Cao Biền là quan đô hộ nước ta thời Bắc thuộc, được cử sang trấn nhậm Giao Châu từ năm 866 đến 887. Căn cứ Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ.
Một hôm có hai con diều sóng đôi bay qua, Biền giương cung nhắm bắn, một phát tên trúng cả hai con. Mọi người cả kinh, nhân đó gọi là "Lạc Điêu Thị Ngự Sử". Năm 865, sau khi đánh thắng quân Nam Chiếu, Cao Biền được cử làm Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu.
CAO BIỀN ĐẮP THÀNH ĐẠI LA
Cao Biền là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và các huyền thoại còn lưu truyền đến nay. Lúc ở Giao Châu, Cao Biền là quan cai trị hà khắc nhưng cũng có công chỉnh đốn mọi việc và đắp lại thành Đại La.
Theo Đại Việt Sử kí toàn thư thì Thành Đại La nằm bên sông Tô Lịch (1), “vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ… Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian”. Sự sống của nhân dân trong thành khá sầm uất…
Năm 938, Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, chấm dứt thời kì Bắc thuộc. Đến năm 1010, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) mới dời đô về Đại La. Tương truyền lúc thuyền còn đỗ dưới thành, bỗng có con rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự nên đổi tên thành là Thăng Long.
CAO BIỀN TRONG CÁC HUYỀN THOẠI NƯỚC NAM:
Truyện dân gian nước ta nay vẫn còn nhiều truyền thuyết hoang đường về nhân vật Cao Biền như cho rằng Cao Biền thấy đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thuỷ đẹp, và yểm những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu…
Cùng những huyền thoại ca ngợi tài năng của Cao Biền, sử sách nước ta cũng có nhiều truyền thuyết nhằm bài bác những kinh sợ mê tín của quần chúng đối với nhân vật này:
Truyện sông Tô Lịch chép trong Lĩnh Nam Chích Quái đã kể như sau: “Năm Hàm Thông thứ 6, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền làm Đô Hộ Tướng Quân, đem binh đánh quân Nam Chiếu. Lúc Biền trở về, nhà vua đặt Tĩnh Hải Quân ở thành Lĩnh Nam, cho Biền làm Tiết Độ Sứ. Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La ở phía tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở. Có dòng sông con từ Lô Giang chảy vào phía Tây bắc, cuốn quanh phía nam, ôm lấy thành Đại La rồi lại nhập vào sông Cái.
Hồi đó đang giữa tháng sáu, nước mưa lên cao. Cao Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông con, đi khoảng một dặm bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kì, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn hở. Biền hỏi họ tên. Đáp: ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: nhà ở đâu? Đáp: nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trôi mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn chưa tan.
Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi; ta có sợ gì bùa phép?” Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”.
Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tàm được cử sang thay…” (2)
Truyện Dấu trâu vàng ở huyện Tiên Du (Lĩnh Nam Chích Quái) viết về Cao Biền: “…Người đời truyền tụng rằng Cao Biền giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh...”.
Tuy có nhiều phép thuật nhưng Cao Biền vẫn thường rất e dè thần linh đất phương Nam. Những truyện Thần Chính Khí Long Đỗ, Tướng quân họ Cao ở Vũ Ninh, đặc biệt truyện Tản Viên Sơn Thánh đã mô tả Cao Biền rất kính nể linh khí phương Nam:
Truyện Tản Viên Sơn Thánh: “… Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long nước Nam Việt. Núi cao một vạn hai nghìn ba trăm trượng, chu vi chín vạn tám nghìn sáu trăm trượng. Ba núi đứng xếp hàng, đỉnh tròn như cái tán cho nên có tên ấy. Theo sách Ai Giao Châu Tự của Đường Tăng thì đại vương núi này là Sơn Tinh họ Nguyễn, vô cùng linh ứng. Khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm. Kẻ thờ cúng hết lòng thành kính. Thường thường, vào những ngày quang đãng như có bóng cờ xí thấp thoáng trong hang núi. Dân trong vùng nói rằng đó là Sơn thần hiển hiện.
Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam, muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc quần áo vào, rồi đặt ngồi trên ngai, tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu.
Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật đó. Biền đem thuật đó để tiến Đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt mà bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Vượng khí đời nào hết được…”.
Sự tích đền Bạch Mã: Sách Lĩnh Nam Chích Quái, truyện Thần Chính Khí Long Đỗ kể rằng : “Đời Đường, Cao Biền sang đóng ở nước ta, chiếm phủ, xưng vua, đắp thêm La Thành. Vừa đắp xong, một buổi sáng sớm, Biền dạo xem phía ngoài cửa đông thành, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, thấy mây ngũ sắc từ dưới đất dâng lên, ánh sáng lóe mắt. Một dị nhân mặc áo màu sặc sỡ, trang sức trông kỳ vĩ, cưỡi con rồng đỏ, tay cầm giản vàng, lơ lửng trong mây khói, khí thế ngùn ngụt, bay lên lượn xuống hồi lâu mới tan. Biền kinh ngạc, cho là ma quỷ, muốn thiết đàn để cúng. Đêm ấy, mộng thấy có thần nhân đến nói rằng: "Xin ông đừng có bụng nghi ngờ, ta không phải là yêu khí đâu. Ta chính là Long Đỗ Vương Chính Khí Thần, vì muốn xem kỹ thành mới mà hiện ra đó thôi!" Biền tỉnh dậy. Sáng hôm sau họp quần thần, than rằng: "Ta không khuất phục được người phương xa chăng? Đến nỗi để cho loài ngoại quỷ dòm ngó điều không hay của mình ru!". Có người khuyên lập đàn, và dùng nghìn cân sắt đúc tượng theo hình dạng thần nhân để làm bùa yểm. Biền y theo kế đó. Vừa đọc thần chú bỗng trời đất mù mịt ngày đêm, mưa gió giật đùng đùng, tượng sắt nát vụn ra mà bay lên không. Biền sợ hãi, có ý muốn về phương Bắc. Người đời lấy làm lạ, bèn lập chùa ở mạn phía đông kinh thành.…”
Đây là đền thờ Thần Long Đỗ (3) tức là đền Bạch Mã tại Phố Hàng Buồm (xưa thuộc phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương).
Truyện Tướng quân họ Cao ở Vũ Ninh (Việt Điện U Linh tập): “…Tướng quân họ Cao tên Lỗ, là người huyện Vũ Ninh. Thời An Dương Vương, tướng quân được vuốt thần Kim Quy bèn chế ra nỏ thần Kim Quy.
Khi Cao Biền dẹp quân Nam Chiếu trở về, qua châu Vũ Ninh, tới một chỗ, đêm nằm mộng thấy có một dị nhân mình cao chín thước, diện mạo cương nghị, búi tóc, mặc áo đỏ, tự xưng họ tên mà nói rằng: “Ta ngày trước phò tá An Dương Vương, giết giặc lập đại công, bị Lạc hầu gièm pha mà trừ bỏ. Sau khi ta chết, Thượng Đế thương tình vô tội, một lòng trung liệt nên phong cho làm Quản Lĩnh Đô Thống Tướng Quân ở một dải sơn hà này…; nay ngài trở về bản bộ, nếu không cáo tạ là trái lễ đó!”
Cao Biền tỉnh mộng, bụng còn ghi tên Vũ Ninh, bèn lập đền thờ, nay là Đền Vũ Ninh tức là đền Gia Định, có một hang đá ăn vào sông Đại Than. Đền thường gọi là đền Đô Lỗ, ở xã Đại Than, huyện Gia Định (nay là Gia Bình), tỉnh Bắc Ninh. Còn một đền nữa ở thôn Tráng Liệt, xã Phúc Cầu, huyện Đường An.
Truyền thuyết núi Cánh Diều ở Ninh Bình: Khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch nước Nam rất vượng, muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Truyền thuyết núi Cánh Diều ở Ninh Bình kể rằng Cao Biền khi cưỡi diều giấy bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cùng dân chúng ở đây dùng tên bắn. Cao Biền trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.
Ở Thanh Hóa cũng có những truyền thuyết kể về những cuộc so tài giữa Tả Ao - người được mệnh danh là thánh địa lí của nước Nam - với Cao Biền ở núi Hàm Rồng, nhưng xem ra điều này sai với thực tế lịch sử bởi vì theo Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí) thì Tả Ao sống vào đời Lê sơ ; theo Phan Kế Bính (Nam Hải Dị nhân liệt truyện) thì Tả Ao sống vào cuối đời nhà Mạc, vậy là phải cách thời Cao Biền khoảng từ 6 đến 7 trăm năm; không có lí gì hai nhân vật này lại gặp nhau mà so tài phong thủy được.
Thành ngữ “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”: (chữ “dậy non” ở đây nghĩa là dậy thiếu ngày, tương tự chữ đẻ non…). Cùng với thành ngữ này, truyền thuyết dân gian ta kể chuyện Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh". Khi cần quân lính, Cao Biền chỉ gieo đậu vào đất, ủ kín một thời gian, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Truyện kể có lần Cao Biền đọc thiếu thần chú, lúc mở ra những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng: khi sang nước Nam để yểm bùa và triệt hạ long mạch, Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Đến nước Nam, Cao Biền ở trọ nhà một bà hàng nước và nhờ bà mỗi ngày thắp một nén hương, gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp đủ 100 nén hương sẽ gọi dậy được 100 âm binh. Bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương trong một ngày. Kết quả là 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng mà dậy non, thiếu ngày nên chẳng hiệu quả gì.
Truyền thuyết mả Cao Biền ở nước Nam:
Cao Biền tuy bị bắt và bị giết ở Trung Quốc(4) nhưng dân ta lại kể về mả Cao Biền ở nước Nam, thậm chí mả lại có ở tận vùng trung Trung bộ; chẳng hạn ở Phú Yên có truyền thuyết mả Cao Biền. Đại khái chuyện kể là sau khi trấn yểm đất thành Đại La không thành, Cao Biền sợ linh khí nước Nam bèn đi mãi về phương nam, đến tận Phú Yên. Tìm được một làng nhỏ ven biển Phú Yên có long mạch, Cao Biền quyết định sinh sống tại đây, không về Bắc nữa. Qua nhiều năm tháng, Cao Biền giúp dân làng nhiều việc, nhất là đã giúp nhiều người xem đất dựng nhà, để mồ mả... Lúc sắp mất, Cao Biền nhờ dân làng giúp lại cho một việc là sau khi chết chôn xác ông vào huyệt đất đã chọn trước.
Nay ở xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trên một ngọn đồi có mả Cao Biền. Ở đây có câu ca dao:
Nhìn ra thấy mả Cao Biền;
Nhìn vào thấp thoáng Ma Liên, Chóp Chài.
CAO BIỀN TRONG VĂN HỌC
Trong thơ văn Trung Quốc, Cao Biền là một nhà thơ Đường có nhiều bài thơ khá nổi tiếng. Xin tạm trích ở đây 02 bài thơ ít nhiều bộc lộ tâm tư của một nhà thơ giàu cảm xúc:
Biên phương xuân hứng
Thảo sắc thanh thanh liễu sắc nùng,
Ngọc hồ khuynh tửu mãn kim chung.
Sinh ca liệu lượng tuỳ phong khứ,
Tri tận quan sơn đệ kỷ trùng.
Hứng xuân chốn biên thùy
(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)
Cỏ sắc xanh xanh, liễu sắc nồng,
Rượu ngon hồ ngọc rót đầy chung.
Sênh ca réo rắt vời theo gió,
Vọng đến quan san vượt mấy trùng.
Phỏng ẩn giả bất ngộ
Lạc hoa lưu thuỷ nhận Thiên Thai,
Bán tuý nhàn ngâm độc tự lai.
Trù trướng tiên ông hà xứ khứ,
Mãn đình hồng hạnh bích đào khai.
Đến thăm người ở ẩn không gặp
(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)
Hoa rơi nước chảy tưởng Thiên Thai,
Thơ rượu ngà say đến viếng ai .
Buồn quá ! tiên ông đâu vắng tá ?
Đầy sân hồng hạnh bích đào khai.
* * *
Những truyện truyền kì về phép thuật của Cao Biền cùng những hiển linh của các vị thần nước Nam đã vô hiệu hóa được mưu của Cao Biền… hầu hết chỉ ghi lại trong Việt Điện U Linh tập, Lĩnh Nam Chích Quái cùng một số các ngọc phả thần tích. Soạn niên của các tác phẩm này tuy còn có ý kiến bàn cãi (5) nhưng chắc chắn là được viết sau thời Cao Biền nhiều thế kỉ; ví dụ như ở bài tựa đầu sách Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên ghi rõ là sách viết năm Kỷ Tị, Khai Hựu nguyên niên, tức là năm 1329. Lĩnh Nam Chích Quái cũng vậy, bài tựa của Vũ Quỳnh cho biết: ông tìm được sách này và tiến hành nhuận chính vào năm 1492; vậy là sách đều được viết sau thời Cao Biền làm quan ở nước ta đến hơn 500 năm. Sau một thời gian dài như vậy, trải qua bao nhiêu cuộc chiến, nguồn tư liệu hầu hết lại chỉ là truyền miệng…nội dung truyện hẳn không thể nào chính xác được.
Riêng việc Cao Biền yểm bùa ở nước Nam thì các bộ sử giá trị của ta như Đại Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thưkhông hề nhắc đến mà chỉ kể lại chuyện nhờ trời giúp sấm sét đánh tan đá núi mà Cao Biền khai thông được kênh Thiên Uy.
Các truyện truyền kì về nhân vật Cao Biền tuy có những chi tiết hoang đường sai với lịch sử song về mặt văn học, cả một quãng sinh hoạt văn hóa của tiền nhân lại hiện lên đầy màu sắc kì bí và đầy những đường nét cực kì sống động.
______________________________
Chú thích:
(1) Trước đời Cao Biền sông chưa có tên này. Tô Lịch là tên do Cao Biền đặt.
(2)Việt Điện U Linh tập cũng có truyện Tô Lịch.
(3) Nguyên tên thần đền Bạch Mã là Long Độ; đời Trần, vì kiêng húy Trần Thủ Độ mà đổi thành “Long Đỗ”. Tương tự như vậy, vì kiêng húy Thái Tổ Lê Lợi mà vào đời Lê “Quảng Lợi” đã đổi thành “Quảng Lại” .
(4) Sử Trung Quốc có ghi rõ rằng khi quân Hoàng Sào tiến vào Trường An, Đường Hi Tông khẩn cấp điều Cao Biền đem quân cứu giá. Cao Biền không tuân lệnh mà lại tạo phản, cát cứ ở Dương Châu nên đã bị Đường Hi Tông bãi chức. Vua Đường đã cử Tần Ngạn cùng với Tất Sư Đạc tấn công Dương Châu (887). Thành Dương Châu bị phá, Cao Biền bị bắt, một thời gian sau bị Tần Ngạn và Tất Sư Đạc giết chết.
(5) Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi bàn về lai lịch Việt Điện U Linh tập đã cho rằng Lý Tế Xuyên không thể sống ở đời Trần.
NGUYỄN CẨM XUYÊN (KIẾN THỨC NGÀY NAY)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét