Vương quốc Babylon tọa lạc bên cạnh dòng sông Euphrate, trong một thung lũng bằng phẳng, nhưng khô cằn và nắng hạn. Nó không hề có những rừng cây, quặng mỏ và đá để xây dựng các công trình quân sự hay dân sự, cũng không nằm trên con đường giao thương thuận lợi.
Babylon là một điển hình nổi bật của khả năng con người có thể đạt tới những mục tiêu vĩ đại, bằng cách sử dụng tất cả các phương tiện mà mình có được. Sự phát triển của cả thành phố rộng lớn này đều chỉ do bàn tay con người vun đắp. Tất cả sự giàu có của nó là nhờ ở con người.
Babylon chỉ có một điểm thuận lợi duy nhất là đất đai khá phì nhiêu do dòng sông Euphrate mang nhiều phù sa bồi đắp hàng năm. Nhưng để tận dụng được sự ưu đãi này, những người kỹ sư thời Babylon cổ đại đã phải nghiên cứu và thực hiện một công trình vĩ đại nhất thời bấy giờ. Đó là xây dựng những đập nước và vô số những kênh đào nhỏ để dẫn nước từ con sông chính vào khắp làng mạc, biến những vùng đất khô cằn thành vùng đất trồng trọt tốt. Nhờ vậy, người dân Babylon mới có thể cày cấy, trồng trọt và chăn nuôi, có được cuộc sống sung túc, giàu có trên mảnh đất quê hương mình. Đây là một trong những công trình xây dựng đầu tiên có tầm mức vĩ đại được biết đến trong lịch sử loài người.
Điều may mắn là trong suốt thời kỳ tồn tại lâu dài của mình, Babylon không sản sinh ra các vì vua tham bạo có ước vọng chinh phục toàn thế giới. Những khi Babylon lâm vào chiến tranh thì hầu hết đó là những cuộc chiến tự vệ chống lại những kẻ thù đầy tham vọng ở các xứ sở khác bị hấp dẫn bởi những kho tàng bạc vàng, châu báu của Babylon mà đem quân xâm chiếm.
Năm ngàn năm sau, mặc dù Babylon không còn, nhưng nó đã trở thành huyền thoại thu hút sự tìm hiểu của mọi người. Ngày nay, những dấu tích thành cổ Babylon còn sót lại nằm ở châu Á, cách khoảng sáu trăm dặm về phía Đông của kênh đào Suez, thuộc hướng Bắc của vịnh Ba Tư. Nó nằm ở khoảng kinh độ 30, phía trên đường xích đạo, có khí hậu nóng và khô. Những thành quách đền đài đã biến mất, chỉ còn lại những phế tích đổ nát và vắng lặng.
Ngày xưa, thung lũng bên dòng sông Euphrate là một vùng đất nông nghiệp có hệ thống tưới tiêu hết sức quy mô, dân cư đông đúc, nay đã trở thành vùng sa mạc khô cằn, lác đác với những bụi cây cằn cỗi, những đám cỏ dại đang đối đầu với gió cát để tồn tại. Những nghĩa địa của loài voi cổ đại cùng với những đoàn lữ hành dài dằng dặc của các thương gia thành Babylon cũng chỉ còn là huyền thoại. Ngày nay, trên vùng đất này, thỉnh thoảng chúng ta gặp những nhóm dân du mục Ả Rập cố gắng duy trì cuộc sống khổ cực của mình một cách khó khăn nhờ vào việc chăn nuôi những bầy gia súc nhỏ.
Tuy nhiên, đã nhiều thế kỷ trôi qua, những người dân du mục, những nhà lữ hành đi ngang qua vùng đất này vẫn không thấy điều gì khác lạ và cũng không biết rằng, bên dưới vùng đất này đang che giấu những dấu tích của một thời đại huy hoàng. Cho đến khi những nhà địa chất thu thập được nhiều mảnh gốm và gạch vỡ do những cơn mưa xói mòn đất đá phơi bày ra. Sau đó, những đoàn thám hiểm châu âu, châu Mỹ bắt đầu ồ ạt tiến đến khai quật và tìm kiếm. Và họ đã vui mừng phát hiện ra những dấu tích còn sót lại của thành cổ Babylon.
Babylon là một trong những vương quốc cổ đại được xây dựng bằng đất và gạch nung, trải qua thời gian hàng nghìn năm, những bức tường thành dãi dầu nắng gió đã bị tan rã và quay trở về với đất cát. Nếu không nhờ sự phát hiện và khai quật cẩn thận của những nhà khảo cổ, có thể chúng ta sẽ không bao giờ được biết đến những công trình vĩ đại, những đền đài cung điện nguy nga tráng lệ xưa kia của Babylon đã bị vùi sâu hàng bao nhiêu thế kỷ.
Nhiều nhà khoa học đã xem nền văn minh của Babylon và những đô thị khác trong thung lũng sông Euphrate là những thành thị cổ xưa nhất. Dựa vào các cổ vật đã khai quật được, trong đó có những mảnh đất sét nung miêu tả hiện tượng nhật thực mà người Babylon cổ đại đã chứng kiến, các nhà thiên văn học hiện đại xác định được thời điểm xảy ra và khẳng định nền văn minh Babylon cách thời đại chúng ta khoảng 8.000 năm về trước.
Cũng nhờ vào các cổ vật, chúng ta có thể biết được rằng cách đây 8.000 năm, những người Sumerite đã từng sống tại Babylon. Họ cư ngụ trong một lãnh thổ có các tường thành bao bọc. Những nhà khoa học chỉ có thể phỏng đoán Babylon phải trải qua một thời gian rất dài trước khi đạt được các thành tựu nổi bật như thế. Vào thời kỳ này, họ đã biết xây dựng những bức tường thành vững chắc để bảo vệ đất nước, cùng một hệ thống thủy lợi quy mô để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cày cấy, trồng trọt. Ngoài ra, cư dân Babylon cũng đã có hệ thống giáo dục với những con người có tinh thần sáng tạo, ham học hỏi. Những chứng tích còn lại cho thấy Babylon là nơi sản sinh những kỹ sư đầu tiên, những nhà thiên văn học đầu tiên, những nhà toán học đầu tiên, những nhà tài chính đầu tiên, và là dân tộc đầu tiên có chữ viết.
Các nhà khoa học rất chú ý đến hệ thống kênh đào của người Babylon cổ đại. Nó đã làm biến đổi vùng thung lũng khô cằn thành một vùng đất trồng trọt, chăn nuôi phì nhiêu. Theo những dấu tích để lại, các nhà khoa học cho biết, các con kênh, các đường mương rất lớn, hơn mười con ngựa có thể chạy hàng ngang dưới lòng kênh. Về mặt kích thước, chúng có thể được so sánh với những con kênh lớn nhất tại Colorado và Utah hiện nay.
Ngoài việc xây dựng công trình thủy lợi nhằm dẫn nước vào những vùng đất nằm bên trong thung lũng, những kỹ sư của Babylon cũng hoàn thành một công trình khác có quy mô lớn không kém. Đó là hệ thống tiêu úng nước khá phức tạp và hiệu quả. Với hệ thống này, họ đã làm khô cạn vùng đầm lầy rộng lớn nằm gần các con sông Euphrate và Tigris để biến chúng thành những vùng trồng trọt màu mỡ.
Herodotus, nhà du hành và nhà sử học của Hy Lạp, đã từng viếng thăm Babylon. Những ghi nhận của ông để lại đã giúp ích cho chúng ta rất lớn trong việc tìm hiểu những phong tục kỳ lạ, những đặc điểm đất đai phì nhiêu và mùa màng bội thu của các cư dân ở đó.
Những vinh quang của Babylon giờ đây không còn nữa, nhưng những kiến thức của họ vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Những kiến thức đó được lưu giữ trong hàng trăm ngàn thẻ đất sét nung mà các nhà khảo cổ tìm thấy – được chôn vùi một cách an toàn trong đất cát. Vào thời kỳ đó, giấy viết chưa có, cư dân Babylon đã cẩn thận ghi khắc tri thức của họ trên những tấm thẻ đất sét còn ướt. Sau đó, họ đem nung chín và cất giữ. Những tấm thẻ đất sét này có kích thước khoảng 15cm x 20cm, dày 2cm – 3cm. Nội dung khắc trên đó rất đa dạng, bao gồm các truyện truyền kỳ, thi ca, lịch sử, những chỉ dụ của triều đình, luật lệ của đất nước, các chứng khoán ruộng đất, các giấy hứa trả nợ, những lá thư viết để gửi tới cho những vương quốc lân cận…
Ngoài các công trình thủy lợi, Babylon có một thành tựu nổi bật thường được mọi người nhắc đến. Đó là công trình xây dựng bức tường thành rộng lớn bao bọc vương quốc. Quy mô xây dựng của nó có thể sánh ngang với các kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập. Đối với công trình này, nữ hoàng Semiramis được xem là người có công đầu tiên. Các nhà khảo cổ hiện đại vẫn chưa tìm được dấu tích của những bức tường thành nguyên thủy, nhưng theo số liệu từ các cổ vật khai quật được cho biết, chúng cao khoảng 15 đến 18 mét, mặt ngoài ốp bằng gạch nung, lại được bảo vệ bên ngoài bởi một đường hào sâu.
Sau này, khoảng sáu trăm năm trước Công nguyên, vua Nabopolassar đã cho xây lại thành Babylon với quy mô rất lớn. Tuy nhiên, vua Nabopolassar đã mất trước khi nhìn thấy công trình hoàn tất. Vua Nebuchadnezzar lên ngôi và đã tiếp tục thực hiện công trình còn dang dở của cha mình.
Khi hoàn tất, chiều cao và chiều dài của tường thành khiến nhiều người không thể tin được. Theo số liệu được ghi lại, chúng cao khoảng 48 mét, tương đương với chiều cao của một tòa nhà gồm 15 tầng ngày nay. Tổng chiều dài của nó ước tính khoảng 14.400 đến 17.600 mét. Bề mặt thành rất rộng, có thể đủ cho sáu con ngựa chạy hàng ngang trên đó. Sau này, khi chiếm được vương quốc Babylon, người Ả Rập đã tàn phá nó bằng cách gỡ lấy gạch ngói để xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa và các công trình khác. Bức tường thành đồ sộ này ngày nay chỉ còn dấu vết của phần móng và hào nước.
Vương quốc Babylon được tổ chức theo một hệ thống khá tân tiến và chặt chẽ. Trong thành có những con đường, phố xá và nhiều cửa hàng lớn cố định. Những người bán lẻ thì mang hàng hóa đi khắp nơi rao bán. Tôn giáo được tôn vinh bằng những đền đài nguy nga tráng lệ. Nằm giữa vương quốc là một hoàng thành bao gồm các lâu đài của hoàng gia. Bức tường thành bao bọc hoàng thành thường cao hơn bức tường thành của vương quốc.
Về nghệ thuật, cư dân Babylon đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong kiến trúc, hội họa, dệt, thêu, chế tác vàng bạc, chế tác những đồ binh khí bằng kim loại và những công cụ dùng cho nông nghiệp. Những người thợ kim hoàn đã chế tạo được những đồ trang sức rất đẹp và tinh xảo. Hiện nay, những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới đang trưng bày nhiều cổ vật được khai quật lên từ hầm mộ của những công dân giàu có thời kỳ Babylon.
Cách đây khoảng 8.000 năm, trong khi những nhóm người cổ đại khác trên thế giới chỉ biết sống trong các hang động, chặt cây bằng những cái rìu thô sơ, săn bắt thú bằng những mũi tên có gắn một mảnh đá sắc nhọn hoặc đánh nhau bằng gậy gộc, thì người Babylon cổ đại đã băt đầu biết xây dựng lâu đài, thành quách; dùng những chiếc rìu, thanh giáo bằng sắt thép cùng những mũi tên có đầu bịt bằng đồng.
Cư dân Babylon là những nhà tài chính, những thương gia giàu kinh nghiệm. Tài liệu khai quật được cho biết họ là những người đầu tiên biết sử dụng vàng bạc làm phương tiện trao đổi, biết dùng những tấm thẻ ghi nợ, hoặc ghi nhận tài sản sở hữu của mình.
Từ khoảng năm 540 trước Công nguyên trở về trước, không có một đạo quân xâm lược nào chiếm được Babylon. Thành Babylon vẫn kiên cố trước bất kỳ một sức mạnh quân sự nào. Về sau, nguyên nhân sụp đổ của vương quốc Babylon rất lạ lùng và khá bí ẩn. Vào thời đó, Cyrus, một trong những vị vua có tham vọng chinh phục các vương quốc lân cận, thể hiện ý đồ xâm lược Babylon. Những cố vấn của nhà vua Nabonidus đang trị vì xứ Babylon lúc bấy giờ thuyết phục rằng, thay vì chờ đạo quân của Cyrus đến bao vây thành, thì tốt nhất nên đem quân đi giao chiến. Nabonidus đã không suy tính kỹ nên đã cho xuất quân. Hậu quả là quân của Babylon liên tục bị thất bại. Nabonidus đành bỏ thành và chạy trốn khỏi vương quốc. Do thế, Cyrus đã chiếm lấy Babylon mà không gặp bất kỳ một sự kháng cự nào.
Từ đó, sức mạnh và sự nổi tiếng của thành Babylon cũng dần tàn lụi. Theo thời gian, nó trở nên hoang phế, vắng lặng và bây giờ chỉ còn là vùng đất hoang mạc đầy gió cát. Một lần nữa, Babylon lại trở về với đất, nơi đã sinh ra nó. Sự hoành tráng, đồ sộ và nguy nga của thành Babylon chỉ còn là huyền thoại…
Có thể nói, những thành quách hùng vĩ cùng những đền đài, cung điện nguy nga của Babylon đã trở thành cát bụi, nhưng những tri thức, những kinh nghiệm khôn ngoan, những thành tựu nổi bật của vương quốc cổ đại này vẫn còn lưu truyền cho đến tận bây giờ. Có lẽ, dù được mệnh danh là bất khả xâm phạm trước quân thù, nhưng thành Babylon vẫn không tránh khỏi quy luật sinh – diệt của thời gian. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nền văn minh Babylon đã trở thành một dấu ấn quan trọng đối với sự tiến bộ vượt bậc của con người ở các kỷ nguyên sau này.
Trích từ sách Người giàu có nhất thành Babylon - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét