Các vua Hùng trị vì bao nhiêu năm?
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, triều đại các vua Hùng ở Việt Nam bắt đầu khi vua Kinh Dương Vương lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Triều đại này kéo dài đến năm Quý Mão (258 TCN) thì kết thúc với 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Tính trung bình, mỗi thời vua Hùng Vương kéo dài tới… 150 năm. Đây rõ ràng là một con số khó tin. Vì vậy, nhiều sử gia đã tỏ ý nghi ngờ và đưa ra các cách lý giải khác nhau về niên đại của thời kỳ Hùng Vương.
Theo đó, con số 18 ở đây không phải 18 đời vua mà là 18 ngành vua, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một nhành mới đặt vương hiệu mới. Nếu tính như vậy thì có thể có đến 180 đời vua Hùng, và thời gian trị vì trong 2.622 năm là hoàn toàn hợp lý.
Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 – 400 năm và niên đại kết thúc là khoảng năm 208 TCN chứ không phải là năm 258 TCN.
Ai sát hại Vua Đinh Tiên Hoàng?
Sử sách chính thống của Việt Nam đều ghi rằng người giết chết Đinh Tiên Hoàng - vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt là hoạn quan Đỗ Thích. Sử chép rằng, viên quan này mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn.
Tuy vậy, nhiều sử gia đã bày tỏ sự hoài nghi với các ghi chép này, vì Đỗ Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh, dù có gan đến mấy cũng không thể liều lĩnh đến như vậy được. Một giả thuyết được đặt ra: Đỗ Thích chỉ là tấm bình phong che đậy cho thủ phạm thực sự, Lê Hoàn và Dương Vân Nga mới chính là thủ phạm.
Theo lý giải, việc Lê Hoàn làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh cùng với việc các trung thần chống đối có thể là biểu hiện cho thấy mưu đồ chiếm ngôi của Lê Hoàn. Hành động của Lê Hoàn nhiều khả năng đã có sự trợ giúp của Dương Vân Nga.
Dương Vân Nga, có thể giữa bà và các hoàng hậu khác (Tiên Hoàng có những 5 hoàng hậu) đã xảy ra cuộc đua giữa họ về tương lai của ngôi thái tử. Do yếu thế trong cuộc cạnh tranh này, Dương Vân Nga đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa.
Do vậy, dù động cơ có phần khác nhau, Dương hậu đã cùng Lê Hoàn tiến hành vụ ám sát chấn động lịch sử và dùng Đỗ Thích như một hình nhân thế mạng.
Lê Long Đĩnh có thật là vị vua tồi tệ nhất lịch sử?
Trong chính sử Việt Nam, Lê Long Đĩnh được mô tả là người bạo - ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Ông nổi danh vì những thú vui tàn ác như tra tấn tù binh bằng các cách thức mạn rợ, lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc cho tóe máu… Do sống dâm dục quá độ nên Lê Long Đĩnh mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là “Ngọa-triều".
Tuy vậy giới sử học Việt Nam gần đây đã có những cách nhìn khác về vị vua tai tiếng này.
Nhiều nguồn sử liệu khẳng định, Lê Long Đĩnh là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng cho Phật giáo và sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu cũng như các cao tăng khác thời đó đều được Lê Long Đĩnh rất trọng vọng... Và một ông vua đề cao Phật pháp như vậy có thể nào "lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc" ?
Trước khi chết ở độ tuổi 24, Lê Long Đĩnh còn chăm lo việc đào kênh, mở mang đường sá và đến tận nơi xem xét rồi xuống chiếu đóng thuyền bè đi lại cho dân. Một ông vua suốt ngày ham mê tửu sắc không đi lại được đến mức phải "ngọa triều", ông vua đó có thể làm được những chuyện ý nghĩa như vậy không?
Không chỉ vậy, trong 4 năm làm vua, Lê Long Đĩnh đã 6 lần trực tiếp cầm quân ra trận, lần cuối cùng chỉ cách 2 tháng trước khi ông mất. Cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải có sức vóc, người "dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được" sao có thể cáng đáng nổi?
Ai là tác giả bài thơ Nam Quốc Sơn Hà?
Bài thơ Nam quốc sơn hà được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, gắn với tên tuổi của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-1105) và thắng lợi trước quân Tống xâm lược tại sông Như Nguyệt. Hiện nay, nhiều người vẫn ngộ nhận tác giả bài thơ là Lý Thường Kiệt.
Tất cả sử liệu Việt Nam, từ chính sử đến dã sử đều không nhắc đến tác giả bài thơ. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi rằng, vào một đêm, quân sĩ nhà Lý chợt nghe thấy có tiếng đọc to bài thơ này được trong đền Trương tướng quân. Trong khi đó, sách Lĩnh Nam Chích Quái cho rằng "Thần nhân tàng hình ở trên không” đã đọc bài thơ. Cũng theo Lĩnh Nam Chích Quái, bài thơ đã xuất hiện từ thời Lê Hoàn chống Tống, và cũng được đọc trên con sông Như Nguyệt.
Nguồn gốc bí ẩn đó đã khiến Nam quốc sơn hà được người đời coi là một bài thơ Thần.
Một số sử gia thời hiện đại đã đưa ra giả thiết tác giả bài thơ là những bậc đại sư như Khuông Việt hay Pháp Thuận, nhưng tính thuyết phục không cao vì chỉ dựa vào mối quan hệ của các Thiền sư với các vua thời đó.
Công chúa Huyền Trân tư thông với Trần Khắc Chung?
Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay) cho nhà Trần làm của hồi môn để lấy Huyền Trân. Vua Trần đã đồng ý gả công chúa.
Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm hoàng hậu. Một năm sau, bà sinh cho Chế Mân một hoàng tử, đặt tên là Chế Đa Đa. Ít lâu sau Chế Mân băng hà, nhà Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang.
Theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua chết hoàng hậu phải lên dàn hỏa thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông biết điều này bèn sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang rồi tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung đã bày kế thành công và cứu được Huyền Trân, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển.
Theo một số nguồn sử liệu, cuộc hành trình về nước của công chúa Huyền Trân đã kéo dài tới một năm, và bà đã tư thông với Trần Khắc Chung trong khoảng thời gian đó.
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "..hai người tư thông với nhau, trùng trình ở trên mặt biển, lâu lắm mới về đến kinh sư. Hưng Nhượng vương Quốc Tảng lấy làm ghét lắm, hễ thấy Khắc Chung liền mắng rằng: ‘Họ tên người này là "Trần Khắc Chung", đối với nước nhà có điều không tốt, có lẽ nhà Trần sẽ mất về người này chăng?’. Khắc Chung thường phải sợ mà lánh mặt..".
Tuy vậy cũng có một số sử gia đưa ra các lý lẽ khác nhau để minh oan cho Công chúa Huyền Trân. Có lẽ, thực hư của câu chuyện này ra sao mãi mãi là một ẩn số trong lịch sử Việt Nam.
Ai là thủ phạm trong thảm án Lệ Chi Viên?
Cho đến nay, vụ án Lệ Chi Viên với cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông và việc tru di tam tộc quan đại thần Nguyễn Trãi vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi của giới nghiên cứu sử học Việt Nam.
Theo sử sách, ngày 4/8/1442, vua về Lệ Chi (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với Vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40, rất được nhà vua yêu quý vì sắc đẹp, văn hay. Tại Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà.
Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ít lâu sau đó. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ.
Sau này, nhiều sử gia đã tán đồng với giả thuyết cho rằng chủ mưu vụ án chính là Nguyễn Thị Anh - vợ thứ vua Lê Thái Tông.
Về động cơ, thứ nhất là do bà đã có sẵn tư thù với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Thái tử Bang Cơ không phải là con Vua Thái Tông, sợ Nguyễn Trãi gièm pha nên bà đã sai người sát hại vua rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Vì sao vua Quang Trung băng hà?
Vào tuổi tứ tuần, giữa lúc chuẩn bị mở một chiến dịch tổng lực để tiêu diệt liên minh Nguyễn Ánh - Pháp, hoàn thành việc thống nhất đất nước; đồng thời nỗ lực giành lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông từ nhà Thanh, hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Biến cố này là một trong những nghi vấn lớn nhất của lịch sử Việt Nam.
Theo chính sử nhà Nguyễn, hoàng đế Quang Trung chết vì một chứng bệnh kỳ bí, bắt đầu từ một cơn đột quỵ khiến ông rơi vào trạng thái mê man nhiều ngày. Chứng bệnh này sử gia nhà Nguyễn giải thích như sự trừng phạt của thần thánh dành cho việc quân đội của ông đã xâm phạm các tôn lăng của chúa Nguyễn khi chiếm thành Phú Xuân (Huế).
Nếu gạt bỏ những yếu tố hoang đường và dụng ý chính trị thì những mô tả trong Ngụy Tây liệt truyện đã hé mở phần nào nguyên nhân dẫn đến cái chết của vua Quang Trung trên phương diện y học hiện đại.
Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu ngày nay, nhiều khả năng vị hoàng đế vĩ đại của nhà Tây Sơn đã bị suy sụp bởi một cơn tăng huyết áp đột ngột và qua đời vì tai biến mạch máu não.
Ngoài ra, còn một giả thuyết khác khá hoang đường khác về cái chết của vua Quang Trung, đó là ông đã bị trúng tà thuật từ chiếc áo bị yểm bùa do vua Càn Long của nhà Thanh ban tặng. Một biến thể của giả thuyết này là chiếc áo kể trên đã bị tẩm thuốc độc.
Vợ con của Hoàng tử Cảnh thông dâm với nhau?
Hoàng tử Cảnh của nhà Nguyễn (Nguyễn Phúc Cảnh, 1780 – 1801) là một người có số phận bi kịch, khi mới 3 tuổi đã bị đưa sang Pháp làm con tin, ngoài 20 tuổi đã bị bệnh đậu mùa mà mất sớm.
Sau khi ông mất, vua Gia Long quyết định chọn hoàng tử Đảm (Minh Mạng) - em cùng cha khác mẹ với Hoàng tử Cảnh thay vì chọn Nguyễn Phúc Mỹ Đường – con trai hoàng tử Cảnh làm người nối ngôi như thông lệ. Một bi kịch mới bắt đầu từ đây.
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị. Vua Minh Mạng đã sai tướng Lê Văn Duyệt dìm nước chết Tống thị, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín và dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân và chết trong nghèo khó.
Về vụ án thông dâm kì lạ này của triều Nguyễn, các sử gia sau này có rất nhiều lời bàn. Một quan điểm được nhiều người ủng hộ, đó là vua Minh Mạng đã dựng lên vụ án loạn luân để loại bỏ Mỹ Đường – người có thể sẽ tìm cách dành lại ngôi vua, đồng thời là chỗ dựa về chính trị của một số triều thần chống đối.
Việt sử giai thoại cho rằng: Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tột thất đức là thông dâm với mẹ.
Vì sao có bể xương chùa Thầy?
Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) được dư luận quan tâm đặc biệt vì trong hang này có một chiếc bể chứa hàng nghìn bộ xương người.
Theo lời kể được truyền qua nhiều thế hệ, khi tìm thấy hang, người ta chứng kiến những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, nằm chồng chất lên nhau. Cách đây hàng trăm năm, người dân xây một chiếc bể vuông, tựa vào vách dùng để chứa hài cốt. Trên tấm bia ghi bên ngoài bể bằng tiếng Hán, dịch ra đại ý là “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lữ Gia là tướng nhà Triệu, nước Nam Việt (thế kỷ 2 TCN). Dưới triều Thuật Dương Vương (111 TCN), ông giữ chức Tể tướng. Tuy vậy, giới sử học và khảo cổ Việt Nam đưa ra nhiều phỏng đoán khác về nguồn gốc bể xương này.
Theo các giả thuyết, đây có thể là xương cốt của nghĩa quân người Việt bị quân nhà Minh giết khoảng thế kỷ thứ 14, 15 hoặc xương của người dân địa phương khi chạy trốn quân Cờ Đen ở nhà Thanh do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu tràn sang nước ta và hoành hành quanh vùng núi Thầy cuối thế kỷ 19. Cũng có thể các bộ xương này là của chính quân Cờ Đen.
Vua Khải Định có phải là cha của vua Bảo Đại?
Vua Khải Định (1885 – 1925), là vị Hoàng đế thứ mười hai nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông có tất cả 12 bà vợ, nhưng chỉ có một con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, con bà Hoàng Thị Cúc, người sau này là vua Bảo Đại.
Theo sử sách chép lại, vua Khải Định bất lực, không thích gần đàn bà, chỉ thích đàn ông. Điều này đã gây ra nhiều đồn đại về việc ai là người cha thực sự của vua Bảo Đại.
Nhiều ý kiến cho rằng, nàng hầu Hoàng Thị Cúc đã có thai từ trước khi vào cung, nhưng vẫn được vua Khải Định công nhận sau khi Vĩnh Thụy ra đời. Hồi ký của một số người trong hoàng tộc Nguyễn đồng ý với nhận định này và còn đưa ra khẳng định rằng, Hoàng tử Vĩnh Thụy chỉ là con nuôi của vua Khải Ðịnh.
Theo KIẾN THỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét