Trong cuộc làm việc với cố vấn Kissinger nhằm chuẩn bị những nội dung các văn bản đưa ra trong cuộc hội đàm của hai nguyên thủ quốc gia hai nước bao gồm chính sách với Đài Loan, việc đưa Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc, việc rút quân Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai hé lộ cho Kissinger hiểu về trở ngại lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ Trung-Mỹ là “ Việt Nam chứ không phải là Đài Loan”. Còn Kissinger yêu cầu Trung Quốc bằng cách nào đó không để Hà Nội có khả năng chiếm toàn bộ Nam Việt Nam và bán đảo Đông Dương, tức là phải làm ngưng trệ Việt Nam (12). Vậy là, hai bên đã lật bài ngữa trong trò chơi chính trị Việt Nam.
Nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ngày 2-8-1971, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Roger đã công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ hoàn toafnurng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Liên Hợp Quốc. Trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc ngày 25-10-1971 Trung Quốc được chính thức công nhận là thành viên và đồng thời trở thành một trong năm nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đầy quyền lực của tổ chức quan trọng hàng đầu thế giới này. Chưa đầy một tháng sau, ngày 30-11-1971, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo trên các phương tiện thông tin về cuộc viếng thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon từ ngày 22 đến 28-2-1972 theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc.
Vào thời điểm Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon sang thăm Trung Quốc, quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược xuân-hè 1972. Mặc dù chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là viện trợ quân sự, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn trên cả hai bình diện quân sự và chính trị, làm áp lực cho cuộc đàm phán giữa ta và Hoa Kỳ ở điểm nút tại Hội nghị Paris.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của R. Nixon, sau nhiều cuộc đàm phán, lúc công khai, lúc bí mật, cuối cùng hai bên đã ra Thông cáo chung Thượng Hải. Thông cáo đề cập nhiều vấn đề bận tâm của hai bên, nhưng một vấn đề như là điều kiện đòi hỏi hai bên phải thực hiện ngay là: “Nếu Trung Quốc muốn Hoa Kỳ rút quân khỏi Đài Loan thì Trung Quốc phải ép Hà Nội đi vào một phải pháp thỏa hiệp để tạo điều kiện cho Hoa Kỳ thực hiện việc rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam trong danh dự” (13)
Trong bữa tiệc chiêu đãi trọng thể tại Đại lễ đường Thiên An Môn, Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon đã đề cập tới ý nghĩa của cuộc viếng thăm Trung Quốc năm 1972: “Đây là một tuần lễ làm thay đổi thế giới… Chúng ta đã tạo dựng một chiếc cầu vượt qua 16 nghìn dặm và 22 năm thù địch, ngăn cách chúng ta trong quá khứ. Đêm nay, hai nước chúng ta đã nắm tương lai của thế giới trong lòng bàn tay” (14). Và trong cuộc họp báo quốc tế về chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Hoa Kỳ, Kissinger đã khẳng định: “ Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon không những đã mở ra một quá trình lịch sử, mà còn đem lại cho mọi người một sự lựa chọn đối với tương lai”.
Một lần nữa yếu tố Trung Quốc được Hoa Kỳ khai thác triệt để ở điểm nút cuộc hòa đàm Paris. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có những kiểu khác nhau để gây sức ép lên cuộc đàm phán theo kịch bản của họ.Nếu như phía Trung Quốc gây khó dễ cho Việt Nam bằng những thủ tục quá cảnh các thiết bị quân sự của các nước anh em giúp ta, thì phía Hoa Kỳ gây sức ép lên chúng ta bằng một chuỗi các sự kiện, bắt đầu từ tháng 4-1972, quyết định ném bom trở lại và thả thủy lôi phong tỏa các cảng biển, đặc biệt là cảng Hai Phòng, tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh, liên tiếp mở những cuộc hành quân quy mô lớn trên chiến trường miền Nam, đồng thời tuyên bố hủy bỏ kế hoạch ký tắt Hiệp định Paris dự định vào tháng 10-1972. Phải khẳng định một lần nữa là sự bội ước của Hoa Kỳ chính là họ kỳ vọng vào sức mạnh của siêu pháo đài bay B.52 buộc ta trở lại Hội nghị Paris trên thế thượng phong.
Cuối cùng, những kẻ chơi con bài Việt Nam đều bị thất bại, bởi một lẽ, nước Việt Nam vào thời điểm đó không còn như nước Việt Nam dại khờ trong một thế giới ranh mãnh năm 1954 nữa.
Rốt cuộc lại, trong các lần xâm lược Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến thế Kỷ XX, các nước phương Tây đều khai thác và sử dụng yếu tố Trung Quốc. Với sự thỏa hiệp giữa các nước phương Tây và Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, hai phía ít nhiều đều có lợi. Chỉ một mình dân tộc Việt Nam chúng ta đã phải trả giá bằng sự mất mát, đau thương. Và giờ đây, trong cuộc khủng hoảng biển Đông, liệu chúng ta có thể thoát khỏi số phận nghiệt ngã của một nước nhỏ trong sự cạnh tranh của các cường quốc? Đến nay, hình như bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ để tìm ra lời giải thỏa đáng nhất của bài toán đố hóc búa này.
-----------------------------------------------------
Chú thích:
1. Dẫn theo: Phan Huy Lê (Chủ biên). Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Giáo dục Việt Nam. HN, 2012, tr. 117.
2. Dẫn theo: Đinh Xuân Lâm (chủ biên). Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối tk XIX đầu tk XX. Nxb Hà Nội, 2010, tr.228.
3. Hà Nội trong cuộc vận động…Sdd, tr. 229.
4. Dẫn theo: Yoshiharu Tsuboi. Nước Đị Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885. Nxb Tri thức, 2011, tr,363.
5. Sau khi chiếm Hà Nội tháng 4-1882, Đại tá Henri Riviere cho quân đánh chiếm Hồng Gai ngày 17-3-1883.
6. Yoshiharu Tsuboi. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885. Sdd, tr. 369.
7. Ca Long là con sông làm phân giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, một ben là huyện Móng Cái (Việt Nam) và bên kia là huyện Đông Hưng ( Trung Quốc)
8. Bác Hồ nói chuyện với cán bộ ngoại giao tháng Giêng 1964. Trong Bác Hồ và hoạt động ngoại giao. Nxb chính trị quốc gia. HN, 2008. tr.56.
9. Francois Joyaux. Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Nxb Thông tin lý luận. Hà Nội, 1981, tr. 299.
10. E. Xnô. Cuộc cách mạng lâu dài. Nxb Hotxingxon, London, 1973, tr. 216.
11. Viện quan hệ quốc tế. Thông tin quan hệ quốc tế, số 6, thasng4/1979, tr. 82.
12. Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt –Trung. Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 77.
13. Marvin Kalb-Bernard Kalb. Đột phá khẩu Trung Quốc. Hội nghị cấp cao năm 1972. Viện Thông tin, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1978, tr, 69.
14. Marvin Kalb-Bernard Kalb. Sdd, tr, 93.
PHẠM XANH (TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét