Mao Trạch Đông và chuyện "công tội"
(PetroTimes) - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tiết kiệm trước lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông (26/12/1893 - 26/12/2013). Ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi trên sau khi chính quyền thành phố Tương Đàm quyết định chi 15,5 tỉ NDT (khoảng 2,5 tỉ USD) cho 16 dự án nhằm đánh dấu 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, bao gồm trùng tu một trung tâm du lịch, bảo tồn nơi ở của ông trước đây, nâng cấp đường sá, cơ sở hạ tầng và tổ chức các sự kiện văn hóa.
Hoạt động liên quan
Theo giới truyền thông, nhân lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, tỉnh Hồ Nam đã chi 2 tỉ NDT (khoảng 330 triệu USD) cho 12 dự án liên quan tới sự kiện này. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, lễ kỷ niệm diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 26/12 nhận được chỉ đạo: câu khẩu hiệu ban đầu “Đỏ nhất là Mặt trời, Kính yêu nhất là Chủ tịch Mao” được đổi thành “Hát mừng đất nước - Lễ hội năm mới”, còn bảng hiệu cũng thay chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông bằng hình ảnh Đại lễ đường Nhân dân. Bên cạnh đó, tất cả các tiết mục biểu diễn của chương trình, cùng tài liệu quảng bá cũng như mọi sự kiện liên quan đến Mao Chủ tịch đều phải xin giấy phép cơ quan hữu trách.
Bộ phim dài 100 tập về Chủ tịch Mao Trạch Đông dự kiến phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia CCTV trong tháng 12 đã bị hoãn và được thay bằng bộ phim về cố Phó thủ tướng Nhiếp Vinh Trăn. Chính quyền quyết định cắt giảm nhiều hoạt động kỷ niệm lẽ ra rất tưng bừng. 10 năm trước (2003-2013), lễ kỷ niệm 110 năm sinh nhật Mao Chủ tịch đã diễn ra hết sức linh đình trong cả nước bởi khi đó tỉnh Hồ Nam chi 400 triệu NDT (khoảng 66 triệu USD) để tổ chức sự kiện này.
Bức tượng bằng ngọc dát vàng tạc Chủ tịch Mao Trạch Đông
Ngày 13/12, bức tượng bằng ngọc dát vàng tạc Chủ tịch Mao Trạch Đông trị giá trên 16 triệu USD, đã được công bố trước thềm kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông. Bức tượng này sẽ được chuyển tới Nhà tưởng niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông ở huyện Thiều Sơn, thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Để làm bức tượng cao 80cm, nặng hơn 50kg (được trưng bày tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), khoảng 20 nghệ nhân đã phải mất 8 tháng. Người hành hương về quê hương Mao Chủ tịch khá đông và dân làng Thiều Sơn hái ra tiền nhờ việc bán đồ lưu niệm về ông. Được biết, một cửa hàng bán được 2.000 tượng Mao Chủ tịch mỗi ngày.
Trước đó, một phong bì viết tay của Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi ông Bạc Nhất Ba (bố ông Bạc Hy Lai, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị kết án tù chung thân hồi tháng 9), được bán với giá khoảng 1,08 triệu USD tại phiên đấu giá ở Bắc Kinh. Tài liệu bên trong bì thư không được bán đấu giá. Nhà đấu giá China Guardian đã bán chiếc phong bì (do Quân ủy Cách mạng Nhân dân, tiền thân của Quân ủy Trung ương hiện nay cung cấp) còn rõ nét bút màu đen của Chủ tịch Mao Trạch Đông ghi "Gửi Phó Nghi Sinh tiên sinh và Bạc Nhất Ba tiên sinh".
Bức ảnh đen trắng có tên “Lư Sơn thần tiên động” do Giang Thanh, vợ Chủ tịch Mao Trạch Đông chụp năm 1961 đã được công ty bán đấu giá Hoa Trần bán tại cuộc đấu giá ở Bắc Kinh hôm 16/11 với giá 391.000 NDT (hơn 64.180 USD), gấp gần 20 lần so với mức giá dự kiến ban đầu là 20.000 NDT. Bức ảnh trên từng gây ấn tượng mạnh đến nỗi Chủ tịch Mao Trạch Đông đã viết một bài thơ ca ngợi (từng được dạy cho học sinh Trung Quốc trong một thời gian dài). Trước đó (tháng 10/2013), Chủ tịch Hội Cựu học sinh giai đoạn 1966-1968 tại Trường trung học Bắc Kinh số 8, ông Trần Tiểu Lỗ, con trai út của Nguyên soái Trần Nghị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã gặp 8 giáo viên và 14 học sinh cũ để xin lỗi vì từng làm nhục và đánh đập thầy cô giáo trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Chủ tịch Mao Trạch Đông trong quan tài
Theo tờ China Daily, trước khi tổ chức cuộc gặp, ông Trần Tiểu Lỗ đã đăng lời xin lỗi trên trang blog của nhóm cựu học sinh vì “trách nhiệm trực tiếp trong việc lên án và đưa nhiều người đến trại cải tạo”. Ngày 8/8/1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phát động cuộc Cách mạng Văn hóa. Khi phát động Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông gần 70 tuổi, còn khi phát động Đại nhảy vọt, ông đã hơn 60 tuổi. 15 năm sau (1981), đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức công nhận Cách mạng Văn hóa là một sai lầm.
Những sự kiện và câu nói nổi tiếng
Chủ tịch Mao Trạch Đông sinh ra (26/12/1893) trong một gia đình trung nông ở huyện Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, tự là Nhuận Chi, bút danh là Tử Nhậm, có bố là Mao Di Xương, tự là Mao Thuận Sinh, mẹ là Văn Thất Muội. Tuy là con út trong gia đình, nhưng Mao Trạch Đông được đánh giá là người có công trong việc thống nhất đất nước Trung Quốc - được tôn vinh là Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại, nhưng về cuối đời, ông đã phạm một số sai lầm, điển hình là phát động Cách mạng Văn hóa với sản phẩm đặc biệt “bè lũ 4 tên”. Người đời truyền tai nhau khá nhiều câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông như: Chính trị là chiến tranh không có đổ máu, trong khi chiến tranh là chính trị có đổ máu; Súng đẻ ra chính quyền: Lấy nông thôn bao vây thành thị…
Gia đình Thiếu tướng Mao Tân Vũ
Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam năm 1918, Mao Trạch Đông cùng giáo sư Dương Xương Tế tới Bắc Kinh. Sau đó ông kết hôn với Dương Khai Tuệ (1921), con gái giáo sư Dương Xương Tế. Sau khi Dương Khai Tuệ bị Quốc dân Đảng bắt (1927) và giết chết (1930), ông kết hôn với Hạ Tử Trân (1928). Năm 1937, Hạ Tử Trân sang Liên Xô chữa bệnh, năm 1938, ông kết hôn với Giang Thanh. Tháng 11/1956, Chủ tịch Mao Trạch Đông ký quyết định, theo đó tất cả lãnh đạo cấp trung ương sau khi chết sẽ được an táng theo nghi thức hỏa táng. Nhưng sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời (ngày 9/9/1976), Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng nhà tưởng niệm tại Quảng trường Thiên An Môn và thi hài sẽ được đặt trong quan tài thủy tinh.
Trước đó (8/3/1976) tại tỉnh Cát Lâm đã xảy ra một chuyện kỳ lạ, 3 thiên thạch lớn rơi xuống đất, viên to nhất nặng tới 1.770kg. Sau sự kiện này, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: "Thiên thạch lớn rơi xuống đất đó là điềm báo ta sắp chết". Việc chế tác chiếc quan tài dài 2,4m, rộng 0,6m, dường như là nhiệm vụ bất khả thi ở thời điểm đó bởi chưa từng làm ở Trung Quốc. Việc làm chiếc quan tài theo kỹ thuật truyền thống sẽ không ổn vì khi đổ thủy tinh vào khuôn sẽ có nhiều bọt tăm nổi lên và khi đó đã có một bước đột phá trong công nghệ về vấn đề này. Sau 10 tháng làm việc cật lực, nhà máy 605, thuộc xí nghiệp thủy tinh Bắc Kinh đã hoàn thành việc chế tác quan tài. Bộ Địa chất và Cục Quản lý thủy tinh là đơn vị hỗ trợ nhà máy 605. Hạ tuần tháng 10/1976, Bộ Địa chất triệu tập hội nghị giám đốc các mỏ thủy tinh trong toàn quốc ở Hoành Dương để truyền đạt lệnh cung cấp sản phẩm của Trung ương đảng. Nhiệm vụ chính được giao cho vùng mỏ thủy tinh đảo Hải Nam.
Bà Khổng Đông Mai
Song cùng với việc chế tác quan tài là công tác bảo quản thi hài. Tối 9/9/1976, Bộ Chính trị họp khẩn, nhưng chỉ quyết định bảo quản thi thể để mọi người đến viếng với thời gian 15 ngày. Ngay sau khi nhận lệnh, nhân viên y tế chỉ xử lý bình thường như tiêm cồn, phoóc-môn, dầu cọ… vào thi thể để chống phân hủy. Nhưng sau đó ông Hoa Quốc Phong lại quyết định bảo quản lâu dài thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đây là một vấn đề lớn đối với nhân viên y tế vì thông thường sau khi chết 2 giờ, thi thể phải được giải phẫu, lấy nội tạng, dùng hóa chất tẩy rửa mọi mạch máu trong cơ thể, sau đó ngâm vào phoóc-môn và một số hóa chất khác. Tổ nghiên cứu bảo quản thi hài gồm Giáo sư Lưu Tương Bình, Ngô Giới Bình, Lâm Quân Tài, Từ Tĩnh, Lý Chí Thỏa được thành lập ngày 11/9/1976 do Ngô Giới Bình phụ trách.
Ngày 18/9/1976, lễ truy điệu kết thúc, Trung ương đảng cho chuyển thi hài đến một địa điểm gọi là 769. 3 giờ 50 phút sáng 20/9/1976, đoàn xe chở thi hài Mao Trạch Đông chạy đến 769, đi cùng có Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Lưu Tương Bình, Hoàng Thụ Tắc và các nhân viên tổ bảo quản thi hài: Ngô Giới Bình, Lâm Quân Tài, Từ Tịnh. Tại 769 có một thùng lớn làm bằng titan đổ đầy dung dịch thuốc để ngâm thi hài. Sáng sớm 20/7/1977, đoàn xe chở thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông xuất phát từ 769 chạy vào Nhà kỷ niệm theo phương án đã định và trưa hôm đó thi hài đã được đưa vào trong quan tài. Sau đó, cứ sau sinh nhật Chủ tịch Mao Trạch Đông, người ta tạm ngừng mở cửa nhà tưởng niệm để ngâm thi hài trong dung dịch một thời gian, bổ sung phần nước đã bị mất.
Hậu duệ của Mao
Với tổng tài sản trị giá gần 5 tỉ NDT (khoảng 817 triệu USD), Khổng Đông Mai, cháu ngoại Mao Trạch Đông đã lọt vào top 500 người giàu nhất Trung Quốc năm 2013 do Tạp chí New Fortune ở Quảng Đông bình chọn. Khổng Đông Mai và chồng là ông Trần Đông Thắng (người sáng lập nhà bán đấu giá đầu tiên của Trung Quốc Guardian và hãng bảo hiểm Thái Khang lớn thứ 4 ở Trung Quốc) đứng thứ 242 trong bảng xếp hạng thường niên 500 người giàu nhất Trung Quốc. Khổng Đông Mai từng tốt nghiệp trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh và lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Pennsylvania, Mỹ năm 1999, là con gái Lý Mẫn, người duy nhất còn sống của Mao Trạch Đông với Hạ Tử Trân.
Phong bì viết tay của Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi ông Bạc Nhất Ba
Vì là cháu nội duy nhất của Chủ tịch Mao Trạch Đông nên ông Mao Tân Vũ được mọi người gọi là đích tôn. Nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (1/8/1927 - 1/8/2010), ông Mao Tân Vũ không những trở thành vị tướng trẻ nhất quân đội, mà còn là Thiếu tướng đầu tiên của thế hệ 7X. Sau khi trở thành Thiếu tướng, ông Mao Tân Vũ là cấp dưới trực tiếp của Chính ủy Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ (1959-1968), người được phong hàm Thiếu tướng hồi tháng 7/2009. Sinh ra (17/1/1970) trong gia đình có bố là Mao Ngạn Thanh, Trung tá Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự (chết ngày 25/3/2007), mẹ là Thiếu tướng Lưu Thiệu Hoa, Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Trung Quốc (chết ngày 24/6/2008), nên ông Mao Tân Vũ luôn tìm cách phát huy truyền thống gia đình. Tấm bằng Tiến sĩ do Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cấp với đề tài “Nghiên cứu tư tưởng chiến lược Mao Trạch Đông” (tháng 7/2003) là minh chứng rõ nhất cho nhận định kể trên.
Bức ảnh “Lư Sơn thần tiên động” do Giang Thanh chụp năm 1961
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nhân dân Trung Quốc (khoa Lịch sử, chuyên sâu đời Minh và đời Thanh), ông Mao Tân Vũ tiếp tục theo học (từ tháng 9/1992 đến tháng 7/1995) và lấy bằng Thạc sỹ tại trường Đảng trung ương. Sau đó được đề bạt làm Phó Trưởng ban nghiên cứu chiến lược và lý luận quân sự, rồi Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược và học thuyết chiến tranh của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. Trước khi được phong hàm Thiếu tướng, ông Mao Tân Vũ là Uỷ viên Chính hiệp khu Tây thành, thủ đô Bắc Kinh, là Ủy viên thường vụ Đoàn thanh niên toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa.
Ngày 27/6/2008 (chỉ 3 ngày sau khi mẹ qua đời) ông Mao Tân Vũ đã công bố “Gia phong của Mao gia”. Đây là lần đầu tiên “Gia phong của Mao gia” được công bố công khai. Khi đó, ông Mao Tân Vũ cho biết: “Gia phong của Mao gia” là tài sản vô giá của gia đình và sẽ tiếp tục được lưu truyền cho hậu thế bởi ông nội (Mao Trạch Đông) luôn dạy bác Mao Ngạn Anh và mẹ cũng thường dạy phải “lặng lẽ làm người”, phải phát huy truyền thống “liêm khiết” của gia đình. “Lặng lẽ làm người” và “liêm khiết” vốn là 2 quan niệm không giống nhau, nhưng lại là nội dung chính trong “Gia phong của Mao gia”.
Ngày 25/12, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông kể từ năm 1949, Trung Quốc đã thay đổi diện mạo từ chỗ yếu nhược trở nên độc lập tự chủ, không sợ cường quyền. Tuy nhiên, trong quá trình hoạch định chính sách, phương châm xây dựng nước Trung Quốc mới, Mao Trạch Đông đã phạm những sai lầm nghiêm trọng khiến đất nước này phải chịu tổn thất to lớn không thể bù đắp nổi về kinh tế cũng như văn hóa.
Theo kết quả khảo sát của tờ Thời báo Hoàn Cầu, 91,5% người được hỏi bày tỏ ngưỡng mộ hoặc tôn trọng Mao Trạch Đông, 81,5% nhận xét Mao Trạch Đông công lớn hơn tội, 90,9% cho rằng thời đại Mao Trạch Đông vẫn còn ảnh hưởng đến Trung Quốc ngày nay.
Sau khi Mao Chủ tịch qua đời, có khá nhiều cuốn sách viết về ông, trong đó có cuốn "Đời sống riêng của Mao Trạch Đông" do Lý Chí Tuy, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông viết và cuốn "Sự chân thật của lịch sử" do Lâm Khắc (từng là thư ký kiêm giáo viên dạy tiếng Anh cho Mao Chủ tịch) cùng vợ chồng Từ Đào-Ngô Húc Quân liên danh viết.
Sau khi Lý Chí Tuy chết (chiều 13/2/1995, thọ 75 tuổi tại Mỹ), người ta đã in tái bản trái phép cuốn "Đời sống riêng của Mao Trạch Đông" và bán tại chợ đen với giá 500-700 NDT tại Quảng Châu, Thâm Quyến, 800 NDT tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Từ khi cuốn "Đời sống riêng của Mao Trạch Đông" ra đời đã có những ảnh hưởng nhất định tới đời sống chính trị, xã hội của không ít người Trung Quốc.
|
Đông Ngàn - Từ Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét