- Một hiện tượng độc đáo của thi ca Việt nam hiện đại
Hàn Mặc Tử có lẽ là con người đặc biệt nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời mình ông đã tạo nên như một huyền thoại và trải qua nó với tất cả sức mạnh của trái tim, của niềm đam mê trong sáng tạo.
Hàn Mặc Tử (1912-1940) là một trong những nhân vật bí ẩn và kỳ lạ nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Như “một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời văn học”, với mười năm sáng tác, Hàn Mặc Tử đã kiến trúc một ngôi nhà thơ của riêng mình vừa khuôn thước, mẫu mực vừa phiêu bồng, biến ảo và vượt thoát khiến những nhà nghiên cứu văn học từ trước tới nay vừa hứng thú, vừa bối rối trong những phỏng đoán “Hàn Mặc Tử, anh là ai”? Cổ điển hay là tân kỳ, huyền thoại hay là hiện thực, thiên tài hay là kẻ mê hoặc, điên loạn.
Nhưng dù Hàn Mặc Tử là như thế nào, có một điều không thể phủ nhận: ông đã để lại dấu ấn không nhòa phai trong lịch sử văn chương dân tộc.
Có lẽ không có một người thơ nào trong phong trào Thơ mới nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung lại mang trong mình một nỗi đau thương quằn quại về thân xác cũng như về tinh thần, bị dồn ép, tàn phá khốc liệt về mọi phương diện của cuộc sống vì một trong “tứ chứng nan y” – bệnh phong như Hàn Mặc Tử. Dù đồng cảm hoặc chia sẻ đến bao nhiêu với số phận cay nghiệt của Hàn Mặc Tử, người đồng thời hay chúng ta hôm nay đều không bù đắp được nỗi tổn thương, sự tuyệt vọng, nỗi buồn và sự cô đơn mà thi nhân phải chịu đựng từ lúc mang bệnh (1936) cho đến khi giã biệt cõi trần (1940), với tuổi đời 28. Mọi người trên trái đất này đều có thể bị bệnh, đều có thể ra đi nhưng là thứ bệnh khác, không bị xa lánh, bị biệt lập với thế giới con người như căn bệnh của Hàn Mặc Tử.
Như có một sự bù trừ của tạo hóa, sự bất hạnh về tinh thần, nỗi đau thân xác, cộng với bản năng sáng tạo đã chắp cánh cho thiên tài và thi ca Hàn Mặc Tử, đưa thi sĩ lên đỉnh cao của văn chương, nghệ thuật hiện đại. Từ những năm ba mươi của thế kỷ, trong tư duy nghệ thuật của mình, Hàn Mặc Tử đã có ý thức đi tìm cái lạ và nung nấu thi hứng sáng tạo ở một cường độ cao: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ - sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn hờn giận đến gần đứt sự sống”. Thơ với Hàn Mặc Tử là sự nới rộng biên độ và khám phá chiều sâu tâm linh “vườn tôi rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh”(1). Nói như Vũ Ngọc Phan: “Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mặc Tử hơn hết cả các nhà thơ hiện đại”(2). Trong bản chất sáng tạo thơ ca của mình, Hàn Mặc Tử dường như bao giờ cũng muốn khai thác đến tận cùng chất liệu cái tôi, cái hành trạng của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Mặc Tử cho rằng Người thơ phong vận như thơ ấy. Trong cơ cấu nghệ thuật của thơ mình, Hàn Mặc Tử đã từ trạng thái đau thương bên trong chuyển hóa thành trạng thái sáng tạo thi ca. Nếu không mắc bệnh phong thì Hàn Mặc Tử đã không để ý đến những biểu lộ khác thường:
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hườm.
Hoặc cái cảm giác chỉ người “đồng bệnh” mới phát hiện ra: Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
(Rướm máu)
Chỉ có thi sĩ Hàn Mặc Tử là người trong cuộc mới diễn tả, biểu đạt một cách chân xác và thành thực nỗi đau về thể xác, về tâm linh của chính mình:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên.
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dồn lên tới ngực
(Hồn là ai)
Nếu không bị bệnh tật hành hạ, nếu không có một bản năng thi sĩ thì Hàn Mặc Tử không thể viết những câu thơ: Áo ta rách rưới trời không vá
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng.
Hoặc
Trời hỡi trời nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn.
Chỉ có Hàn Mặc Tử mới nói về số mệnh, về hoàn cảnh riêng, về đời tư của mình một cách cao khiết, thi vị và đầy ẩn dụ như vậy. Trong sáng tạo thi ca, không phải lúc nào cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình cũng trùng khít với chủ thể sáng tạo nhưng với người đã trải qua “kinh nghiệm đau thương” như Hàn Mặc Tử, thơ ông bao giờ cũng bắt nguồn từ nỗi niềm của bản thể, ta hiểu vì sao với ông “không rên xiết là thơ vô nghĩa lý”:
Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
Một lời run hoi tóp giữa không trung
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn
Đấy là tất cả người anh tiêu tán
Cùng trăng sao bàng bạc xứ say mơ
Cùng tình em tha thiết như văn thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế
(Trường tương tư)
Nhân vật trữ tình trong thơ Hàn Mặc Tử như ở trạng thái phân thân, muốn được giải thoát ra khỏi sự giam cầm của thể xác, của bản năng loài người, vượt ra ngoài vòng kiểm soát của lý trí, sống trong thế giới vô thức, tiềm thức, phiêu diêu trong những giấc chiêm bao huyễn hoặc và huyền bí: “Như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu” và “từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết” (Chiêm bao với sự thật):
Anh đã thoát hồn anh ngoài xác thịt
Để chập chờn trong ánh sáng mông lung
Để tìm em đưa hai tay ràng rịt
Mảnh tình thiêng ngả ngớn giữa không trung
(Sáng láng)
Trên hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử, thi ca chính là sự cứu rỗi của người không thể ôm trọn cuộc sống trong tay. Ta đã từng thấm thía với tâm trạng chết khi đang sống của nhân vật trí thức nghèo trong văn xuôi Nam Cao lại càng đồng cảm hơn với tâm trạng của người sống trên cái chết đang đến trong thơ Hàn Mặc Tử. Không phải vô cớ mà cảm xúc trong thơ Hàn Mặc Tử lúc nào cũng phát triển đến tột bực, trong trạng thái thăng hoa xuất thần:
Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thềm
Ta ở trên cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm
(Chơi trên trăng)
Với tâm hồn siêu thoát, luôn khát khao vươn tới cõi huyền bí, vô thường, thế giới thơ ca của Hàn Mặc Tử luôn ám ảnh bởi các yếu tố trăng, hồn, máu. Đó là những biểu tượng nghệ thuật đặc sắc, giăng mắc dày đặc trong cảm hứng thi ca của Hàn Mặc Tử, tạo ra một giọng thơ đặc biệt, không chia sẻ âm hưởng với bất kỳ ai.
Trong thơ Hàn Mặc Tử ngập những trăng, trăng lấp đầy thi hứng, trăng cưu mang niềm mơ ước của thi nhân. Trăng xoá nhoà ranh giới giữa mộng ảo và trần thế:
“Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt cũng không thấy đâu rõ là chín phương trời, mười phương Phật nữa. Cả không gian đều chập chờn trong những màu sắc phiêu diêu đến nỗi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói. Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như cả bầu thế giới chỗ chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác” (Chơi giữa mùa trăng).
Có người đã nói với thơ trăng, Hàn Mặc Tử xứng đáng là hậu duệ của Lý Bạch(1). Với Hàn Mặc Tử “chỉ có trăng sao là bất diệt, cái gì khác nữa thảy đi qua”. Tính phi thời gian, không gian đã chiếm lĩnh hồn thơ Hàn Mặc Tử, dẫn ông đến cái vô cùng:
Vỡ toang ra từng mảnh cả không gian
Cả thời gian từ khai thiên lập địa
Đều trộn trạo, điều hoà và xí xoá.
Hàn Mặc Tử đã người hoá, vật hoá trăng, biến tính chất tĩnh, lạnh, xa lạ của trăng trở nên nồng nàn, rạo rực, gần gũi: Từ
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
(Thức khuya)
đến
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
(Bẽn lẽn).
Là người luôn lạ hoá phương thức diễn đạt, cũng với hình tượng trăng, Hàn Mặc Tử lại trăng hoá người:
Gió rít từng cơn trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
Hoặc
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô.
Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu là nhà thơ có nhiều bài về trăng: Trăng, Nguyệt cầm, Buồn trăng. Nhưng trăng với thơ Xuân Diệu là biểu tượng của cái đẹp thuần tuý, trăng là đối tượng, là khách thể. Còn những bài thơ trăng của Hàn Mặc Tử: Say trăng, Ngủ với trăng, Rượt trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Một miệng trăng lại có sự giao thoa, hoà hợp giữa trăng và người:
Tiêu đưa tôi bay lên cung trăng
Tôi phiêu diêu cùng ngàn sao băng
A ha! Lòng tôi trăng là trăng
A ha! Trăng tràn đầy châu thân
(Tiêu sầu).
Hơn thế nhà thơ còn hoá thân vào trăng, biến thành trăng: Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
(Huyền ảo).
Thậm chí còn rao bán cả trăng:
Trăng, trăng, trăng là trăng, trăng, trăng
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
(Trăng vàng, trăng ngọc)
Bên cạnh trăng, hồn và máu cũng là sinh lực của nguồn thơ Hàn Mặc Tử, tạo nên một cảm xúc thẩm mỹ riêng biệt trong thơ ông, mê man mà quyến rũ, với hồn ở trong hồn mà vẫn không “bớt nỗi bi thương”:
Ôi! hồn thiêng liêng khôn bề chết đặng
Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên
Ngày tận thế là ngày thôi tán loạn
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên
Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
(Hồn lìa khỏi xác).
Để quên đi những đớn đau đang xâm nhập, dày vò vào một thân xác “tan rữa” hàng ngày hàng giờ, Hàn Mặc Tử buộc phải vượt qua đau thương, điên loạn chấp nhận một sự an bài:
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Xin để tang anh đến vạn ngà
(Trút linh hồn)
Đọc những câu thơ về máu của Hàn Mặc Tử, ta thường gặp những động từ chỉ sự bất ngờ, đột ngột, không cưỡng lại được: T
a đã mửa ra từng búng huyết,
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra,
Ta sẽ hộc ra từng búng huyết,
Anh cắn lời thơ để máu trào,
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết.
Trăng, hồn, máu là ba khía cạnh khác nhau của tư duy nghệ thuật Hàn Mặc Tử nhưng chúng lại dằng dịt trong mối liên hệ hữu cơ, tồn tại bởi một hệ quy chiếu: từ sự đau đớn, hiện hữu của thân xác đau thương, của tình yêu tuyệt vọng. Ở những bài thơ của ông, người ta không chỉ đọc mà còn phải sống trong nó.
Một nét đặc biệt làm nên sự đa dạng trong thi hứng Hàn Mặc Tử là nguồn thơ về đạo, về tôn giáo. Nếu Nguyễn Trọng Trí là một tín đồ thiên chúa, thì Hàn Mặc Tử là một thi nhân. Vị tín đồ, con chiên ngoan đạo và chàng thi sĩ họ Hàn lại là một. Với nhà thơ thì sáng tạo nghệ thuật, thiên chức nghệ sĩ là tối cao, duy nhất. Hàn Mặc Tử không thể không kết hợp giữa yêu cầu về đức tin, tín ngưỡng của tôn giáo với những đòi hỏi không thể cưỡng lại của sự sáng tạo. Trong một chừng mực nào đó, sự cám dỗ của một Hàn Mặc Tử nhà thơ đã lấn át một Nguyễn Trọng Trí tín đồ. Thơ tôn giáo ra đời với Hàn Mặc Tử, như quan niệm của thi sĩ: “Tôi dung hoà cả hai thể văn chương tôn giáo: Thiên chúa và nhà Phật. Đó chỉ là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”(1).
Trong ý thức về con người cá nhân, coi trọng sự sống và cái chết, trong sự bủa vây, đe doạ của tử thần, trong sự truy đuổi gấp gáp của thời gian, đâu là cơ hội sau cùng của nhà thơ, đâu là sự cứu rỗi cho số kiếp hữu hạn, phải chăng đó là niềm tin vào một Đấng:
Tôi van lơn thầm nguyện chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
(Đêm xuân cầu nguyện)
Nhưng với tư cách là một nhà nghệ sĩ, Hàn Mặc Tử không giới hạn đề tài trong một phạm vi sáng tạo, kể cả khi nói về Đạo. Hàn Mặc Tử “trong khi ôm một lý tưởng thơ, đi tìm cảm hứng đã gặp đạo và tìm được đạo trong nhiều đề tài, nhiều thanh sắc, tư tưởng để làm giàu cho thơ mình”(1). Tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử là những gì thanh khiết, thiêng liêng đã được lãng mạn, thi vị hoá mất dần đi vẻ trang nghiêm tuyệt đối của tín điều, kinh điển:
Tấu lạy bà, lạy bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn reo trong hồn trong mạch máu!
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chăng thơ đầy ý
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng mẹ sầu bi
(Thánh nữ đồng trinh Maria)
Hàn Mặc Tử sống trong nguồn đạo cũng là sống trong nguồn thơ. Lúc này nỗi đau trong tâm hồn nhà thơ được băng bó, xoa dịu. Nhiều bài thơ với ý tưởng thanh khiết, thánh thiện ra đời: Điềm lạ, Nguồn thơm, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện, tập hợp trong hai tập Xuân như ý và Thượng Thanh khí:
Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm
Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng phúc âm
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(Nguồn thơm)
Những bài thơ xuân của Hàn Mặc Tử như bay cao, siêu thoát nhờ tư duy tôn giáo của nhà thơ, đưa thơ ông vào một cõi riêng, khác lạ với thơ xuân của các thi sĩ cùng thời. Trong khi thơ xuân của Nguyễn Bính rất người, gắn với trần thế, đời thường thì thơ xuân Hàn Mặc Tử như có cánh, lúc nào cũng ở tư thế bay lên, vượt thoát (Bay giang hồ, thơ bay, hồn tôibay, lòng bay xa, vỗ cánh bay) đến với vũ trụ trinh nguyên tự thuở ban đầu:
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
(Xuân đầu tiên)
Dù thơ Hàn Mặc Tử có tỏ lòng mộ đạo, sùng kính Chúa, với Thánh nữ Maria, cũng không thể gọi ông là nhà thơ tôn giáo. Theo Quách Tấn: “Tử là một nhà thơ đi vào vườn hoa tôn giáo chỉ để tìm hương phấn về ướp cùng hương thơ đó mà thôi. Bởi vậy không thể gọi Hàn Mặc Tử là nhà thơ tôn giáo. Tử là một nhà thơ thuần tuý”(1). Đối với một con người mà cuộc đời là một chuỗi những đau thương bất hạnh như Hàn Mặc Tử thì thơ bao giờ cũng là cứu cánh:
Tôi là kẻ đi đường đêm gió lạnh
Không mong gì hơn kêu gọi tấm lòng thơ
(Say thơ)
Hàn Mặc Tử không chỉ nổi tiếng về thi ca mà còn nổi tiếng với những người phụ nữ đi ngang qua cuộc đời ông, với những mối tình tuyệt vọng của thi nhân. Cũng như các nhà thơ của phong trào Thơ mới, tình yêu là nguồn cảm hứng, là đường dẫn đến với “nàng thơ” của Hàn Mặc Tử. Nhưng có lẽ không nhà thơ nào kể cả Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… lại có nhiều bóng dáng khuynh thi, bóng dáng người tình trong thơ như Hàn Mặc Tử. Những Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương đã tạo nguồn thi hứng với nhà thơ trong những thi phẩm vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa tràn đầy khát khao, mộng tưởng vừa đắng cay, tuyệt vọng. Nhưng tuyệt vọng không phải là chấm dứt mà tuyệt vọng để lại tiếp tục sống và yêu. Tình yêu tuyệt vọng đã trở thành cảm quan nghệ thuật trong thơ tình Hàn Mặc Tử. Theo Chế Lan Viên: “Hàn Mặc Tử đã có những câu thơ tình hay vào bậc nhất trong thi ca Việt Nam hiện đại. Những câu thơ như tiếng kêu tự đáy lòng, lời thơ như dính máu, dính hồn và nước mắt thi sĩ”(1).
Tập thơ Gái quê in đậm dấu ấn mối tình đầu của Hàn Mặc Tử. Mối tình dở dang, vô vọng với Hoàng Cúc đã khiến nhà thơ hụt hẫng chơi vơi. Chàng thi sĩ lần đầu tiên nếm vị của tình yêu đã tiễn biệt tình yêu đầu bằng một nỗi buồn khó tả:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ
(Em lấy chồng)
Sau mối tình đầu, Hàn Mặc Tử kết thân với Mộng Cầm. Tại lầu Ông Hoàng (Phan Thiết), Hàn Mặc Tử đã bầy tỏ tình yêu với Mộng Cầm. Đó là mối tình đầy ấn tượng, thơ mộng và lãng mạn trong đời Hàn Mặc Tử. Nhưng trong thời điểm nhà thơ phải sống cách ly, tuyệt giao với bạn bè, Mộng Cầm đã sang ngang. Dẫu biết người đẹp khó có thể gắn bó cuộc đời với một người mắc bệnh nan y như mình nhưng Hàn Mặc Tử vẫn cảm thấy đất trời như sụt lở, như chết nửa con người:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
(Những giọt lệ).
Mối tình với Mộng Cầm trĩu nặng trong tập Đau thương.
Để thoát khỏi thân xác bị đoạ đầy trong đau đớn, tinh thần bị giam hãm trong cô đơn Hàn Mặc Tử trở lại lầu Ông Hoàng tìm lại tình yêu trong ký ức. Nơi chốn hẹn hò của một thời còn đó mà người đẹp đã xa rồi. Thi sĩ không kìm nổi tiếng nấc nghẹn ngào cất lên từ một cái tôi tuyệt vọng:
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu đương da diết
Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi - Nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
(Phan Thiết! Phan Thiết!)
Trong đời Hàn Mặc Tử, sự hiện hữu của nữ sĩ Mai Đình trong những ngày nhà thơ trọng bệnh là tình trong tâm tưởng, là cảm ứng giữa những tâm hồn nghệ sĩ ái mộ thơ ca:
Thơ em cũng giống lòng em vậy
Là nghĩa thơm tho như ánh trăng
Mềm mại như lời tơ liễu rủ
Âm thầm trong áng gió bâng khuâng
Anh đã ngâm và thuộc làu
Cả người rung động bởi thương đau
Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào
(Lưu luyến)
Hàn Mặc Tử còn cảm người trong ảnh, đó là Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê, bạn thân của Hàn Mặc Tử. Mối tình với Ngọc Sương chỉ là thoáng cảm hư thực trong đời Hàn Mặc Tử, như bẩy sắc cầu vồng hiện lên trong khoảnh khắc:
Ta để chữ Ngọc trên tàu lá
Sương ở cung thềm gió chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Nư giận đòi phen cắn phải môi
(Người ngọc)
Cám cảnh cho những mối tình dang dở, không thành của Hàn Mặc Tử, bạn thân của ông là Trần Thanh Địch giới thiệu Thương Thương là một nữ sinh trường Đồng Khánh rất mê thơ Hàn Mặc Tử, muốn làm quen với nhà thơ(1). Thực ra đây là “cái kế” mà Trần Thanh Địch nghĩ ra hòng khoả lấp những khoảng trống trong trái tim đa tình, đa cảm của Hàn Mặc Tử. Đó là những bức thư do chính ông viết, ký tên Thương Thương gửi cho Hàn Mặc Tử. Nào ngờ cái tên Thương Thương lại đầy sức quyến rũ và thi vị đối với Hàn Mặc Tử, đã khơi mạch một nguồn thơ thần tiên, sáng láng và trong trẻo dưới ngòi bút sáng tạo điêu luyện, tài hoa của thi nhân.
Chỉ với hình ảnh Thương Thương trong tưởng tượng, hư cấu mà người đọc có được tập thơ tình Cẩm Châu duyên, hai vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội. Những thi phẩm cuối đời của Hàn Mặc Tử đã diễn tả đầy đủ nhạc điệu, những cung bậc rung cảm của tâm hồn thi sĩ:
Hương trầm bâng khuâng quyện mình hoa
Nhịp nhàng nường đi theo nhịp đàn
Âm thanh lên cao nhạc lừng ran
Tôi lại gần bên ồ! Lạ thường!
Nường trăng. Ô! Chính là Thương Thương
(Tiêu sầu)
Trong kịch thơ của Hàn Mặc Tử hiện ra một thế giới mới, đó là chốn bồng lai tiên cảnh thơ mộng và huyền ảo, ở đó con người và cảnh vật như được tắm gội trong không khí mộng mơ và siêu thoát. Nhưng tất cả chỉ là giấc mộng tình, giấc mộng Thương Thương. Khi sự thật về Thương Thương đến với Hàn Mặc Tử, ông thật sự bị gục ngã, nguồn thi hứng bị đứt đoạn rồi tắt lịm. Quần tiên hội mãi mãi dở dang, Hàn Mặc Tử mãi mãi là “thi sĩ đồng trinh”. Chắc phải có một linh cảm nào đấy, Hàn Mặc Tử mới vận vào mình những câu thơ đầy mặc cảm về thân phận:
Một mai kia ở bên khe nước ngọt
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
(Duyên kỳ ngộ)
Bên cạnh sự nghiệp văn thơ của Hàn Mặc Tử, người ta còn biết đến một Hàn Mặc Tử - nhà báo. Một cây bút dấn thân vào những vấn đề của xã hội (phóng sự Quan Nghị gật), những vấn đề của thời sự văn chương (Phỏng vấn tác giả Kép Tư Bền). Người đã có một mối quan hệ đầy cảm thông và ngưỡng mộ với nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Và giữa họ đã có mối giao lưu thân thiết, không chỉ vì phục tài về thi bút mà còn là tâm tình, chí hướng: “Bây giờ chỉ có đôi ta; Bao nhiêu tâm sự Hằng Nga biết rồi” (Đêm khuya tình tự với sông Hương).
Là người ưu thời mẫn thế, có tinh thần yêu nước, Hàn Mặc Tử không thể không bộc lộ niềm đau trước thế cuộc:
Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng
Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn
Sao tôi thấy dân chúng bị lầm than
Dưới bóng mặt trời đầy rẫy hào quang
(Sống khổ và phấn đấu)
Lòng yêu nước và thái độ nhập thế của Hàn Mặc Tử được bắt nguồn và nuôi dưỡng trong truyền thống của gia đình, của dòng tộc. Tất cả cội nguồn tinh thần ấy đã ảnh hưởng tốt đẹp đến toàn bộ khí hậu thơ ca Hàn Mặc Tử từ lúc mới bước vào đời đến những ngày trọng bệnh.
Trong gia tài thi ca của Hàn Mặc Tử, người ta còn biết đến những bài thơ trong sáng như ca dao, ngọt lành như trái chín với cái nhìn trẻ trung, lãng mạn mà bí ẩn của thi nhân. Đó là nhân vật trữ tình của một thời: “Hai mươi mốt tuổi, tuổi như hoa”. Với bao hy vọng của tuổi trẻ:
Ra đời ta thấy đời vui sao
Đầy cả say sưa với ngọt ngào…
Lúc ấy lòng ta như rạo rực
Bâng khuâng thèm uống rượu Quỳnh Dao
(Chạy theo hạnh phúc)
Hàn Mặc Tử đã gắn bó tâm hồn mình với thiên nhiên đất nước, với những không gian đã từng chứng kiến bao kỷ niệm vui buồn, được mất trong cuộc đời và tình duyên của thi nhân. Lạ lùng thay với Hàn Mặc Tử, “những địa danh cụ thể cũng trở thành huyền ảo”, cũng nên thơ với Đà Lạt trăng mờ, Đây thôn Vĩ Dạ, Phan Thiết! Phan Thiết. Tình quê hương trong cách cảm, cách nghĩ của thi sĩ không chỉ là tình người, tình đời như thơ Nguyễn Bính hay là bức tranh quê như trong thơ Bàng Bá Lân, Anh Thơ mà là tiếng vọng của tâm linh, với những hình ảnh gợi cảm, giàu nhạc điệu: Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê…
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong luỹ tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
(Tình quê)
Mùa xuân chín và Đây thôn Vĩ Dạ là những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. Với Mùa xuân chín, thiên nhiên trong thơ như không có đường viền. Trong cái không gian khoáng đạt, phóng túng ấy ẩn náu một cái tôi trữ tình tài hoa, đầy dự cảm của thi nhân:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
(Mùa xuân chín)
Cấu trúc nội tại của Đây thôn Vĩ Dạ là mạch vận động của tâm trạng trữ tình, bàng bạc một tình cảm thương nhớ, thoáng chút xao động giữa hư và thực, gắn bó và chia lìa, hy vọng và tuyệt vọng:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Trong số những nhà thơ làm nên “một cuộc cách mạng trong thi ca” 1932-1945, với một phong cách đa dạng, độc đáo, đầy bản lĩnh sáng tạo, Hàn Mặc Tử đã làm một cuộc vượt ngưỡng với thi ca, đạt đến đỉnh cao thành tựu. Chỉ trong vòng hơn chục năm xuất hiện trên thi đàn, từ Lệ Thanh thi tập đến Gái quê, qua Đau thương đến Xuân như ý, Thượng Thanh khí, rồi Cẩm Châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội, thơ Hàn Mặc Tử đã trải qua một hành trình từ cổ điển đến lãng mạn, từ lãng mạn đến tượng trưng và cập bờ siêu thực, góp một phần quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá thi ca dân tộc. Là người cùng thời với thi tài Hàn Mặc Tử, ngay từ những năm bốn mươi của thế kỷ, nhà văn Trần Thanh Mại đã khẳng định: “Hàn Mặc Tử là người đầu tiên trong thế kỷ XX mở ra một cuộc cải cách lớn cho văn chương Việt Nam và thành công một cách vinh quang rực rỡ” (Hàn Mặc Tử thân thế và thi văn. Huế. 1941). Còn Chế Lan Viên, là người của nhóm thơ Bình Định, cùng Hàn Mặc Tử lập ra Trường thơ Loạn đã tiên đoán ngay từ khi Hàn Mặc Tử qua đời: “Những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử” (Người mới, 23/11/1940).
Có lẽ trong số các thi sĩ của Thơ mới, chỉ có Hàn Mặc Tử là “người tình cũ” của thơ Đường luật, đã nổi danh với thể thơ ấy từ 1931 với các bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh. Ba bài thơ Thức khuya, Chùa hoang, Gái ở chùa trong Lệ Thanh thi tập của Hàn Mặc Tử đã được cụ Phan Bội Châu hoạ vận với những lời ca tụng: “Từ về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm song chưa gặp được bài nào hay đến thế. Hồng Nam, nhạn Bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau, cười to một tiếng, ấy là thoả hồn thơ đó”. Với Bài thơ cửa sổ đêm khuya, Hàn Mặc Tử tỏ ra am hiểu nghệ thuật Đường thi và đã điều khiển các con chữ như một nhà ảo thuật ngôn từ.
Hàn Mặc Tử là như vậy, có lẽ đó là con người đặc biệt nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời mình ông đã tạo nên như một huyền thoại và trải qua nó với tất cả sức mạnh của trái tim, của niềm đam mê trong sáng tạo. Từ khi xuất hiện cho đến nay, trải qua bao thử thách của thời gian, thơ Hàn Mặc Tử vẫn hấp dẫn hậu thế với những tầm đón đợi và tiếp nhận đa chiều kích. Di sản thi ca của ông đã nhập vào kho tàng văn chương nước nhà, và mỗi khi lật giở lại những dòng thơ của thi nhân, người đọc vẫn tìm thấy một niềm đồng cảm thiêng liêng và vẫn không kìm nén được những xót xa kinh ngạc cùng những rung động lạ thường…
---------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Những câu văn, thơ trích từ đây trở đi lấy từ Hàn Mặc Tử - tác phẩm, phê bình và tưởng niệm. Tái bản. Nxb. Giáo dục, H, 1998.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét