Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, thu lại 65 thành và xưng vương, lập ra triều đại họ Trưng. Đến năm 43, triều đại Hai Bà bị Mã Viện tiêu diệt. Về sự kiện to lớn ấy, bộ chính sử Việt Nam - Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi sơ sài có mấy dòng:
"Nhâm Dần, năm thứ ba (42 dương lịch), (Hán Kiến Vũ Đế năm thứ 18). Mùa xuân Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê. Quân chúng cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất".
Bằng cảm quan tiếp cận với Văn học cổ Việt Nam, tôi có cảm nghĩ cách ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư có phần khinh bạc. Có thật lực lượng của Hai Bà chỉ là toán quân ô hợp bạc nhược, mới nghe danh Mã tướng đã sợ hãi mà tự tan rã? Khai thác kỹ những tư liệu ít ỏi có lẽ cũng có thể tìm ra câu trả lời bước đầu.
Trước hết, Đại Việt sử ký toàn thư tuy ghi tóm tắt nhưng cũng có một chi tiết cho phép nghĩ rằng nhà Hán không hề xem thường cuộc chiến này: "Mùa xuân Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc đánh nhau với vua".
Theo An Nam chí lược, Tô Đông Pha gọi đây là cuộc "khởi binh rung động hơn sáu mươi thành"; Còn Ngô Thì Sĩ thì nói "chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp dọc ngang trời đất". Hán Quang Vũ phải "hạ chiếu cho các quận chuẩn bị thuyền bè, sửa cầu đường, mở rộng khe hói, tích trữ lương thực rồi cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phó Lạc hầu Lưu Long làm Phó, Đoàn Chí giữ chức lâu thuyền tướng quân, do thủy lục hai đường cùng tiến". Tiếp đó, Mã Viện theo đường ven biển tiến quân, vất vả phá núi, khơi cảng đến hơn 1.000 dặm, nhân công chết hàng vạn người. Cuối cùng, trận Lãng Bạc là cuộc giao tranh lớn rất ác liệt, Mã Viện đã bị cầm chân.
Mặc dù sau trận này quân Hai Bà không còn nhiều sức chiến đấu, đã bị thua, nhưng muốn đánh giá đúng cục diện cuộc chiến và khí phách của hai vị nữ anh hùng dân tộc có lẽ lại phải qua chính tâm trạng vị "mãnh tướng" họ Mã.
An Nam chí lược của Lê Tắc (nhiều học giả cho rằng nên đọc là Lê Thực) có ghi lại tâm trạng của Mã Viện trong ngày mừng chiến thắng như sau:
"Mã Viện khi đã dẹp yên Giao Chỉ, có giết trâu bò, lọc rượu đãi quân sĩ. Trong lúc yến tiệc, Viện thong thả nói với liêu thuộc rằng "Người em họ của ta tên là Thiếu Du thường hay thương ta khẳng khái có chí lớn và nói: Kẻ sĩ sinh ở đời, miễn sao vừa đủ ăn mặc, đi cỗ xe tầm thường, cưỡi ngựa xấu xí, làm chức lại thuộc trong quận, giữ phần mộ của tổ tiên, làng xóm cho là người hiền, như vậy thì đủ rồi. Còn như ham muốn cho dư dũ, thì chỉ là mình tự làm khổ mình đó thôi. Hồi ta ở giữa Lãng Bạc và Tây Lý, chưa diệt được giặc (Mã Viện chỉ Hai Bà Trưng), dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy chim diều bay là là xuống nước, nhớ lại lời nói thời bình của Thiếu Du, ta tiếc không làm sao được như vậy".
Mã Viện vốn được tôn vinh là một vị tướng dũng mãnh, "có chí lớn", từng nguyện kẻ làm tướng phải chết ở sa trường "da ngựa bọc thây", vậy mà trong ngày khao quân chiến thắng tâm trạng rã rời đến thế!
Trần Lôi, một nhà thơ cuối thời Trần đã "chia sẻ" nỗi chán chường ấy của tướng Mã:
"Lãng Bạc ta diên trạm
Phong Khê trúc kiển thành
Nhất thời cân quắc trận
Đồ nhĩ lập công danh"
lời dịch:
"Lãng Bạc than diều rơi
Phong Khê đắp thành Kén
So tài cùng khăn yếm
Công danh chỉ khổ thân".
Như vậy, có thể thấy quy mô cuộc chiến rất to lớn và sức chiến đấu của quân Hai Bà rất mãnh liệt. Sau cuộc chiến, dù đã "dẹp yên Giao Châu", đã dựng cột đồng để cắm mốc biên giới nhà Hán, nhưng Mã tướng tuy không "thân bại" mà "danh liệt". Nguyên là sau những ngày ở Giao Chỉ, Mã Viện trở về có mang theo 5 xe chở đầy ý dĩ, một vị thuốc trị lam chướng có hiệu quả rất được đương thời ưa chuộng.
Đồng liêu của Mã Viện đưa tin rằng tướng Mã vơ vét vàng bạc Giao Châu giấu vào 5 xe ý dĩ mang về. Dư luận ồn áo đến tai vua Hán và dường như Mã Viện không thể biện bạch. Vì thế sau này Tô Đông Pha mới viết:
"Phục Ba ẩm ý dĩ
Ngự chướng truyền thần lương
Năng trừ Ngũ Khê độc
Bất cứu sàm ngôn thương"
nghĩa là:
"Phục Ba uống hạt ý dĩ
Tương truyền đó là vị thuốc thần diệu trừ lam chướng
Uống vào có thể giải được khí độc ở Ngũ Khê
Nhưng không cứu được vết thương bị phỉ báng".
Cũng khó biết chắc sự việc năm xe châu báu kiếm được ở Giao Châu chỉ là lời đồn do sự ghen ghét của đồng liêu hay có bao nhiêu phần sự thật, nhưng đến đầu đời Nguyễn, Phan Huy Vịnh đi sứ nhà Thanh còn được thấy trong một ngôi miếu thờ Mã Viện có cỗ quan tài gỗ tốt Mã Viện lấy được từ Giao Châu định chuẩn bị cho hậu sự mà rốt cuộc không mang đi nổi!
Không biết hai sự kiện ấy có chút liên quan nào? Còn cột đồng thì không gãy nhưng đã mất tích đến nỗi sau này không ai có thể tìm lại được!
Về việc kết thúc cuộc chiến giữa Hai Bà với Mã Viện, cách ghi của các tài liệu cũng không nhất trí. An Nam chí lược ghi Hai Bà bị Mã Viện chém, còn Đại Nam quốc sử diễn ca thì viết:
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Chị em thất thế phải liều với sông.
Dù sao thì cái chết của Hai Bà là sự hy sinh tràn đầy khí phách anh hùng. Hai Bà là người mở đầu công cuộc chống ngoại xâm cứu nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc khiến cho con cháu muôn đời khâm phục và biết ơn.
Chính Lê Tắc (gia thần của Trần Ích Tắc đầu hàng và lưu vong ở đất Nguyên) dù phải viết theo quan điểm của "thiên triều" cũng không thể không bộc lộ thái độ thán phục Hai Bà, trong bài Đồ chí ca, Lê Tắc viết:
"Mê linh hai gái sánh anh hùng
Chị là Trưng Trắc, em Trưng Nhị
Phất cờ độc lập xứ Giao Châu
Oai phục trăm Man ai dám ví
Lĩnh Nam sáu mươi lẻ năm thành
Bà chị làm vương, em làm súy
Đường đường tướng Hán Mã Phục Ba
Cắn răng khổ chiến ba năm lẻ".
Vấn đề thứ hai còn chưa được tìm hiểu kỹ là quy mô về thời gian và không gian triều đại họ Trưng. Có phải lãnh thổ của vua Trưng chỉ là quận Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân và sự nghiệp của triều đại Hai Bà chỉ vẻn vẹn có 3 năm?
Có người đặt vấn đề là, nếu chỉ đến khi chồng bị Tô Định thảm sát, bà Trưng Trắc mới nổi dậy thì khó có thể tập hợp ngay được một lực lượng hùng hậu để nhanh chóng giành lại cả phần lãnh thổ ngoài Ngũ Lĩnh và lập nên một triều đại bề thế mà nhà Hán phải vất vả huy động binh hùng tướng mạnh hao người tốn của mới tiêu diệt được.
Phải chăng dân chúng của vua Hùng với lãnh thổ rộng lớn "Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn... chia làm 15 bộ" (Đại Việt sử ký toàn thư) dù bị nhà Hán chiếm cứ vẫn không chịu bị chế ngự.
Thế lực của các Lạc tướng vẫn tồn tại, cho nên khi Hai Bà vừa phất cờ nổi dậy thì "chỉ hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành đã hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay".
Đó chính là cái ý mà các nhà sử học Lê Văn Hưu, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ đều cho là "hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương". Và đó cũng là cái lý để các ông trách cứ "bọn đàn ông" "tự vứt bỏ mình", trong khoảng hơn nghìn năm "chỉ bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc", không biết xấu hổ với hai người con gái họ Trưng!
Những ý kiến rất cô đúc đó của các nhà sử học các thời Trần, Lê cũng cho phép chúng ta đoán định địa bàn của cuộc kháng chiến, cũng là lãnh thổ của triều đại họ Trưng, rất rộng lớn, đến tận phía ngoài Ngũ Lĩnh.
Điều đoán định về lãnh thổ rộng lớn của triều đại họ Trưng còn có thể được minh chứng thêm bằng nhiều đền thờ Vua Bà, Vua Trưng ở rất nhiều nơi trên đất Trung Quốc.
Nhà báo Phạm Hồng cho biết, ông đã thấy những ngôi đền thờ "Mụ Trưng", "Mụ Trắc" trên đất Quảng Tây;
BS Trần Đại Sĩ (trong chuyên luận Lĩnh địa thời vua Trưng) cũng cho biết, ông đã tìm được nhiều đền thờ Vua Bà và trong một ngôi miếu thờ ba vị tướng của Vua Bà ở Bồ Lăng còn thấy hai đôi câu đối minh chứng cho thực địa lãnh thổ và cuộc chiến của triều đại Hai Bà:
Câu thứ nhất:
"Khẳng khái phù Trưng thời bất lợi
Đoạn trường trục Định tiết can vân".
Ông Trần Đại Sĩ dịch là:
"Khẳng khái phù vua Trưng,
ngặt thời của Ngài không lâu
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây".
Câu thứ hai:
"Giang-thượng tam anh phù nữ chúa
Bồ-lăng bách tộc khốc thần trung".
Ông Trần Đại Sĩ dịch là:
"Trên sông Trường-giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa
Tại bến Bồ-lăng, trăm họ khóc các vị thần trung thành".
Ngoài ra, ở Việt Nam cũng có rất nhiều đền thờ Hai Bà cũng như các tướng nam, tướng nữ của Hai Bà, đến nay vẫn rất tôn nghiêm, khói hương không ngớt.
Có một ngôi đình tại xã Thanh Cao (Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội) thờ Cai Công, một vị tướng của Hai Bà văn võ song toàn. Sau cuộc chiến thất bại, Cai Công đã về làng mở trường dạy học, cả văn và võ, trở thành một vị thầy đức độ; Người dân thờ làm thành hoàng, đến nay vẫn cúng giỗ.
Phải chăng những điều đó đã minh chứng một điều: Tinh thần yêu nước, khí tiết quật cường và lý tưởng gìn giữ non sông của Hai Bà bất diệt trong lòng người dân Việt? Hai Bà cùng các tướng tá đã được nhân dân tôn vinh, sùng kính tự nguyện, không cần đến một sự hướng dẫn chính thống nào!
Vì những lẽ đó nghĩ rằng đã đến lúc nên có những cuộc khảo sát thực địa công phu, những công trình nghiên cứu cẩn trọng về quy mô không gian, thời gian cuộc chiến và thành tựu triều đại họ Trưng để trả lại tầm vóc xứng đáng cho Hai Bà trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
BĂNG THANH (KIẾN THỨC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét