Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

John Lennon và 6 bài hát có ảnh hưởng nhất



Sau đây là 6 bài hát có ảnh hưởng mạnh mẽ và sức sống trường tồn nhất với giọng ca John Lennon, cả khi hoạt động cùng tứ quái huyền thoại The Beatles từ 1957 đến 1970 lẫn khi tách ra solo trong suốt thập niên 70, do trang Christian Science Monitor  tổng hợp:
1. “I Want to Hold Your Hand” - The Beatles (1963) 
The Beatles hát “I Want to Hold Your Hand” trong những năm 1960.
The Beatles hát “I Want to Hold Your Hand” trong những năm 1960.
Từ năm 1963 và nhiều năm về sau, các cô gái vẫn không ngừng la hét khi bốn chàng The Beatles đẹp trai đứng trước mắt họ và cùng hát “Tôi muốn nắm tay em”. Đây là đĩa đơn thứ 6 của The Beatles tại Anh và là một trong những ví dụ tiêu biểu cho các ca khúc đồng sáng tác đỉnh cao của John Lennon - Paul McCartney. John từng nói ông và Paul sáng tác ca khúc khi đang “ngồi bên nhau, nhìn vào mắt nhau” trong một “căn phòng nhỏ bề bộn” vào năm 1963. Sau khi phát hành, “I Want to Hold Your Hand” đã hạ bệ một đĩa đơn khác của The Beatles, “She Loves You”, trên bảng xếp hạng âm nhạc Anh, lập kỷ lục bài hát chiếm vị trí số một “thần tốc” nhất trong lịch sử âm nhạc Anh. Đây cũng là bài hát đầu tiên của tứ quái đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ.
“I Want to Hold Your Hand” được tạp chí Rolling Stone, Bảo tàng danh vọng Rock & Roll, Hiệp hội ngành công nghiệp ghi âm Mỹ ghi nhận là một trong những bài hát quan trọng nhất trong lịch sử nhạc rock.
2. “Tomorrow Never Knows” - The Beatles (1966)
Bìa album Revolver
Bìa album "Revolver" (1966).
Bài hát nằm trong album "Revolver", được ghi âm khi John đang trong trạng thái lâng lâng vì ma túy và cũng là ca khúc đầu tiên trong lịch sử âm nhạc có quá trình ra đời lạ lùng như vậy.
“Tomorrow Never Knows” dồn dập, đầy ảo giác, là kiệt tác đàn một dây đóng mác Lennon - McCartney khác, bài hát do John sáng tác chính với cảm hứng lấy từ cuốn “Tử thư Tây Tạng” (Tibetan Book of the Dead). Đây cũng là bài hát phiêu lưu nhất của The Beatles tính đến lúc đó.
Trong cuốn tiểu sử “The Beatles: The Biography” của Bob Spitz, tác giả khẳng định trong “Tomorrow Never Knows”, John đặt mục tiêu tạo nên một âm thanh nghe như “100 nhà sư Tây Tạng đang tụng kinh” bằng chính giọng hát của mình kết hợp với các âm thanh khác như tiếng chim mòng biển, dàn nhạc giao hưởng, đàn sitar, đàn guitar, thậm chí treo micro lên quạt trần đang quay để ghi lại âm thanh từ đàn organ.
3. “Strawberry Fields Forever” - The Beatles (1976) 
Khu tưởng niệm Strawberry Fields ở New York, Mỹ.
Khu tưởng niệm Strawberry Fields ở New York, Mỹ.
Bài hát là khúc khải hoàn hoài cổ và buồn vui lẫn lộn về thời thơ ấu của John ở Liverpool, thành phố cảng nước Anh, với sự xuất hiện của bộ tứ huyền thoại The Beatles: John Lennon, McCartney, George Harrison và Ringo Starr. Giọng ca chính John tự mô tả bài hát như một “bản phân tích tâm lý bằng âm nhạc”. Đây là đĩa đơn đầu tiên của The Beatles lập thành tích ngược, không đoạt ngôi quán quân ở bất cứ bảng xếp hạng nào. Ringo Starr vui vẻ nói về điều này: “Điều đó làm giảm áp lực đè nặng lên chúng tôi”.
Mặc dù vậy, “Strawberry Fields Forever” được giới phê bình hết lời ca ngợi. Tạp chí Time gọi đó là “sáng tạo đáng kinh ngạc mới nhất của The Beatles”, còn Rolling Stone sau đó xếp “Strawberry Fields Forever” ở vị trí thứ 3 trong danh sách Những bài hát nhạc rock hay nhất mọi thời đại.
4. “A Day in the Life” - The Beatles (1967) 
Bìa album “Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band
Bìa album “Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band" (1967). Từ trái sang: Ringo Starr, John Lennon, McCartney và George Harrison.
Bài hát nằm trong album có cái tên dài ngoằng “Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band”, gồm hai thành phần riêng biệt: phần đầu và cuối ảm đạm của John như một chiếc sandwich bao phủ khúc giữa rất tươi sáng của Paul. Hai phần được kết nối với nhau với âm thanh dàn nhạc đệm ồn ào, hỗn tạp, âm lượng càng lúc càng tăng.
Lời hát ám ảnh của John lấy cảm hứng từ cái chết do tai nạn xe hơi của một người bạn năm 1966, hoàn toàn đối lập với “cây cầu” của Paul kể về một người đàn ông thường rơi vào những giấc mơ ngay trong chính cuộc sống thường ngày.
“A Day in the Life” là bài hát cuối cùng trong “Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band”, album được nhà phê bình Stephen Thomas Erlewine của Allmusic đánh giá là album quan trọng nhất của The Beatles. Kể từ “Sgt. Pepper”, trong âm nhạc không còn một quy luật nào nữa, các ban nhạc có thể thử nghiệm bất kỳ thứ gì họ muốn, dù hay hơn hoặc dở hơn.

  
“A Day in the Life” được nhà soạn nhạc Paul Grushkin cho là “một trong những tác phẩm đầy hoài bão, có ảnh hưởng sâu đậm, đột phá nhất trong lịch sử nhạc pop”.

5. “Give Peace a Chance” - John Lennon (1969) 
John Lennon và Yoko Ono nằm trên giường khi thu âm "Give Peace a Chance" năm 1969.
Bài hát lấy cảm hứng chủ đạo từ cuộc chiến tranh mà Mỹ gây nên tại Việt Nam và phản ánh thái độ phản chiến rõ rệt của John. Ông sáng tác bài hát này trong thời gian đi nghỉ trăng mật cùng Yoko Ono sau đám cưới vào tháng 3/1969. John thu âm bài hát lần đầu tiên ngay trên giường ngủ, trên nền nhạc guitar tự đệm. Trong căn phòng lúc đó tràn ngập các nhà báo, nhà nhiếp ảnh và các nghệ sĩ nổi tiếng. John hát một cách ngẫu hứng, thậm chí nhiều chỗ ông còn không nhớ nổi lời hát và phải ứng biến, bản thu xen lẫn tiếng bình luận ồn ã của những người thưởng thức.
Tháng 10/1969, John hát “Give Peace a Chance” trước khoảng 500.000 người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam ở Washington. “Hãy cho hòa bình một cơ hội”, sau này, lời hát đó nhiều lần được cất lên bởi rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại như U2, Paul McCartney, Joni Mitchell, Louis Armstrong và Elton John.
6. “Imagine” - John Lennon (1971) 
Ước nguyện hòa bình của John được gửi gắm trong
Ước nguyện hòa bình của John được gửi gắm trong "Imagine".
Đây là bài hát chủ đề trong album cùng tên của John phát hành năm 1971 và cũng là bài hát thành công nhất, đáng nhớ nhất trong sự nghiệp solo của huyền thoại người Anh.
Sau album solo đầu tiên “John Lennon/Plastic Ono Band” thổ lộ những đổ vỡ trong đời sống riêng và trong tâm hồn, John chuyển sang đề tài chính trị trong album thứ hai “Imagine”. Đây cũng là album thành công nhất về khía cạnh thương mại của ông.
Sau này, John từng nói hãy coi “Imagine” như một phiên bản dịu dàng hơn của “Working Class Hero” (Anh hùng của giai cấp lao động), bài hát nằm trong album “John Lennon/Plastic Ono Band”.
“Imagine” là một bản cáo trạng cay đắng của ông về giai cấp tư sản. Bất chấp tư tưởng gây tranh cãi, bài hát vẫn thành công rực rỡ trên thị trường âm nhạc nhờ giai điệu tha thiết và giọng ca ngập tràn hy vọng của John. Nhiều người không thể quên được tiếng piano đầy tâm trạng của John, cũng như không mấy ai làm được như ông, biến một tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ thành một bài hát hàng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc.
Pham Mi LyẢnh: Newscom

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét