Những Ngày Cuối Cùng Của Sài Gòn
Winfried Scharlau / Phan Ba dịch
Phần 1
Lời người dịch : Tiến sĩ Winfried Scharlau (1934 – 2004) là
một nhà báo, tác giả và sử gia người Đức. Ông là phóng viên chiến trường trong
thời gian của cuộc Chiến tranh Việt Nam . Ông đã từng bị thương ở gần vĩ
tuyến 17. Năm 1974, chiếc máy bay trực thăng chở ông đã đáp trúng mìn. Winfried
Scharlau là một trong các nhà báo Phương Tây cuối cùng rời Việt Nam trong tháng
Tư năm 1975.
* * *
Sài Gòn sợ chiến tranh hơn là sợ những người cộng sản. Mặt
trận đã tiến đến gần; vào ngày 21 tháng Tư, Xuân Lộc thất thủ, pháo đài cuối
cùng chận đường tiến quân vào thủ đô của các sư đoàn Bắc Việt từ phía Đông.
Tiếng “womp-womp-womp” của pháo binh, như Michael Herr sau
này sẽ chuyển tải lại tiếng động đặc biệt đó một cách thơ mộng-to tiếng trong
quyển Dispatches, đã có thể nghe được suốt ngày đêm. Nhưng tiếng
“dit-dit-dit” của súng cá nhân, ngoại trừ vài ngày trong lần tấn công vào dịp
Tết [Mậu Thân] 1968, đã dung tha cho người dân của Sài Gòn. Cho tới bây giờ,
người Sài Gòn đã sống qua được chiến tranh; còn hưởng lợi từ nó nữa, và hưởng
thụ những gia vị của một “xã hội Honda”, cái mà bây giờ có nguy cơ bị cuộc
chiến phá hủy.
Về quân sự thì cuộc chiến đã ngã ngũ. Sau khi chiến dịch tấn
công mùa xuân bắt đầu trên vùng núi, sau khi mất Ban Mê Thuột và Kontum, Tổng thống
Thiệu và bộ tham mưu của ông đã hạ lệnh rút lui, điều đã dẫn tới bỏ chạy và hỗn
loạn.
Chỉ còn những phần nhỏ của một quân đội được trang bị hiện
đại gồm hơn nửa triệu người là còn muốn đứng ra chiến đấu. Lần di tản hỗn loạn
ra khỏi vùng đồi núi chỉ thể hiện rõ cuộc khủng hoảng trong nội bộ của quân đội
Sài Gòn. Tinh thần chiến đấu của quân lính đã gãy gục trong những tháng trước
đó. Từ khi Mỹ cắt giảm viện trợ tài chính, từ khi ai trong miền Nam cũng đã
hiểu, rằng Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí và tiền tỉ dollar vô giới hạn nữa, và
cũng không sẵn sàng hỗ trợ thêm một lần nữa với không quân và quân đội trong
trường hợp khẩn cấp, chậm nhất là từ mùa thu 1974 thì con người, quân nhân và
người dân thường, ai cũng chỉ muốn cứu lấy chính mình, và trước hết là việc đó.
Người Việt nhìn thấy điều không thể tránh khỏi đang tiến đến gần. Khác với
người Khmer trong Phnom Penh cách đó còn chưa tới 300 kilômét, những người ngay
cả sau khi đại sứ quán Mỹ đã di tản cũng còn chiến đấu trên đường phố cho tới
kết cuộc cay đắng cuối cùng, đa số người Việt nhìn thấy sự an toàn trong bỏ
chạy. Ai còn muốn liều mạng sống của mình cho một việc đã thất bại rồi? Sự hỗn
loạn đi cùng với lần sụp đổ của Nam Việt Nam có nguyên nhân sâu xa của nó
trong nhận thức và lý trí của tập thể.
Vào ngày Xuân Lộc thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của
Việt Nam Cộng Hòa, bảo đảm và đại diện cho trật tự cho tới giờ phút đó, tuyên
bố từ chức. Vào buổi tối, ông đã thổ lộ niềm cay đắng của mình về nước Mỹ trong
một bài diễn văn trên truyền hình. Thiệu lên án bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ
Henry Kissinger đã không nhận ra, rằng hiệp định Việt Nam do ông ta thương lượng trong tháng Giêng
1973 đã dẫn miền Nam
đi tới chỗ chết. “Ai cũng nhận ra điều đó, nhưng Kissinger thì không. Các cường
quốc có lợi ích chung. Chúng tôi không có gì để hy sinh ngoài đất nước nhỏ bé
này.” “Họ bán đứng Việt Nam
cho người cộng sản”, Thiệu nói người Mỹ. “Thái độ vô nhân đạo của Hoa Kỳ là
thái độ của một cường quốc trốn tránh trách nhiệm của mình.” Tổng thống Richard
Nixon, Thiệu nói tiếp theo sau đó, đã “hứa trên giấy là sẽ giành cho đất nước
mọi sự giúp đỡ cần thiết về quân sự và kinh tế trong trường hợp miền Bắc tấn
công.” Giới hạn sự giúp đỡ của Mỹ là một hành động vô nhân đạo và đã dẫn tới
cuộc rút lui khủng khiếp đó và tới nhiều tổn thất. “Tôi không bao giờ tin
rằng”, Thiệu nói và khóc, “một người như Kissinger mà lại đưa dân tộc chúng tôi
tới một số phận đáng sợ như vậy.”
Sài Gòn cảm động lắng nghe người tổng thống đã từ chức đó.
Những xúc cảm mà ông biểu lộ trong lần xuất hiện cuối cùng này, điều mà nhiều
người không hề nghĩ rằng ông có, đã để cho một sự thiện cảm nhất định nhú mầm.
Nhưng đặc biệt là quyết định đi lưu vong của ông đã tạo hy vọng cho một lần
ngưng bắn mới. Hà Nội và Mặt trận Giải phóng đã yêu cầu lật đổ Thiệu và “bè lũ”
của ông như là điều kiện tiên quyết cho các đàm phán. Ngay tới Quốc Hội Mỹ
cũng tuyên bố rằng chừng nào mà Thiệu còn nắm quyền thì chiến tranh sẽ kéo dài
cho tới chừng đó. Bây giờ thì dường như đã có một lối thoát ra khỏi cuộc khủng
hoảng. Phó tổng thống Trần Văn Hương 71 tuổi tạm thời nhận lấy quyền lãnh đạo ở
Sài Gòn. Người kế nhiệm, Thiệu cũng đã thông báo trước để lý giải cho lần từ
chức của mình, sẽ đề nghị ngưng bắn và đàm phán.
Dường như Sài Gòn lại có hy vọng
mới. Những người làm việc cho người Mỹ hay cho một sứ quán của Phương Tây bao
vây từ sáng cho tới tối những phòng lãnh sự để nhận thị thực cho họ và gia
đình. Chạy trốn là giải pháp của một thiểu số, ngay cả khi những cảnh từ biệt
đầy xúc động trước cổng vào phi trường có quyết định hình ảnh chung cho tới đâu
đi chăng nữa. Người Mỹ vẫn còn chưa tỏ dấu hiệu, rằng họ đã sẵn sàng cho một
cuộc di tản đông người. Phần lớn người dân trong phần còn lại của nhà nước Nam
Việt Nam, cái bây giờ chỉ còn bao gồm những vùng đất hẹp quanh Sài Gòn và các
tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng vào một điều kỳ diệu: hy vọng
vào một tín hiệu đầy bí mật, cái có thể sẽ làm câm lặng pháo binh cộng sản đã
vào vị trí có thể bắn tới Sài Gòn từ lâu, và dừng xe tăng lại, để trao tiếng
nói cuối cùng cho các chính trị gia và nhà ngoại giao.
Rằng Phnom Penh đã bị Khmer Đỏ chiếm trước đây vài ngày,
rằng chiến tranh đã tới gần cho tới mức có thể cảm nhận được, những việc đó đã
không thể bóp nghẹt niềm hy vọng đang nhú mầm. Nỗi lo sợ trước trận đánh cuối
cùng đã để cho ảo tưởng nở hoa. Kết cuộc của Sài Gòn là một chiến thắng của ảo
tưởng.
Đội ngũ các nhà báo, những người bây giờ có thể thực hiện
các chuyến đi ra chiến trường thật thuận tiện vào ban ngày, vì chiến tranh đã
tiến gần tới mức có thể nghe được, được người Mỹ mời tới dự một cuộc họp trên
quán rượu ở sân thượng của khách sạn cao tầng “Caravelle”. Thay cho các thông
tin về chính trị và diễn tiến cuộc chiến là những chỉ thị “mật” cho trường hợp
khẩn cấp, cho lần di tản bằng trực thăng. Có một chỗ tập trung được quy định
trước cho các nhà báo, ở gần văn phòng UPI, gần cảng sông, có thể nhanh chóng
tới đó được từ các khách sạn lớn “Caravelle”, “Continental” và “Majestic”. Tín
hiệu, các nhà báo được tin tưởng thông báo, sẽ được phát qua radio vào ngày X.
Trong trường hợp khẩn cấp, đài phát thanh của quân đội Mỹ, phát tin tức “every
hour on the hour”, sẽ thêm vào câu: “The temperature is 105 degrees and
rising”, tiếp theo sau đó là bài “I am dreaming of a white Christmas” của Bing
Crosby. Người ta sẽ chờ quý bà, quý ông nhà báo tại địa điểm tập trung với
nhiều nhất là một món hành lý.
Phần 2
Trong khi giới nhà báo tranh luận về các lựa chọn, ở lại
Sài Gòn và trải qua lần quân đội Việt Cộng tiến quân vào, hay để cho chở đi
bằng máy bay và chấm dứt nhiệm vụ của họ ở Việt Nam với câu chuyện di tản, thì
các nhà ngoại giao của đại sứ quán Mỹ hy vọng có thể tránh được cuộc di tản như
là một kết cuộc nhục nhã, giống như bỏ chạy. Thông tin từ hai nguồn đến với
Graham Martin sếp của đại sứ quán Mỹ, gợi lên ý nghĩ phía cộng sản sẵn sàng đàm
phán: từ nhóm Hungary
của ICCS, Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, và từ đại sứ quán Pháp.
Chính sếp CIA ở Sài Gòn đã tự mình bắt liên lạc với các
sĩ quan Hungary .
Thomas Polgar xuất thân từ một gia đình Hungary đã di cư sang Mỹ. Từ người đồng
hương sang người đồng hương, người ta tin cậy thông báo rằng Hà Nội quan tâm
tới một “giải pháp Lào”, để tránh một trận chiến trên đường phố ở Sài Gòn.
“Giải pháp Lào”, đó là một chính phủ trung lập, bao gồm các nhân vật của “lực
lượng thứ ba”, phe đối lập yếu ớt và bị coi thường cả một thời gian dài ở Sài
Gòn, và tất nhiên là với sự hỗ trợ về ngoại giao của Liên bang Xô viết, Pháp và
Liên hiệp Anh.
Nguồn thứ hai, dường như xác nhận các thông tin của người
sếp CIA, bắt nguồn từ đại sứ quán Pháp – mà trong đó Jean-Marie Merillon, trong
tinh thần của de Gaulle, đã tự mình tin rằng “Grande Nation” thêm lần nữa sẽ
nhận được một vai trò lịch sử trong khoảnh khắc chiến bại của Mỹ. Merillon
thông báo cho đại sứ quán Mỹ và một nhóm nhỏ các nhà báo, mà tiêu chuẩn của họ
là có khả năng sử dụng tiếng Pháp một cách thanh lịch, rằng người cộng sản
thông qua tiếp xúc với người Pháp đã đưa ra “giải pháp Lào”: tước quyền “bè lũ
Thiệu”, thành lập một chính quyền trung lập, muốn hòa bình, dưới quyền “Big
Minh” và ngưng chiến trước cửa ngõ Sài Gòn, để tạo cơ hội cho một hội nghị bốn
bên bàn thảo một trật tự chính trị mới ở Nam Việt Nam.
Vòng vây bao quanh Sài Gòn càng siết chặt lại bao nhiêu thì
các cố gắng đàm phán ngừng bắn của các chính trị gia và nhà ngoại giao càng
tuyệt vọng bấy nhiêu. Vào ngày 26 tháng Tư, buổi chiều lúc ba giờ, Thiệu rời
Sài Gòn tới Đài Loan. Kể từ lúc từ chức, ông cần năm ngày để xếp đồ đạc vào va
li. Người dân Sài Gòn có một tưởng tượng thật chính xác về những gì đã được đóng
vào trong đó.
Đài phát thanh của Mặt trận Giải Phóng từ chối lời đề nghị
ngừng bắn của phó tổng thống Trần Văn Hương. Hương đại diện cho một “chế độ
Thiệu không có Thiệu”. Một chính phủ trung lập phải được thành lập và dẫn đầu
bởi “một nhân vật thật sự yêu chuộng hòa bình”. Và quân nhân Mỹ, hơn 5000
người, phần lớn là sĩ quan trong bộ tham mưu của DAO, Defense Attache’s Office
hay cũng được gọi là “Lầu Năm Góc phương Đông”, phải rời đất nước này, như là
điều kiện tiên quyết.
Vào ngày 26 tháng Tư, một ngày thứ bảy, vào cái ngày mà
Thiệu rời bỏ đất nước, Quốc Hội đã họp trong một ngôi nhà tối tăm hôi mốc ở khu
cảng, để nhất trí ủy quyền cho phó tổng thống Hương tự chọn một người kế nhiệm
theo ý muốn của ông, không cần quan tâm tới các quy định của hiến pháp Nam Việt
Nam. Trần Văn Lắm, chủ tịch thượng viện, theo hiến pháp lẽ ra là người kế đến.
Nhưng là “người của Thiệu” thì ông không có cơ hội được phía cộng sản chấp nhận
là “một người thật sự yêu chuộng hòa bình”.
Dương Văn Minh, được gọi là “Big Minh” vì có thân hình to
lớn, cần phải là người tổng thống mới. “Big Minh” đã đóng một vai trò chủ chốt
trong lần lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963 và qua nhiều năm trời đã đứng vào phía
đối lập với Thiệu. Không ai biết rõ là phe đối lập này thật ra là bao gồm những
ai. Nhưng hầu như tất cả mọi người đều tin chắc rằng “Big Minh” có thể cứu
thoát Sài Gòn trong thời điểm nguy cấp.
Đại sứ Pháp và Mỹ tin là đã giật dây để cho “Big Minh” bước
ra hoạt động. Vào tối ngày chủ nhật, Graham Martin thuyết phục thành công người
tổng thống được bổ nhiệm, không cương quyết yêu cầu giới quân đội Mỹ rút quân
ngay lập tức. Khoảng cùng thời gian đó, Jean-Marie Merillon vào gặp đại diện
phe cộng sản, sau hiệp định ngừng bắn 1973 đang ở trong khu vực an ninh của phi
trường Tân Sơn Nhứt của Sài Gòn, để tự mình thăm dò cơ hội của một “chính phủ
hòa bình Big Minh” qua sếp của phái đoàn, đại tá Võ Đông Giang, một con người
khó tính, giống như một cái máy nói không có xúc cảm.
Merillon được thông báo cần phải gấp rút; người Mỹ phải rút
lui ngay lập tức; phải tước quyền “bè lũ Thiệu” và thay thế ở hàng đầu bởi
những người ái quốc yêu hòa bình. Tuy vậy, viên đại tá bất thân thiện đó không
trả lời cho câu hỏi mang tính quyết định: liệu một chính phủ do Big Minh đứng
đầu có được chấp nhận như là đối tác để đàm phán một giải pháp chính trị hay
không.
Mặc dù không có được sự chắc chắn cuối cùng này, Martin,
Merillon và những người đi theo “Big Minh” vẫn bắt đầu làm việc để cứu thoát
Sài Gòn ra khỏi một cuộc chiến và cứu thoát Phương Tây khỏi nỗi nhục nhã của
một lần đầu hàng vô điều kiện. Sự lạc quan của họ được nhiều người chia sẻ,
chính là những nhà quan sát chính trị đó, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp
của các nhân vật chính, tự biến mình trở thành những người đồng lõa, và tin
tưởng vào những cảm nhận cá nhân ít hơn là vào các phân tích của những người
giật dây.
Lần trao quyền lực từ Hương sang “Big Minh” được dự định vào
chiều ngày thứ hai, 28 tháng tư. Hàng ngày, “Airlifter”, máy bay vận tải phản
lực của Không quân Mỹ, đến Sài Gòn để chở “những người bị nguy hiểm đặc biệt”.
Khoảng 5000 người Việt rời đất nước mỗi ngày. Cảnh chen lấn và xô đẩy của những
người tìm chốn tỵ nạn trước tòa đại sứ quán Mỹ hầu như không còn thể điều chỉnh
được nữa. Những người muốn chạy trốn cảm thấy một sự khẩn cấp gây tuyệt vọng.
Xe tăng cộng sản đã đứng trước cửa ngõ Sài Gòn, và mặc dù vậy, các cơ quan lãnh
sự Mỹ vẫn khăng khăng yêu cầu giữ đúng quy trình nhập cảnh phức tạp. Tuy vào
lúc này phần lớn các quốc gia Phương Tây đã di tản các đại sứ quán của họ và quẳng
các dự trữ rượu mạnh ra thị trường với giá vứt đi, người Mỹ, được dẫn đầu bởi
Graham Martin và Thomas Polgar, vẫn còn tin có thể trì hoãn được chiến dịch di
tản đường không quy mô lớn đã được lập kế hoạch, vì một giải pháp chính trị bắt
đầu hiện hình, cứu Sài Gòn thoát khỏi sự hoảng loạn và khốn cùng của một cuộc
chạy trốn.
Vào sáng chủ nhật, hai giờ trước khi mặt trời mọc, quân đội
cộng sản bắn vài hỏa tiển vào nội thành, rơi xuống gần đại sứ quán Đức ở vùng
ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, khu phố người Hoa, và gây ra một vụ cháy lớn
kinh hoàng. Từ hơn ba năm nay, Sài Gòn không còn bị bắn phá trực tiếp nữa. Các
hỏa tiển này, đi kèm theo đó là một tiếng nổ thật lớn, đã để cho người dân nhận
thức được rằng màn cuối cùng của cuộc bao vây, đánh chiếm thủ đô, đã bắt đầu.
Chỉ các nhà ngoại giao có nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong
đại sứ quán Mỹ và Pháp là vẫn không muốn đọc những dấu hiệu ở trên tường đó.
Các tín hiệu của phía bên kia cũng có thể được hiểu, rằng Hà Nội chỉ muốn thúc
giục tăng tốc quá trình chính trị. Người cộng sản, Graham và Merillon cam đoan
lẫn nhau như vậy, sẽ “mất thể diện”, nếu như họ cố tiến quân đánh chiếm thành
phố Sài Gòn ba triệu dân trước con mắt của thế giới. Qua nhượng bộ chính trị,
cả hai người đều có ý như vậy, có thể giành được một thỏa hiệp hợp lý từ những
người cộng sản.
Trong những năm dài của chiến tranh, những lý luận tương tự
như vậy đã được các chính trị gia phe Tự do đưa ra ở nhiều nơi. Cho tới thời
điểm đó, Hà Nội vẫn không đưa ra một bằng chứng nào cho việc này. Mang đặc tính
của một “sự ngờ vực gần như là bệnh hoạn” đối với phần còn lại của thế giới và
đồng thời là của một “sự tự mãn hoang dại cuồng nhiệt” (như Henry
Kissinger sau này ghi lại trong hồi ký của ông), chiến lược đàm phán cố
chấp của người Bắc Việt, không đưa ra điều gì và yêu cầu mọi thứ, cho tới
nay không đưa ra bằng chứng nào cho việc rằng thỏa hiệp và nhượng bộ có thể
ngăn cản Hà Nội “giải phóng” miền Nam và thống nhất đất nước thành một Việt Nam
xã hội chủ nghĩa. Mặc dù vậy, Hiệp định Paris của tháng Giêng 1973 vẫn được
kiến lập trên những tiền đề này, trên giả định rằng Hà Nội sẽ chấp nhận sự tiếp
tục tồn tại của một nhà nước ở miền Nam. Việc Hà Nội từ bỏ xâm chiếm miền Nam được mua
bằng triển vọng hai tỉ dollar viện trợ kinh tế. Cho tới thời điểm này, trong
những ngày cuối cùng của tháng Tư, Hà Nội chỉ chứng tỏ rằng những tiền đề của
hiệp định chính trị là một ảo tưởng thuần túy. Không một lời hứa nào và không
một lời đe dọa nào có thể ngăn cản Bộ Chính trị ở miền Bắc hoàn thành nhiệm vụ
của Hồ Chí Minh và “giải phóng” miền Nam.
Bây giờ, xe tăng của Cách Mạng đã đứng ở rìa thành phố. Mùa
khô đã qua, mùa mưa có thể bắt đầu vào bất cứ ngày nào và sẽ gây khó khăn lớn
cho các chiến dịch quân sự. Nằm trong đường lối chiến lược cho tới nay của Hà
Nội là thủ tiêu phần còn lại của quốc gia Sài Gòn với một cú đánh trúng đích,
tận hưởng chiến thắng quân sự, thay vì cho phép có “tương quan Lào” và
qua đó còn mang cả người Pháp và người Nga lên sân khấu như là những người mang
lại hòa bình nữa.
Việc đó minh chứng cho sức mạnh của ảo tưởng, rằng ngay
cả trong Sài Gòn bị bao vây, hiện giờ bị cô lập khỏi phần còn lại của đất
nước, trong tầm nhìn thấy xe tăng của đối phương, mà một kế hoạch hòa bình trên
phương diện chính trị vẫn có thể thành hình được, cái tất nhiên là đòi hỏi chế
độ ở miền Nam phải hy sinh nhiều nhất, tức là phải tự phá hủy trật tự cho tới
nay. “Bè lũ Thiệu”, “chế độ bù nhìn”, phải bị hủy bỏ. Graham Martin, đại sứ Mỹ,
đồng ý. Vào chiều ngày thứ hai, 27 tháng Tư, phó tổng thống Hương sẽ từ chức và
trao quyền lại cho “Big Minh”.
Các chính trị gia tiến hành sự việc với vận tốc của con ốc
sên, trong khi tướng lãnh Bắc Việt, ở Sài Gòn ai cũng nhận thấy, rõ ràng là
thúc giục một quyết định. Cả ngày lẫn đêm đều nghe được tiếng “womp-womp-womp”
của đạn pháo. Bây giờ tiếng súng nổ lớn nhất là từ hướng phi trường, nơi những
chiếc máy bay di tản của cái cầu hàng không nhỏ bé vẫn còn có thể hạ cánh mà
không bị bắn phá. Người dân Sài Gòn dao động giữa hy vọng và tuyệt vọng. Cuối
cùng thì người Mỹ có chở hết tất cả những người Việt nào muốn đi hay không? Có
lẽ cuộc chiến sẽ chấm dứt với một thỏa hiệp chính trị.
Khi một phóng viên nổi tiếng từ giã bạn bè vào buổi tối, vì
“giải pháp Lào” cho phép ông bay về quê hương để hoàn thành một phim tài liệu
rồi sau đó quay trở lại Việt Nam, thì một người bạn nói với ông ấy rằng hãy
quên cái tên Sài Gòn trong lúc đó đi, vì cho tới chừng đó thì người cộng sản đã
chiếm được thành phố, và đổi tên nó thành Thành phố Hồ Chí Minh rồi. Đó là
“tuyên truyền của CIA”, người này rít lên vì giận dữ. Ý thức lịch sử của người
Việt sẽ để cho một lần đổi tên như vậy trở nên vô lý. Cuộc thảo luận dường như
tình cờ đã trở nên dữ dội cho tới mức buổi tiệc từ giã kết thúc sớm hơn dự định.
Ai cho rằng người cộng sản quyết định chấm dứt cuộc chiến
đẫm máu với hơn một triệu nạn nhân bằng một chiến thắng quân sự, và sau đó tạo
dựng ở miền Nam những điều kiện giống như ở Bắc Việt Nam, kể cả những giới hạn
cho giới báo chí nước ngoài, thì ngay trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn,
người đó vẫn phải chịu đựng sự nghi ngờ, là đã trở thành một nạn nhân của tuyên
truyền Mỹ. Nhưng cuộc tranh cãi của các ý kiến đã được nhanh chóng quyết định
ngay sau đó.
Phần 3
Công việc bàn giao chức vụ được tiến hành vào ngày thứ hai,
28 tháng Tư, buổi chiều 17 giờ, trong dinh tổng thống, nằm trong một tam giác
với đại sứ quán Mỹ và nhà thờ công giáo. Mây mưa nặng nề kéo đến trên thành
phố. Trời đã tối. Đèn trong dinh được bật lên khi những người của “lực lượng
thứ ba”, nhóm nhỏ những người trung lập, quốc gia chủ nghĩa và phật tử chiến
đấu, những người cho tới lúc đó không được phép vào trong dinh tổng thống mới
của năm 1964, bước qua cánh cửa mở rộng vào trong gian sảnh tiếp đón và tạm
thời ngồi xuống ở hàng ghế thứ hai.
Hàng ghế đầu dành cho phó tổng thống Hương và các bộ trưởng
cho tới thời điểm đó. Có lẽ khoảng 100 người, cho tới 17 giờ hầu như chỉ làm
đầy được một nửa gian sảnh. Tiếp theo ở phía sau đó là giới báo chí quốc tế.
Trên các lối đi, cách bục diễn thuyết không xa, là máy quay của các đài truyền
hình.
Chống gậy khập khiển, phó tổng thống Hương bước vào gian
sảnh, có “Big Minh” đi kèm, người mà người ta có thể nhận ra một vẻ hãnh diện
nhất định cho vai trò mới này. Minh nhìn những người bạn và những người theo ông
ở hàng ghế thứ nhì, những người dưới thời Thiệu đã bị gièm pha và bị các cơ
quan nhà nước hành hạ nhiều năm trời; cuối cùng thì cũng đứng trước ngưỡng cửa
của ảnh hưởng và sự công nhận của giới công khai: Nguyễn Văn Huyền, một luật sư
mà sự hiểu biết về chuyên môn của ông có nhiệm vụ bổ sung cho sức thu hút của
Big Minh; thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, một con người nhanh nhẹn, hiền lành,
luôn mỉm cười lịch sự, một Phật tử sùng đạo và là người cầm cờ của các nhà sư
quốc gia chủ nghĩa ở chùa Ấn Quang; và bên cạnh nhiều người khác nữa cũng là
Nguyễn Văn Tuyên, một người yêu nước thành thật, người qua chiếc kính mắt dầy
cộm của mình đã phát hiện nhiều biển thủ, cẩu thả và tham nhũng trong chính phủ
đã từ chức hơn là tất cả các thành viên khác của quốc hội cộng lại.
Khi cuối cùng rồi Trần Văn Hương bước lên bục diễn thuyết có
treo huy hiệu tổng thống ở mặt trước, một cơn mưa bắt đầu trút xuống, lớn tới
mức trong Sài Gòn nhiệt đới cũng được xem là bất thường. Cơn mưa đầu tiên sau
mùa khô kéo dài nhiều tháng trời rơi xuống như một trận ngập lụt từ trên trời.
Mây đen phủ tối bầu trời; giống như màn đêm đã buông xuống Sài Gòn. Bài diễn
văn của Hương được nhiều tia sét đi kèm, rồi tiếng sấm tiếp theo sau đó.
Richard Wagner cũng không thể dàn dựng đỉnh cao này tốt hơn.
Nhiều câu trong bài diễn văn ngắn của Trần Văn Hương bị cơn
mưa đầy sấm sét này che phủ mất. Gió bão thổi màn che của những chiếc cửa sổ
cao bay tung lên, đánh lạc hướng mối quan tâm của thính giả ra khỏi con người
nói chuyện mờ nhạt này. Hương khiến cho khán giả của ông phải chán ngán với
tính bướng bỉnh của một người muốn giữ đúng một hình thức đã mất ý nghĩa của nó
từ lâu. Người thị trưởng từng được mến chuộng của Sài Gòn trước đây đã đánh mất
phần còn lại của sự tin tưởng trong lần hợp tác với Thiệu, người đã lợi dụng
tiếng tốt của ông mà không giao quyền lực thật sự cho người phó. Còn lại là một
sự cứng đầu cứng cổ giả làm tính nguyên tắc. Người đàn ông già ốm đau này, cần
dùng một cây gậy để đi lại, thật sự là một biểu tượng của trật tự đang sụp đổ.
Ông hẳn đã diễn thuyết độ mười phút. Các nhà báo không quan
tâm và cũng bị trận mưa đánh lạc hướng cho tới mức hầu như không ai để cho
phiên dịch bài diễn văn. Tất cả mọi người đều chờ “Big Minh”, chờ một chính phủ
mới, một kế hoạch lập hòa bình mà người cộng sản muốn chấp nhận.
Hương khập khiển trở về chỗ của mình. Cả gian sảnh im lặng.
Mọi ánh mắt đều hướng tới “Big Minh”, vì người ta chờ bước kế tiếp từ ông.
Nhưng ông vẫn ngồi trên ghế của mình. Lần ngưng giữa chừng trong nghi thức mà
không nhận ra được ý nghĩa của nó làm tăng sự căng thẳng.
Rồi cuối cùng người ta nhìn thấy một người lính canh, đeo
thắt lưng trắng và dây đeo, đứng ở phía trước bên trái, cạnh cửa cánh, bước vào
giữa gian sảnh tới bục diễn thuyết. Ông dùng hai tay cầm huy hiệu của tổng thống,
giật nó ra khỏi móc treo, quay người với những cử động giật nhanh, tạo một vẻ
buồn cười cho những người lính đang đi duyệt binh, bước ra hướng cửa và mang
biểu tượng của tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra khỏi gian phòng với những bước
chân khoan thai.
Giới chính khách và nhà báo giữ im lặng, một sự im lặng mà
người ta có thể xem như phút mặc niệm cho một trật tự được mang một cách tượng
trưng từ sân khấu chính trị sang đống rác của lịch sử. Khán giả chăm chú theo
dõi những cử động long trọng của người lính vệ binh bây giờ đang tiến gần tới
lá cờ Nam Việt Nam ở bức tường phía trước, nhấc nó lên khỏi giá cắm và mang nó
một cách chậm chạp, lúc nào cũng đi thẳng, ra khỏi gian phòng.
Lá cờ màu vàng với ba sọc đỏ là do người linh mục trẻ tuổi
Trần Hữu Thanh phác thảo năm 1945,người sau này thân cận với tổng thống công
giáo Diệm và tuyên truyền cho “triết lý chủ nghĩa cá nhân” của ông
ta. Bây giờ, trong tháng Tư 1975, cha Thanh đã tham gia phe đối lập chống Thiệu
từ lâu. Ông đã tạo khoảng cách với một hệ thống đã được xóa bỏ một cách tượng
trưng qua lần mang lá cờ đi ra ngoài.
Đối với tôi, lá cờ ít có ý nghĩa. Nhưng từ chuyến đi tường
thuật đầu tiên của tôi trong cuộc chiến này, tôi đã trải nghiệm nó như là biểu
tượng của một quốc gia mà nhiều trăm ngàn người Việt đã hy sinh cho nó. Hơn
500.000 lính Mỹ đã được gởi tới đây để củng cố cho nền cộng hòa Nam Việt Nam mà
50.000 người trong số đó đã tử trận. Lá cờ vàng đỏ này đã trang trí cho các
quan tài khi trên nghĩa trang quân đội lớn ở ngoài Sài Gòn, trên đường đi Biên
Hòa, khi mỗi năm một lần người ta tiến hành tưởng niệm những người đã hy sinh
trong một buổi lễ quốc gia long trọng.
Hàng triệu người đã chết một cái chết vô nghĩa. Đối với tôi,
đó dường như là một hành động cay độc, để cho lá cờ biến mất và qua đó mà trốn
tránh một trách nhiệm lịch sử.
Người lính vệ binh quay lại gian sảnh, cầm một dấu hiệu tổng
thống mới trên hai tay. Với một cú đánh mạnh, ông gắn chặt biểu tượng của tổng
thống “Big Minh” vào bục diễn thuyết. Hoa sen xanh nổi bật trên nền trắng. Chắc
là một người nghiệp dư đã phải hấp tấp tạo ra kiểu mẫu này. Hẳn là không còn có
thể tìm được một bản nào tốt hơn trong Sài Gòn. Vì không còn có thể điều hành
quốc gia với những phần còn lại của xã hội này được nữa. Chỉ những kẻ mơ mộng
mới tìm được hy vọng trong lần thay đổi biểu tượng vào giờ chót này.
Chỉ sau khi người lính trở về chỗ ban đầu của ông, giống như
qua đó mà quá khứ đã được xóa bỏ và con đường đi tới một tương lai tốt hơn được
mở ra, “Big Minh” đứng dậy từ ghế ngồi của ông, khoan thai đi tới bục diễn
thuyết và bắt đầu đọc một tuyên bố của chính phủ mà trong đó lời đề nghị ngưng
bắn ngay tức khắc được đưa ra. Như đã thỏa thuận với đại sứ Mỹ Graham Martin,
Minh không nhắc tới lời yêu cầu di tản ngay tức khắc tất cả các quân nhân Mỹ.
Nhưng ông cũng không còn nói về “những người cộng sản” nữa, mà là về “những
người bạn của chúng ta ở phía bên kia… Chúng tôi thật sự mong muốn hòa giải.
Các anh chắc chắn biết điều đó. Hòa giải đòi hỏi mỗi một thành phần của quốc
gia đều tôn trông quyền được sống của những thành phần khác. Đó là tinh thần
của Hiệp định Paris …
Những ngày sắp tới sẽ hết sức khó khăn…Tôi không hứa hẹn nhiều.” “Big Minh” bổ
nhiệm luật sư Nguyễn Văn Huyền làm phó tổng thống. Thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu
làm thủ tướng. Một chính phủ chưa được giới thiệu.
Lúc đó, tôi không nghe bài diễn văn của “Big Minh” cho tới
khi kết thúc. Đối với tôi, nội dung lời tuyên bố của ông là hoàn toàn không có
ý nghĩa gì trong sự so sánh với những cảnh tượng trưng cho một lần tự xóa bỏ
nhà nước mà chúng tôi vừa quay xong. Nhà nước Sài Gòn thật sự đã hy sinh cái
lớn nhất, để thúc đẩy Bắc Việt đi tới thỏa hiệp chính trị vào phút cuối cùng:
nó đã tự tan rã, từ bỏ những biểu tượng cho sự tồn tại của chính mình, tự sát
vì sợ chết.
Để đưa cuốn phim lên chiếc máy bay chuyến tối sang Bangkok càng nhanh càng
tốt, tôi đã cùng đội quay phim rời gian sảnh trước. Ở trước cửa, tôi trình bày
một “dự thảo văn bản” cho ban biên tập. Vài phút sau đó, người quay phim và
cộng tác viên người Việt lâu năm của chúng tôi đi xe ra phi trường. Đó là vào
khoảng 18 giờ, mưa đã giảm bớt đi rất nhiều.
Cho tới khách sạn “Continental” có nhiều nhà báo sống ở
trong đó chỉ tốn mười phút đi bộ. Hàng hiên, vào buổi chiều là điểm gặp gỡ cho
giới báo chí, quân nhân Mỹ, giới ngoại giao và dân kinh doanh đủ các loại, bây
giờ trông như bị bỏ hoang. Các nhà báo vẫn còn quan sát lần thay đổi quyền lực
trong dinh tổng thống. Phần khách còn lại đã hiểu được những dấu hiệu của
cuộc chiến và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Cũng có không ít người đang
theo dõi trực tiếp lần nhậm chức của “Big Minh” trước các màn hình. Những chiếc
taxi màu xanh-nâu sáng đỗ trước “Continental” như thường lệ. Để giết thời gian,
tôi thuê một chiếc cho một chuyến đi vào Chợ Lớn.
Sau hai kilômét, chúng tôi tới nhà ga. Bất chợt có những
chiếc A-37 bay ở phía trên chúng tôi, bổ nhào xuống tấn công. Người ta nghe
được tiếng bom nổ ở hướng phi trường. Vài giây sau đó, hỗn loạn xảy ra trong
thành phố. Ai có súng đều bắt đầu bắn lên trời. Người dân chạy, nằm xuống đất,
tiếp tục chạy đi. Tiếng ồn của vũ khí tăng lên thành một nền âm thanh, càng làm
cho người ta hoảng sợ, và hầu như không ai nhận biết được nguyên do nổ súng.
Sài Gòn bắn lên trời vì sợ. Bốn chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ kiểu A-37 bị
không quân Bắc Việt tịch thu đã cất cánh từ Phan Rang Air Base, khoảng 200
kilômét đông bắc Sài Gòn, và được gởi tới phi trường Tân Sơn Nhứt dưới sự lãnh
đạo của một phi công Nam Việt đào ngũ.
Hiệu ứng tâm lý của lần bỏ bom thủ đô Nam Việt vượt quá mọi
sự mong đợi. Sau khi những quả bom đó rơi xuống và Sài Gòn đạt tới một trạng
thái hoảng loạn, cái khiến cho người ta nhớ tới những cảnh đông người trên các
bậc thang Odessa
của [nhà đạo diễn] Sergei Eisenstein, thì ai cũng biết rõ rằng giờ của trận
đánh đã bắt đầu.
Lần bắn súng vô nghĩa mà dân cư vũ trang của Sài Gòn đã dùng
nó để kết thúc lần tự phá hủy trật tự cho tới nay kéo dài cho tới khi trời tối,
hơn một giờ đồng hồ. Giới nghiêm bắt đầu sau đó. Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt
tồn tại trước khi bị xâm chiếm.
Tháo gỡ các biểu tượng nhà nước và phản ứng hoảng loạn của
người dân Sài Gòn trước lần ném bom phi trường cho tới nay đã không được nhắc
tới hay chỉ được đề cập sơ qua trong các tường thuật của nhân chứng và trong
các diễn tả lịch sử.
Các cơ chế phòng vệ tâm lý đã đẩy cuộc di tản bằng máy bay
đầy kịch tính, bắt đầu vào trưa ngày hôm sau đó, 29 tháng Tư, vào trong trung
tâm điểm. Những dịch chuyển trọng tâm như vậy cũng được quan sát thấy tại các
chiến bại lịch sử khác của “người da trắng” ở châu Á. Trong văn học và trong
điện ảnh, lần quân đội Mỹ đầu hàng ở Corregidor, tháng Tư 1942 trong vịnh
Manila, đã bị che phủ bởi những sự tàn bạo của người Nhật trong “chuyến bộ hành
tử thần Bataan” để đi tới các trại tù binh; và “Câu cầu sông Kwai” đã quan tâm
tới sự tưởng tượng của Phương Tây nhiều hơn là kết cuộc của doanh trại Anh tại
Malaya và Singapore.
Thật sự là hoạt động chính trị-ngoại giao cuối cùng mà “Big
Minh” đã đứng tại tâm điểm của nó – được khuyến khích và cố vấn bởi Graham
Martin và Jean-Marie Merillon – đã trì hoãn cuộc di tản Sài Gòn và qua đó đã
gây hại nghiêm trọng về tâm lý và chính trị.
Ngay sau bài diễn văn của “Big Minh”, đài phát thanh Hà Nội
đã phát đi một tuyên bố với lời lẽ cứng rắn hết sức bất thường và với một tính
yêu cầu dứt khoát, vượt quá tất cả các phát ngôn trong những ngày vừa qua. Đài
phát thanh kêu gọi người dân Sài Gòn hãy “nổi dậy”.
Chẳng bao lâu sau đó, đại diện phe cộng sản, những người đã
xây nơi cư trú của họ trong khu vực của phi trường thành một căn cứ chỉ huy mà
các nhà quan sát ở bên ngoài hoàn toàn không hay biết gì, đã gọi điện tới các
thông tấn xã Mỹ và tờ New York Times. Một phát ngôn viên đọc một bản tuyên
bố mà trong đó Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ bị cáo buộc vẫn tiếp tục can thiệp vào
tình hình. Nước Mỹ được yêu cầu hãy “xóa bỏ chính quyền của chiến tranh và áp
bức ở Sài Gòn”. Lời tuyên bố của Mr. Minh không đáp ứng được yêu cầu này…
Qua đó, Bắc Việt đã phá hủy ảo tưởng cuối cùng. “Giải pháp
Lào” giống như một canh bạc. Mỹ và các đại diện của Sài Gòn đã đi nước cờ cuối
cùng của họ. Họ đã đi tới kết cuộc. Sự hấp tấp và hoảng loạn đặc trưng cho cuộc
di tản của ngày hôm sau đó cũng đã lấy đi cả “thể diện” của họ dưới con mắt của
châu Á.
Lần ném bom phi trường vào lúc 18 giờ chiều ngày thứ hai
thật sự đã là tín hiệu cho cuộc tấn công. Suốt cả đêm đó, Sài Gòn bị bắn phá
bởi đạn pháo và hỏa tiển. Cuộc di tản bằng máy bay bắt đầu vào chiều ngày thứ
ba: lúc đầu là từ một điểm tập trung trong khu vực phi trường, sau đó từ nóc
nhà của tòa đại sứ quán Mỹ. Bốn giờ sáng ngày thứ tư, 30 tháng Tư, đại sứ Mỹ
Graham Martin rời khỏi nước. Những người lính Mỹ cuối cùng, mười một lính thủy
quân lục chiến, bay vào lúc 7 giờ 53 phút từ Sài Gòn ra hạm đội trước bờ biển.
Vào lúc 11 giờ trưa, 30 tháng Tư, xe tăng Bắc Việt tới dinh tổng thống ở nội
thành. Một người lính với lá cờ của “chính phủ cách mạng lâm thời” lao lên cầu
thang, để gắn nó lên ban công như là dấu hiệu của chiến thắng.
Lá cờ cũ đã được lấy vào từ lâu rồi.
Winfried Scharlau
Phan Ba dịch từ báo Die Zeit, số 18, ra ngày 26/04/1985:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét