Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

ÔNG TỔ NGHỀ DỆT THỦ CÔNG Ở QUẢNG NAM



LỊCH SỬ CHIẾC MÁY DỆT CẢI TIẾN QUẢNG NAM

Trần Gia Phụng

Bài nầy được viết lại để chào mừng Đại hội Đồng hương Quảng Nam Toronto và vùng phụ cận sẽ diễn ra vào  lúc 6:30 chiều tối Thứ Bảy 10-11-2012,  tại nhà hàng Kingsley, 50 Kennedy S., Brampton.

*

Kỹ nghệ dệt Việt Nam xuất hiện rất sớm, cung cấp vải cho dân chúng sử dụng, nhưng phát triển mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 20 nhờ sáng kiến của một nhân vật Quảng Nam, ông Cửu Diễn.

Cửu là cửu phẩm, phẩm hàm do triều đình Huế ban tặng, Diễn là tên người con gái đầu, vì ở Quảng Nam có tục lệ kiêng cữ tên tộc, lấy tên người con đầu, dầu là trai hay gái, để gọi người cha.  Ông Cửu Diễn tên thật là Võ Dẫn, sinh năm 1897 (Đinh Dậu), tại làng Thi Lai, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nay đổi là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ông Võ Dẫn hay ông Diễn xuất thân trong một gia đình Nho học, cha là tú tài Võ Chánh, làm nghề dạy học (thầy đồ) trong làng; chú là Võ Lượng, đỗ cử nhân trường thi Thừa Thiên năm 1894 (giáp ngọ), chết trẻ khi mới ra làm quan.  Ông Võ Dẫn học chữ Nho 3 năm, rồi chuyển qua học chữ Quốc ngữ .  Lúc đó phong trào Duy tân nổi lên rất mạnh tại Quảng Nam.  Ông Võ Dẫn đậu Sơ học yếu lược, rồi nghỉ học và lập gia đình năm 1915. Vào thời nầy, bậc tiểu học Việt Nam gồm 6 năm học:  sau 3 năm đầu, thi lấy bằng sơ học yếu lược; học tiếp 3 năm, thi lấy bằng tiểu học. 

Nhờ có chút ít chữ nghĩa, chữ Nho lẫn chữ Quốc ngữ, ông Võ Dẫn được đề cử làm lý trưởng  làng Thi Lai năm 1922.  Lý trưởng đứng đầu làng, trông coi việc hành chánh trong làng.  Tính tình ông rất thanh liêm, khẳng khái nên được dân chúng quý trọng, nhưng ngược lại, ông bị viên chánh tổng tên là Bãi hạch sách.  Tổng là đơn vị hành chánh trên làng dưới huyện.  Ông Võ Dẫn bất bình chống đối và bỏ làm lý trưởng.  Chính nhờ nghỉ làm hương chức, ông Võ Dẫn quay qua nghiên cứu ngành dệt và cuối cùng để lại cho đời sau những sáng chế quý giá.

Nguyên sau khi nghỉ việc, ông Võ Dẫn vào Sài Gòn thăm người anh ruột.  Con ông anh tức cháu ông Võ Dẫn, đang làm việc ở xưởng dệt của người Pháp.  Người nầy đưa ông Dẫn vào xem xưởng máy.  Người cháu chỉ là một công nhân tầm thường, không chức phận, nên ông Dẫn chỉ được lấp ló ngoài cửa nhìn vào các khung dệt Tây (Pháp), chứ không được vào quan sát trực tiếp tận mắt tại chỗ.

Nhận thấy các máy dệt Tây vừa tiện lợi, vừa đạt năng suất cao, vừa ít tốn sức lao động, trong khi lúc đó, máy dệt người Việt còn theo lối cổ truyền.  Khung dệt cũ rộng tối đa là 4 tấc.  Một người ngồi dệt vất vả, hai tay điều khiển con thoi, chân đạp nặng nhọc, năng suất hằng ngày khoảng từ 6 đến 7 thước hàng.  Khi về lại Quảng Nam, ông Võ Dẫn kiếm cách đóng máy dệt kiểu mới của Pháp theo khuôn khổ cũ, nhưng không thành công.  Ông Võ Dẫn lại phải khăn gói vào Sài Gòn hai lần nữa để quan sát cho thật kỹ.  Sau đó ông về Quảng Nam đóng đi đóng lại nhiều lần nhưng cũng đều bị thất bại.

Ông Võ Dẫn còn ra Huế thăm các xưởng dệt người Tàu ở vùng Gia Hội, nhìn trộm kiểu máy dệt của họ để bổ túc vào những hiểu biết của ông khi quan sát các xuởng dệt Pháp ở Sài Gòn.  Mỗi lần thử nghiệm là mỗi lần tốn kém đến nỗi ông phải bán hết tài sản trong nhà để mua vật liệu làm thử.  Cả mẹ ông và vợ ông đều chán nản, khóc lóc yêu cầu ông chấm dứt việc thử nghiệm sản xuất nầy, nhưng ông Võ Dẫn vẫn nhất quyết tiếp tục tiến hành công việc của mình.  Có lần hết tiền mua gỗ để làm khung, ông Võ Dẫn đã xẻ luôn bộ phản ngựa trong nhà để sử dụng.  Bộ phản ngựa là tài sản quý giá trong nhà, gồm nhiều tấm ván dày, gỗ tốt, ghép lại với nhau, dùng thay giường nằm.

May thay, đến năm 1934, việc thử nghiệm thành công.  Chính khung dệt cải tiến kiểu mới nầy là cơ sở cho các khung dệt nội địa Việt Nam ngày nay.  Máy dệt đạp bằng chân, về sau người ta thay bằng dây couroir, chạy điện.  Lúc đó, mỗi ngày mỗi người dệt được 20 thước, tăng gấp 3 lần năng suất cũ mà ít tốn sức lao động hơn.  Người ta đổ xô tới quan sát và tìm hiểu máy dệt mới.  Có người khuyên ông Võ Dẫn nên đem mẫu mã máy dệt mới nầy cầu chứng tại Tòa công sứ Pháp ở Hội An, nhưng ông nói rằng mình sáng chế chung cho ngành dệt, ai bắt chước được thì cứ làm mà sử dụng.

Năm 1935, ở Hội An có cuộc Hội chợ đấu xảo toàn tỉnh Quảng Nam (ngày nay gọi là Hội chợ triển lãm).  Ông Võ Dẫn đưa máy dệt cải tiến của mình đến đó trình bày.  Máy dệt mới nầy rất được dân chúng hoan ngênh.  Ông được chính quyền tặng hàm cửu phẩm năm 1936, nên từ đó có tên là ông Cửu Dẫn, nhưng để tránh tên tộc, người gọi là ông Cửu Diễn.  Sau hội chợ Hội An, máy dệt nầy được đưa đi triển lãm khắp nơi trong nước.

Trong khi đó, ông Cửu Diễn không ngừng nghĩ cách canh tân máy dệt.  Từ khung 3 tấc rưởi (0,35m.), ông đã tăng lên khung 7 tấc rưỡi (0,75 m.) năm 1935.  Ông cũng làm cho máy tăng năng suất lần lần lên 20 thước trong 8 giờ.  Chất lượng vải càng ngày càng được cải thiện.  Năm 1936, ông Cửu Diễn lại thành công trong việc sản xuất vải bông.

Từ đó, ông Cửu Diễn sản xuất khung dệt để bán rộng rãi khắp nước, đưa ngược máy dệt vào Sài Gòn tiêu thụ.  Ông Hoàng Trọng Phu, lúc đó đang làm tổng đốc ngoài Bắc Kỳ, con của Hoàng Cao Khải, đã đưa người từ Hà Đông, một vùng vốn nổi tiếng về tơ lụa, vào học nghề ông Cửu Diễn, ăn ở trong nhà nhiều khi lên 7 hay 8 người.

Năm 1938, ông Cửu Diễn đưa khung dệt qua tham dự Hội chợ đấu xảo Nam Vang, thủ đô Cao Miên (Cambodia), được triều đình Huế phong hàm bát phẩm kiêm Hàn lâm viện Kiểm bộ, có bài ngà đeo trước ngực, nên từ đây dân chúng gọi ông là ông Nghè Diễn.

Công việc làm ăn càng ngày phát đạt,  Ông Nghè Diễn sắm một chiếc xe hơi hiệu Renault Primaquatre, tự tay ông lái để chuyên chở hàng hóa.  Thời đó, khoảng năm 1940, ở một vùng nông thôn hẻo lánh tại Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, mà một tư nhân nhà quê sắm được một chiếc xe hơi du lịch để đi lại, là một hiện tượng hiếm có rất được truyền tụng.

Năm 1946, cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, ông Nghè Diễn cùng gia đình chạy tản cư vào Quảng Ngãi.  Tại đây, ông được chỉ định làm Quản đốc xưởng dệt Việt Thắng ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành.  Bên cạnh ngành dệt, ông có nhiều sáng kiến mới, như ông cải tiến máy tưới do trâu kéo thay vì dùng người đứng tác nước, năng suất tăng gấp 5 lần.

Cũng tại Quảng Ngãi, về ngành dệt, ông Nghè Diễn đưa ra hai sáng kiến quan trọng:  Thứ nhứt là ông sáng chế khung nhỏ chạy bằng 3 thoi, dệt ruban khổ 1,5 cm, cung cấp cho các máy đánh chữ vì lúc đó không có ruban của Pháp.  Thứ hai là ông sản xuất nịt vải để thay thế nịt da.  Nguyên lúc đó, vì nhu cầu tăng gia sản xuất nông nghiệp, nhà cầm quyền Việt Minh ra lệnh ngưng giết trâu bò nên không có da để làm nịt.  Ông Nghè Diễn nghĩ ra cách dệt nịt vải, có dây luồn vào cho chắc chắn, nhưng giá thành hơi cao.  Về sau, Việt Minh bãi bỏ lệnh giết trâu bò, nên người ta lại quay qua dùng da sản xuất nịt.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, ông Nghè Diễn hồi cư về quê ở Quảng Nam và gây dựng cơ đồ sản xuất trở lại.  Ông bắt đầu nghĩ đến việc nghiên cứu máy ươm tơ, một ngành vệ tinh của ngành dệt.

Cách thức thao tác máy ươm tơ cổ truyền gồm 3 người: một người ngồi quay gương tơ, một người kéo thao càng, một người tranh tơ, chỉ tranh được 2 mối tơ và mỗi ngày đạt năng suất tối đa là 4 lạng tơ.  Năm 1960, ông Nghè Diễn chế thành công máy ươm tơ kiểu mới gồm một nồi chaudière lớn, chuyền nước vào các nồi ươm, chạy được 100 mối; mỗi ngày ra được 30 ký lô tơ.

Năm 1962, ông Nghè Diễn thiết kế một nhà máy ươm tơ lớn tại thôn Hai, xã Xuyên Trường, quận Duy Xuyên, tức thôn Hai xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên ngày nay.  Phần dàn sắt của nhà máy nầy do nhà thầu Trịnh Văn Để ở Đà Nẵng phụ trách thi công.

Lúc đó, Trung Tâm Khuếch Trương Tiểu Công Nghệ Đà Nẵng đưa một phái đoàn kỹ sư Nhật Bản đến tìm hiểu nhà máy ươm tơ Xuyên Trường.  Người Nhật rất khâm phục cách thiết kế nhà máy ươm tơ nầy và đã cắc cớ hỏi ông Nghè Diễn: "Ngài tốt nghiệp từ trường đại học nào?”  Ông Nghè Diễn cười lớn bảo rằng: "Chỉ tốt nghiệp sơ học yếu lược, còn dưới bằng tiểu học nữa.”  Tuy nhiên phái đoàn Nhật không chịu tin và cứ tưởng ông nói đùa.

So với tầm cỡ ngành dệt ở QuảngNam lúc bấy giớ, nhà máy ươm tơ xã Xuyên Trường là một cơ sở đồ sộ, nhưng rất tiếc, vì thiếu kinh nghiệm, ông Nghè Diễn không nghiên cứu kỹ địa hình nơi thiết lập nhà máy ươm tơ.  Đây là một vùng đất thấp nên trận lút kinh hoàng năm 1964 đã tràn ngập và phá hủy toàn bộ nhà máy ươm tơ.

Sau thất bại nầy, ông Nghè Diễn vào Sài Gòn.  Tại đây ông làm cố vấn kỹ thuật cho Liên Hiệp Hợp Tác Xã Dệt Sài Gòn.  Lúc ấy đã thất tuần, bước vào tuổi cổ lai hy, ông Nghè Diễn về sống với người con trai tại số 15 đường Thái Phiên Đà Nẵng.  Chính trong thời gian nầy, người viết thường hay đến thăm hỏi ông Nghè Diễn, có khi đi một mình, có khi đi với nhà văn Nguyễn Văn Xuân.  Chúng tôi được ông kể lại một cách sôi nổi cuộc đời hoạt động đầy kịch tính của ông.  Rất tiếc những ghi chép lúc đó bị tịch thu chung với tủ sách gia đình của người viết sau biến cố 1975.

Sau biến cố năm 1975, ông Nghè Diễn vào Sài Gòn thăm người con gái đầu sinh sống tại Ngã Tư Bảy Hiền, quận Tân Bình.  Ông từ trần tại đây ngày 27-10-1975 (23-9 năm ất mão), và được an táng tại nghĩa trang Trung Việt Ái Hữu (nghĩa trang Gò Dưa), huyện Thủ Đức, cách Sài Gòn khoảng 15 cây số.  Dân chúng sống về nghề dệt ở khu vực dệt Ngã Tư Bảy Hiền, Tân Bình, gồm đa số là người Quảng Nam, xin lập tượng ông tại nơi ông thường cư ngụ lúc sinh tiền để kỷ niệm, nhưng nhà cầm quyền cộng sản không cho phép.

Phần chính của bài viết nầy vừa dựa vào trí nhớ những điều người viết đã từng hầu chuyện với ông Võ Dẫn tức ông Cửu Diễn tại Đà Nẵng trước năm 1975, vừa dựa theo lời kể của người con thứ ba của ông Nghè Diễn là ông Võ Văn Quán, mà người viết đã nhiều lần gặp gỡ và hỏi chuyện tại Sài Gòn trước khi cả hai chúng tôi đều ra nước ngoài sinh sống.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 27-10-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét