Hơn
40 trước, một sự kiện quan trọng, gây ảnh hưởng lớn tới cục diện địa chính trị
trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, trong suốt một thời kỳ kéo dài tới tận
ngày nay, đó là việc Mỹ bắt tay với Trung Quốc qua chuyến thăm của Nixon vào
tháng 2/1972.
Dưới
đây là bài phỏng vấn của Mạng Truyền thông Công cộng (PBS) dành cho cựu Ngoại
trưởng Mỹ Henry Kissinger, về những nấc thang dẫn tới chuyến đi lịch sử này của
Nixon.
- PBS: Lần đầu tiên ông được nghe Tổng thống cho biết ý tưởng về
mở cửa quan hệ với Trung Quốc trong hoàn cảnh nào?
- Henry Kissinger: Tôi
được đọc về nó trong một văn bản ông ta viết gửi Bộ Ngoại giao, và Nixon nói về
mở cửa theo nghĩa chung trong vòng ít tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, bởi vì ông
ta nghĩ rằng giải pháp này có thể tạo sức ép lên Liên Xô và tác động theo hướng
có lợi cho Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng ý tưởng này không được xây dựng
một cách thật cụ thể, chỉ là ông ta muốn làm như vậy mà thôi. Và chúng tôi
không hề biết sẽ làm bằng cách nào và đâu là cơ hội thích hợp để tiến hành.
- Có phải ông và Tổng thống quyết định giữ kín về chủ
trương này trong phạm vi Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia?
- Đầu
tiên chúng tôi muốn giữ kín tất cả chuyện này trong phạm vi Nhà Trắng.
Một
là vì bối cảnh lúc ấy đang là đỉnh cao của phong trào phản đối như mọi thông
tin chạy qua các quan chức đều bị rò rỉ.
Hai
là vì nhiều quan chức cho rằng Tổng thống không được ủng hộ. Ông là vị Tổng thống
không chạy theo định hướng quan điểm của tờ New York Times. Hồi đó làm vậy chẳng
khác gì chống lại tạo hóa.
Ba
là nhiều quan chức và nhiều nhà ngoại giao cho rằng mở cửa với Trung Quốc là vô
cùng nguy hiểm. Chẳng hạn như sau này khi chúng ta đưa ra một vài động thái,
như cho phép mua hàng Trung Quốc ở Hong Kong với giá trị dưới vài trăm USD, đã
có tới bốn đại sứ cao cấp gọi điện thoại cho Tổng thống và cảnh báo rằng ông ta
đang gây ra rủi ro không thể chấp nhận được vì có thể gây hiềm khích với Liên
Xô.
Vì
những lý do này nên chúng tôi đã cố gắng giữ tương đối kín chủ trương mở cửa với
Trung Quốc trong phạm vi Nhà trắng. Ấy là trong giai đoạn đầu.
- Ông có thể
mô tả Dubrinin(1) đã nói gì về những
thương vong khốc liệt xảy ra với những người lính Liên Xô tại biên giới với Trung
Quốc? Và ý định của ông ta là gì?
-
Ban đầu chúng tôi phỏng đoán theo cách nghĩ truyền thống, rằng Trung Quốc rất cực
đoan và vô cùng dữ dằn. Nhưng rồi một ngày Dubrinin tới và kể tóm tắt cho tôi về
một cuộc đụng độ ở sông Yusuri, và nói về khả năng phối hợp giữa Mỹ và Liên Xô
đưa tình huống này vào vòng kiểm soát, hoặc đưa mối nguy hiểm vào vòng kiểm
soát. Sự kiện này thật không giống với tính cách thông thường của người Liên Xô
chút nào, vì hiếm khi nào họ thông báo vắn tắt cho chúng ta biết về một mâu thuẫn
giữa họ với một bên thứ ba, cũng hiếm khi ông ta [trong tư cách một đại sứ] có những hành xử vượt xa ra ngoài phạm vi
chức trách của mình như vậy. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã cố tình phản hồi
một cách mập mờ để khiến ông ta phải lo lắng. Đến khi ấy, tôi vẫn cho rằng nhiều
khả năng Trung Quốc là bên khởi động xung đột trước. Sau này ông ta tiếp tục
quay lại hai hoặc ba lần để thông báo về những cuộc đụng độ khác. Chúng tôi đã
đánh dấu lại những vị trí xung đột trên bản đồ.
Ít
tháng sau khi đến San Clemente, tôi đề nghị một người từ Tập đoàn Rand(2) –
có lẽ tên ông ta là Alan Whiting(3), đến trình bày cho tôi nghe tổng quan về
Trung Quốc. Ông này cho rằng Liên Xô là bên gây hấn chứ không phải Trung Quốc.
Sau đó chúng tôi cùng nhìn vào những điểm được đánh dấu trên bản đồ, và nhận ra
rằng tất cả các vị trí xung đột đều nằm gần đường xe lửa của Liên Xô, và cách
xa đường xe lửa của Trung Quốc. Vậy là chúng tôi kết luận rằng có lẽ Liên Xô là
bên gây hấn trước. Một khi suy nghĩ này đã hình thành trong đầu, chúng tôi kết
luận rằng trong một cuộc va chạm giữa hai người khổng lồ của phía cộng sản,
nguyên tắc để đảm bảo cân bằng – người Mỹ ít khi để ý điều này – đòi hỏi chúng
ta phải giúp kẻ yếu chống lại kẻ mạnh hơn. Ở Anh lối suy nghĩ này không có gì
là lạ, nhưng ở Mỹ người ta thường không xây dựng chính sách ngoại giao theo tư
duy như vậy. Kể từ đó, chúng tôi bắt đầu tích cực khởi động và có những biện
pháp để tìm cách liên hệ với Trung Quốc.
- Ông hãy mô tả về lần liên hệ đầu tiên của đại sứ Stoessel(4) với các nhà ngoại
giao Trung Quốc.
-
Tôi hối thúc Stoessel tìm cách liên hệ. Nhưng ông ta không chịu làm, vì điều
này không chính thống, và cũng nhạy cảm nếu [sau này] chạm mặt với nhóm vận động
hành lang thân Đài Loan hoặc thân Trung Quốc ở Quốc hội, nên ông ta không muốn
phải lãnh trách nhiệm dựa trên lời nói đơn phương từ một cố vấn an ninh [tức
Kissinger]. Và ông ta cứ nghĩ rằng đây chỉ là ý tưởng của riêng tôi. Vậy nên
tôi phải gọi ông ta về nước và dẫn ông ta tới gặp Tổng thống, rồi Tổng thống chỉ
đạo ông ta làm đúng như điều tôi đã yêu cầu từ trước, đó là túm lấy một nhà ngoại
giao cao cấp bất kỳ của Trung Quốc mà ông ta gặp được trong một dịp thông thường
nào đó, và bảo với người đó rằng chúng ta muốn nói chuyện. Cuối cùng thì ông ta
cũng tìm được một nhà ngoại giao Trung Quốc trong một cuộc trình diễn thời
trang, và cái ông Trung Quốc này đã quá đỗi choáng khi thấy một người Mỹ tìm
cách đến gần, nên đã tìm cách lảng đi chỗ khác. Thế nên Basil Stoessel, một
trong những nhà ngoại giao tài ba nhất của chúng ta, bất đắc dĩ phải đuổi theo
ông ta, dồn vào một góc để trao thông điệp, và cái vị Trung Quốc này chỉ nín
thinh ghi nhận, rồi lại tiếp tục chạy đi. Sau đó vài tuần, trước sự kinh ngạc của
Vacsava, và ngay cả đại sứ quán của ta cũng kinh ngạc khi người Trung Quốc gọi
điện tới, nói rằng họ đang sắp đến và muốn được tiếp đón. Họ đến bằng cửa trước,
với quốc kỳ cắm trên xe hơi, tức là theo cách công khai tối đa, và bắt đầu câu
chuyện.
- Việc Mỹ tấn công Campuchia ảnh hưởng tới việc đàm phán với
Trung Quốc như thế nào?
-
[Sau cuộc gặp tại đại sứ quán ở Vacsava], thực tế là Trung Quốc đã báo với
chúng tôi rằng họ muốn chúng ta gửi một phái viên tới Bắc Kinh. Khi đó Bộ Ngoại
giao Mỹ cung cấp hai cuốn báo cáo lớn, một là về nội dung, hai là về quy trình.
Cuốn về nội dung liệt kê ra tất cả mọi vấn đề cần quan tâm. Thực ra Nhà trắng
khi ấy không hào hứng gì trong việc bàn về các vấn đề tuyên ngôn, tài sản, kiểm
soát vũ khí, hay những câu hỏi về nghi thức ngoại giao, vì để duyệt hết tất cả
những thứ ấy sẽ mất rất nhiều thời gian. Và theo quy trình thì Bộ Ngoại giao
còn muốn thông báo vắn tắt tới 17 quốc gia, cùng với bao nhiêu vị Hạ nghị sĩ và
Thượng nghị sĩ mà tôi chẳng nhớ nổi số lượng. Tổng thống Nixon [vì sốt ruột] đã
nói rằng chúng ta sẽ giết chết đứa bé này trước khi nó ra đời, hoặc trước khi
nó kịp lớn lên. May thay công việc này trùng hợp vào thời điểm xảy ra vụ tấn
công Campuchia, và thế là Trung Quốc cắt liên lạc với chúng tôi.
- Ông đã nhờ Pakistan chắp lại mối liên hệ với Trung Quốc
ra sao?
-
Nói rằng chúng tôi gửi gắm qua Pakistan là quá lời. Chúng tôi nhờ một số nước.
Trong thực tế chúng tôi đã nhờ một số nước XHCN như Rumani. Nhưng Trung Quốc
không tin tưởng những nước này. Và chúng tôi cũng nhờ cả Pakistan. Không phải
là tôi mà chính là Tổng thống Nixon, trong một chuyến đi tới Pakistan vào mùa
hè 1969, đã nhờ thu xếp qua Yahya Khan(5),
nhưng sau đó không có gì xảy ra trong vòng một năm.
- Ông được biết về lời mời của Trung Quốc gửi Nixon như thế
nào?
-
Hilali(6) tới với một mẩu giấy viết tay mà ông ta
không cho phép chúng tôi được cầm lại. Sự việc khi ấy có vẻ rất huyền bí. Và sự
liên hệ đầu tiên đó cho thấy khá rõ là họ muốn đối thoại, ở cấp lãnh đạo rất
cao, và họ cũng đã chuẩn bị mời Nixon tới Trung Quốc.
Chúng
tôi đáp lại rằng chúng tôi sẽ không chỉ đến để nói riêng về chủ đề Đài Loan, rằng
chúng tôi muốn mỗi bên có thể nói về tất cả những vấn đề có thể ảnh hưởng tới tổng
thể quan hệ Trung – Mỹ.
- Vì sao ông được chọn đến Trung Quốc để thu xếp cho chuyến
thăm của Nixon? Một số người cho rằng dường như Nixon dùng ông như một công cụ
trò chơi.
- Phải
rồi. Trò chơi, đây chỉ là một trò chơi cấp thấp theo tiêu chuẩn của Nixon. Và
thực ra, thẳng thắn mà nói, ông ta có khả năng chơi khá hay. Tôi không nghĩ ban
đầu ông ta định cử tôi đi. Chúng tôi đã cùng điểm qua một số cái tên, và mỗi lần
ông ta cân nhắc ai thì lại thấy rằng hiển nhiên cái người được cử đi này sẽ trở
thành một tên tuổi quan trọng, và được hưởng một phần công trạng trong việc mở
cửa với Trung Quốc, mà Nixon thì tuyệt đối không muốn chia sẻ công lao này với
ai. Vậy nên ông ta nghĩ rằng việc gửi đi cố vấn của mình, người không được phép
xuất hiện trên TV và không được tự do trao đổi với báo chí, sẽ là cách an toàn
nhất để không cạnh tranh với ông ta trong vấn đề này. Đây cũng là cách dễ nhất
để ông ta kiếm soát tình hình. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao ông ta chọn tôi.
- Ông có thể nói về cách ông nhận được xác nhận đồng thuận
cuối cùng từ phía Trung Quốc.
-
Sau một thời gian chờ đợi, không biết khi nào thì thông điệp sẽ được gửi đến,
cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận được nó, và nếu không nhầm thì tôi đã đến
thông báo [cho Tổng thống] khi ông đang ở phòng chờ [mang tên] Lincoln. Tôi nói
với ông ta rằng tôi nghĩ đây là một cuộc cách mạng về ngoại giao, hình như cụm
từ chính xác mà tôi dùng là tin nhắn quan trọng nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Ông
ấy mở một chai Courvoisier và chúng tôi cùng uống mừng một ly. Nhưng chúng tôi
cũng nhận ra rằng việc này có thể phá vỡ tình hình cuộc chiến ở Việt Nam và chắc
chắn sẽ thay đổi bản chất mối quan hệ với Liên Xô.
- Ông có thể mô tả chuyến đi của ông tới Pakistan?
-
Tôi đã lên kế hoạch đi công du qua châu Á, và tôi cố tình khiến chúng buồn tẻ hết
cỡ để tránh sự soi mói của báo giới, đến khi chúng tôi tới Islamabad thì người
ta đã bảo nhau rằng chuyến công du này thực sự thất bại, và chỉ còn sót lại
đúng một nhà báo đưa tin về sự kiện. Tổng thống Yahya Khan mời chúng tôi dự bữa
tối, trong bữa ăn tôi viện cớ bị ốm và Yahya vin vào đó mời tôi về nhà nghỉ dưỡng
của ông trên núi. Vậy là chúng tôi tuyên bố với báo giới rằng tôi sẽ ở lại vài
ngày trên núi. Chúng tôi thậm chí còn gửi đi một đoàn xe hộ tống để mọi người đều
trông thấy và tin rằng đó là chuyện thật. Nhưng thực ra ngày hôm sau tôi dậy từ
rất sớm, ngay trước 5 giờ sáng, lên một máy bay của Pakistan và bay tới Bắc
Kinh. Đó không phải là một máy bay thương mại. Khi lên máy bay, tôi có mật vụ
đi cùng giống như mọi thời điểm khác trong những ngày đó. Chúng tôi bắt gặp bốn
người Trung Quốc mặc áo đại cán đang ngồi đó, do Chu Ân Lai gửi đến tháp tùng
tôi về Trung Quốc. Nhưng khi ấy chúng tôi không hề biết trước. Đám mật vụ của
tôi gần như lên cơn đau tim khi thấy những người này.
- Ông có thể kể lại giai thoại về chiếc áo sơ mi?
- Một
trong những vấn đề với những chuyến công du cao cấp như thế này hóa ra lại là
những điều nhỏ nhặt, như bạn dùng đoàn xe hộ tống nào, và bạn làm gì với những
chiếc áo sơ mi. Bạn có đủ áo sơ mi cho chuyến đi hay không, và liệu bạn có dám
để người ta giặt dọc đường tại các địa phương mà không e ngại nó có thể co lại
tới mức không thể mặc được. Số là tôi đã chuẩn bị 3 chiếc áo sơ mi, mỗi cái vào
một túi riêng, bảo quản rất cẩn thận. Nhưng rồi trợ lý của tôi để quên chúng ở
Pakistan, và thế là tôi không còn áo mặc. Một người trong đoàn của tôi cao tới
6 ft 3 (tương đương 1,9 m) cho tôi áo của anh ta, và cái áo này khiến tôi trông
như không có cổ. Chưa kể nó lại được sản xuất ở Đài Loan, với nhãn hiệu sản xuất
tại Đài Loan. Tôi vẫn thường nói đùa với người Trung Quốc rằng Đài Loan rất gần
với tôi, thực tế thì đúng là vậy.
- Ấn tượng của ông về Chu Ân Lai như thế nào?
-
Chu Ân Lai là một người tinh tế, thông minh, chuyên nghiệp, gây sức hút, và dường
như ông ta có vô tận thời gian cho những cuộc chuyện trò. Tôi thường bảo ông ta
rằng tôi sẽ không thể dành nhiều thời gian đến thế cho những cuộc gặp sau.
Nhưng ông ta vẫn cứ như vậy trong mọi lần gặp tiếp theo, ông ta không thích làm
việc buổi sáng, nhưng chúng tôi thường bắt đầu từ ba giờ, và trò chuyện liên tục
tới hai, ba giờ sáng hôm sau mà ông ta vẫn không hề bị ai đến làm phiền. Chẳng
ai mang tới cho ông một mẩu giấy, và rõ ràng là không có ai gọi điện thoại đến.
Ông ta hành xử như thể tuyệt đối chẳng hề có nhiệm vụ nào khác trên thế giới
ngoại trừ làm việc với vị khách người Mỹ của mình. Rất rắn. Một người đàm phán
rất giỏi. Một trong những người có năng lực nhất mà tôi từng gặp và là một
trong những người dễ chịu nhất mà chúng ta có thể gặp hằng ngày.
|
- Việc đàm phán về việc mời Nixon đến thăm có gặp khó khăn
gì không?
-
Chuyến đi của tôi chỉ có đúng khoảng thời gian cuối tuần để bàn việc. Họ có
chuyến thăm cấp Nhà nước của Kim Nhật Thành và không biết phải hủy thế nào. Nên
Chu Ân Lai phải chia sẻ thời gian giữa chúng tôi và Kim Nhật Thành. Chúng tôi bắt
đầu trao đổi về các thông điệp với công chúng, và người Trung Quốc đã dạy cho
tôi một bài học mới. Tôi vốn quen làm việc với người Soviet và thường có thói
quen đặt ra những yêu cầu mang tính tối đa, và bắt đầu đàm phán ngược lại từ
đó. Nhưng người Trung Quốc bảo rằng tạm thời chưa thỏa thuận gì vội, chưa đặt
ra điều khoản gì, mà chỉ cần cho chúng tôi biết các anh cần gì, rồi chúng tôi sẽ
cho anh biết điều mà chúng tôi cần, và chúng ta cùng nhau thảo ra. Nhưng đang
thảo luận giữa chừng thì Chu Ân Lai phải đi dự một bữa tối. Ông ta không thể
cho chúng tôi biết lý do là gì. Vậy là chúng tôi chỉ mới kịp thảo luận sơ bộ
trước khi ông ấy biến mất mà không rõ lý do. Chúng tôi chỉ còn biết ở lại trong
nhà khách Chính phủ mà không hề có ai khác và không thể biết điều gì sẽ diễn ra
tiếp theo. Sau đó Hoàng Hoa – sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một
người thân tín với Chu – xuất hiện. Chúng tôi cùng thảo luận nhưng vẫn chưa rõ
thực hư.
Sáng
hôm sau, chúng tôi lại gặp Hoàng Hoa một lần nữa, ông ta đưa ra một văn bản,
chúng tôi cũng có sẵn một văn bản. May cho tôi là tôi để ông ta đưa văn bản của
họ ra trước, với nội dung tốt hơn nội dung của chúng tôi. Chúng tôi hầu như nhất
trí và hình như chỉ đề nghị thay đổi đúng một chữ. Lúc đó Chu Ân Lai mới xuất
hiện một lần nữa, và chúng tôi kết luận cuộc gặp, vì tôi phải trở về có mặt ở
Paris trước nửa đêm theo giờ Paris, vì một lý do mà tôi không còn nhớ.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
----------------------------------
Chú
thích:
1 Yuri Dubrinin: Đại sứ Nga tại Mỹ
2 Tập đoàn Rand là một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu
chính sách toàn cầu, được Công ty Máy bay Douglas thành lập nhằm thực hiện những
nghiên cứu và phân tích phục vụ quân đội Mỹ. Ngày nay tổ chức này có 1700 nhân
viên, được Chính phủ Mỹ cấp kinh phí, đồng thời được tài trợ bởi các nguồn kinh
phí công và tư khác.
3 Allen Suess Whiting, giáo sư Khoa học chính trị Đại
học Michigan trong giai đoạn 1968-1982
4 Walter John Stoessel, Jr., đại sứ Mỹ tại Ba Lan
trong giai đoạn 1968 – 1972
5 Tổng thống Pakistan trong giai đoạn 1969 –
1971
6 Agha Hilaly, đại sứ của Pakistan tại Mỹ
--------------------------------------------------------------------
Nixon
đã để mắt tới Trung Quốc từ khá lâu. Năm 1967, viết trên tờ Các vấn đề đối ngoại
(Foreign Affairs), ông đã khuyến cáo: “… chúng ta đơn giản là không thể bỏ qua
Trung Quốc mãi mãi trong đại gia đình các quốc gia, làm vậy sẽ khiến họ tiếp tục
nuôi dưỡng ảo mộng, ấp ủ thù hận, và đe dọa các láng giềng”.
Năm 1969, quan hệ Trung Mỹ đang ở mức không công nhận lẫn nhau, với những thông
điệp dành cho nhau mang tính thù địch. Sau khi tiếp quản ghế Tổng thống, Nixon
bắt đầu ra dấu hiệu cho một thái độ tan băng đối với Trung Quốc. Ông ta để cho
Ngoại trưởng Willam Rogers tuyên bố rằng Mỹ muốn tăng cường giao lưu văn hóa và
khoa học với Trung Quốc, giảm bớt những hạn chế về thương mại và visa, đồng thời
bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam cũng như các căn cứ quân sự gần Trung Quốc. Để
tránh trường hợp những thông điệp này không đến được công chúng Trung Quốc, ông
ta thậm chí còn nói rõ ý mình hơn nữa. “Nếu có điều gì tôi muốn làm trước khi
chết”, ông nói với tạp chí Time hồi tháng 10 năm 1970, “thì đó là đến Trung Quốc”.
------------------------------------------------
Trong
giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, đa số người Mỹ nhìn nhận Trung Quốc và Liên
Xô là hai quốc gia riêng biệt nhưng ở cùng phía một chiến tuyến. Phải tới khi xảy
ra cuộc chiến giữa hai bên Washington mới nhận ra hai cường quốc này mâu thuẫn
nhau tới mức nào. Những căng thẳng giữa Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc chớm
nở từ thập niên 1930, khi Nga ủng hộ Tưởng Giới Thạch hơn Mao Trạch Đông. Nhưng
trong những ngày đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nga và Trung Quốc dường
như sát cánh bên nhau. Năm 1950 Mao Trạch Đông ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên kết,
Tương trợ với Liên Xô, với cam kết bảo vệ Trung Quốc trong trường hợp bị Mỹ tấn
công. Nhưng gần như ngay lập tức mối liên minh Trung - Xô bắt đầu có dấu hiệu
trục trặc.
Từ
giữa thập niên 1950, khác biệt về tư tưởng đường lối giữa Moskva và Bắc Kinh bắt
đầu lộ ra, có sự xa cách trong các vấn đề về tiến độ, hình thái tiến lên CNXH,
và đối sách với phương Tây. Trong khi Trung Quốc chủ trương tiếp tục chống lại
các nước “đế quốc” thì Liên Xô đã bắt đầu cân nhắc về “chung sống trong hòa
bình” với Mỹ. Không lâu sau đó những khác biệt về tư tưởng này chuyển hóa thành
khác biệt ở tầm quốc gia, khi cả Trung Quốc và Liên Xô cùng cố gắng tăng ảnh hưởng
của mình tới các nước XHCN khác.
Tới
đầu thập kỷ 1960, Moskva và Bắc Kinh bắt đầu công kích lẫn nhau công khai.
Tháng 4 năm 1960, Bắc Kinh công khai phê phán “chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô,
và Moskva phản ứng lại bằng việc rút hàng nghìn cố vấn khỏi Trung Quốc, hủy bỏ
các chương trình tài trợ kinh tế và quân sự. Năm 1962, Liên Xô ủng hộ Ấn Độ
trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tồn tại từ lâu với Trung Quốc. Quan hệ Trung Xô
ngày càng tiêu cực trong suốt thập kỷ 1960. Tới khi Liên Xô đưa quân vào Tiệp
Khắc năm 1968 và Moskva tuyên bố quyền can thiệp vào các nước XHCN khác để tự
“bảo vệ” trước những ảnh hưởng chống Cộng sản, Bắc Kinh bắt đầu lo sợ rằng
Trung Quốc sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Căng
thẳng cuối cùng trở thành đối đầu vào tháng 3, 1969, dọc sông Ussuri, nơi có
ranh giới rất mơ hồ giữa Liên Xô và Đông Bắc Trung Quốc. Đã có những vụ nổ súng
vào nhau trong các ngày 2 và 15 tháng 3, gây ra nhiều thương vong. Xung đột vũ
trang tiếp diễn vào mùa xuân và mùa hè, trong khi cả hai bên cùng tập trung
đông quân vào khu vực điểm nóng. Trong vòng vài tháng, cả thế giới chứng kiến
Trung Quốc và Liên Xô kéo nhau tới gần viễn cảnh một cuộc xung đột hạt nhân.
Liên Xô liên tục ngụ ý về khả năng một cuộc tấn công mang tính phòng vệ vào các
cơ sở hạt nhân của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc xây dựng một mạng lưới đường
ngầm và hầm để phòng khi bị tấn công hạt nhân.
May
mắn là cuộc khủng hoảng biên giới đã được giải quyết bằng ngoại giao vào tháng
9 /1969, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin bay tới Bắc Kinh đàm phán cấp
cao về biên giới với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tuy nhiên, mối đe dọa tiềm tàng từ
Liên Xô đã thúc đẩy Chu và Mao phải bắt đầu suy nghĩ lại về chiến lược địa chính
trị cho Trung Quốc. Họ biết rằng nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc sẽ không thể
đương đầu với lực lượng Soviet. Trong khi đó, Mỹ đang hiện diện ở Việt Nam, và
chính quyền mới của Nixon chưa thể hiện một đường lối chính sách rõ ràng đối với
Trung Quốc.
Đối
diện với nguy cơ từ hai phía, Bắc Kinh bắt đầu thấy rằng cải thiện quan hệ với
Mỹ là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc. Tốt hơn là “liên minh với
kẻ thù ở xa”, như Mao nói, “nhằm chống lại kẻ thù ngay ngoài cửa ngõ”. Cũng vào
lúc đó, Washington bắt đầu nhận thấy rõ sự chia rẽ trong quan hệ Trung - Xô.
Nixon và Kissinger nhận ra họ có thể dùng sự đối trọng giữa Moskva và Bắc Kinh
để cải thiện được quan hệ với cả hai. Trong tất cả mọi nguyên nhân, sự chia rẽ
trong quan hệ Trung - Xô là yếu tố là lực đẩy mạnh nhất giúp Mỹ và Trung Quốc lập lại quan hệ hữu nghị vào tháng 2/ 1972.
Và
món quà hữu nghị của Mỹ tặng Trung quốc chính là Hoàng Sa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét