Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Santa Evita


Năm 1995, trong thời gian làm việc tại trường đại học Rutgers bang New Jersey (Mỹ), nhà văn Tomas Eloy Martines người Argentina đã viết cuốn tiểu thuyết Santa Evita (nghĩa là Thánh Evita) bằng tiếng Tây Ban Nha và đưa về nước mình xuất bản. Nhân vật chính trong tiểu thuyết nói trên là một xác ướp ! Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sự thật đúng như thế.
Santa Evita được dân Ac-hen-tin-na hoan nghênh nhiệt liệt, sau đó được dịch ra 32 ngôn ngữ khác và xuất bản tại hơn 50 nước trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết trở thành sách bán chạy vì nó phơi bày sự thật về quá trình các thế lực chính trị ở Ac-hen-tin-na trong suốt hai chục năm ròng dùng mọi thủ đoạn tranh giành xác ướp của một phụ nữ nổi tiếng nhất đất nước này.
Người đàn bà huyền thoại ấy có tên Evita, thường ghép với tên chồng gọi là Evita Peron; tuy tên ban đầu là Eva Duarte Gonzales. Cho tới ngày nay, người dân Argentina vẫn coi bà là thần tượng của họ, và cho rằng một nhân vật như thế khó có thể xuất hiện lần nữa trên đất nước này. Mặc dù Evita qua đời đã hơn nửa thế kỷ (1952), hiện nay hàng năm họ vẫn tự động kỷ niệm ngày giỗ của bà. Năm 2002 nhân kỷ niệm 50 năm ngày bà mất, chân dung Evita được đúc trên đồng Pesos kim loại của Argentina. Tên bà được đặt cho một thành phố là Ciudad Evita (tiếng Anh là Evita City). Người ta lập một viện bảo tàng dành riêng cho Evita ngay tại toà nhà bà từng dùng làm trụ sở của Quỹ từ thiện Evita. Vô số tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài con người này, trong đó thành công hơn cả là vở nhạc kịch Evita do nhạc sĩ Andrew Lloyd Webber sáng tác. Vở kịch này năm 1981 được vinh dự công diễn tại Broadway (Mỹ), năm 1996 lại được các đạo diễn điện ảnh Mỹ Alan Parker và Oliver Stone dựng thành bộ phim Evita, với ngôi sao màn bạc Madonna đóng vai chính; nhờ bộ phim này mà nhiều người trên thế giới biết đến tên tuổi Evita, người đàn bà huyền thoại của đất nước Argentina.
Vài nét về cuộc đời Evita
Eva Duarte là con thứ hai của một gia đình thường dân. Năm cô lên 9 tuổi, ông bố bỏ nhà ra đi, để lại ba mẹ con trong cảnh nghèo túng. Để kiếm tiền nuôi các con, bà mẹ phải làm nghề giặt quần áo thuê cho hàng xóm. Do lao lực, bà mất sớm khi Eva mới 15 tuổi, cô chị 19 tuổi. Hai chị em phải tự kiếm sống. Eva cực chẳng đã phải làm những nghề mạt hạng, nghe nói có cả nghề bán thân nuôi miệng. Về sau, nhờ có mối quan hệ tình cảm với một số nghệ sĩ, cô có dịp lên sống ở thủ đô Buenos Aires và tìm được việc làm, đồng thời giao du với giới thượng lưu trong xã hội. Do có sắc đẹp trời cho cộng với tài biểu diễn, đầu tiên Eva làm người mẫu chụp ảnh, sau đó trở thành diễn viên trên đài phát thanh rồi diễn viên nổi tiếng.
Số phận mỉm cười với Eva Gonzales khi cô tình cờ gặp đại tá Juan Peron trong một dạ hội từ thiện gây quỹ cứu tế các nạn nhân của trận động đất hồi tháng 1/1944 làm hơn 6000 dân thiệt mạng. Peron 48 tuổi, goá vợ, ngày ấy đang nắm quyền lực lớn trong quân đội, vừa gặp Eva đã đem lòng yêu cô gái tóc vàng 24 tuổi tài sắc tuyệt vời này. Ít lâu sau họ cưới nhau.
Từ đó Eva bắt đầu bước vào cuộc đời hoạt động chính trị và nhanh chóng trở thành một chính khách nổi bật. Tin rằng chủ nghĩa Peron với tư tưởng tự do, bình đẳng, dân chủ sẽ đem lại no ấm và hoà bình cho đất nước mình, Eva chịu khó đi khắp nước tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ủng hộ chủ trương cải cách nền chính trị lạc hậu ở nước này. Đông đảo người dân bị sắc đẹp, tài ăn nói của một diễn viên và lòng nhân ái cùng nghị lực to lớn của Evita chinh phục. Bà giành được sự tín nhiệm của quần chúng. Sau đấy không lâu, Eva được bầu làm Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Ac-hen-tin-na. Bà vận động đoàn viên công đoàn bỏ phiếu cho Peron trong cuộc tranh cử Tổng thống Argentina năm 1946. Sử dụng đài phát thanh của mình, bà đã thành công lớn trong việc tuyên truyền thuyết phục hàng triệu cử tri ủng hộ cương lĩnh tranh cử của Peron. Cuối cùng Juan Peron đắc cử Tổng thống.
Sau khi trở thành Đệ nhất Phu nhân Argentina, Evita Peron tiếp tục đi khắp nơi, gặp gỡ các tầng lớp dân chúng, tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng; đồng thời hăng hái thực hiện những dự định cải thiện đời sống nhân dân mà Peron đã hứa khi tranh cử. Bà thành lập Quỹ Eva Peron quyên góp tiền xây nhà và chăm sóc y tế cho người nghèo, và đã xây được khoảng 1000 căn nhà cho họ. Bà còn lập ra Đảng Phụ nữ theo chủ nghĩa Peron, chính đảng đầu tiên của nữ giới Argentina, có tới nửa triệu đảng viên, là lực lượng mạnh mẽ hậu thuẫn chính trị cho chồng bà. Trong sáu năm ở cương vị Đệ nhất Phu nhân, do làm được nhiều việc tốt cho dân và có tài vận động quần chúng, Eva Peron được nhân dân, nhất là người lao động tín nhiệm, trở thành nhân vật huyền thoại của đất nước này. Người ta yêu quý gọi bà là “Người Mẹ dân tộc”, “Thánh Evita” (Evita tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Eva bé nhỏ).
Năm 1951, Evita được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Do sức khỏe ngày càng sút kém, dù được dân chúng đề nghị ra tranh cử phó Tổng thống năm 1952 nhưng bà đành phải từ bỏ dự định này. Juan Peron tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai – đây là kỳ bầu cử đầu tiên trong lịch sử Argentina phụ nữ được quyền bỏ phiếu. Trước khi qua đời ít lâu, Evita được tặng danh hiệu Lãnh tụ tinh thần của dân tộc.
Số phận long đong của xác ướp Evita
Ngày 26/7/1952, Evita Peron trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 32. Tổng thống Peron quyết định đặt thi hài vợ vào quan tài thủy tinh để dân chúng chiêm ngưỡng. Bác sĩ giải phẫu nổi tiếng nước này là Pedrro Ara được giao trọng trách ướp xác đệ nhất phu nhân. Chỉ sau một đêm làm việc ông đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ này. Đây là xác ướp đầu tiên trong lịch sử thế giới giữ được nguyên vẹn toàn bộ các bộ phận nội tạng chứ không phải vứt bỏ.
Thi hài Evita mới đầu trưng bày tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động toàn quốc, ngày ngày có nhiều người đem hoa đến viếng. Thoạt nhìn ai cũng tưởng bà đang ngủ như một người bình thường.
Sau khi mất người bạn đời trung thành, tài giỏi và là cánh tay phải của mình trên chính trường, Tổng thống Juan Peron trở nên yếu thế và năm 1955 bị các tướng lĩnh quân đội làm đảo chính lật đổ, ông phải ra nước ngoài sống lưu vong. Đất nước Argentina bị đặt dưới sự cai trị độc tài quân sự. E sợ xác ướp của Evita trở thành công cụ tập họp lực lượng của phái đối lập, chính quyền độc tài đem xác ướp này giấu đi nhiều nơi trong 16 năm liền không cho ai biết địa điểm. Nghe nói nó từng được đặt tại tầng thượng nhà riêng của một viên đại tá, nhưng sau đó ít lâu ông này tự mình bắn chết vợ. Tháng 4/1957, chính quyền quân sự Argentina bí mật chở xác ướp Evita sang Italia, dùng tên giả chôn vào một nghĩa địa ở Milan, hy vọng qua đó có thể mãi mãi trừ được hậu hoạ.
Có lẽ lời nguyền của Evita cuối cùng trở nên hiệu nghiệm: sau đó chính phủ của các tướng lĩnh quân sự lục đục nội bộ, một cuộc đảo chính nổ ra, những người mới lên nắm chính quyền chủ trương tranh thủ sự ủng hộ của Peron và đảng của ông. Họ đưa ra quyết định sớm tổ chức bầu cử Tổng thống dân sự, tái cấp lương hưu cho cựu Tổng thống Peron và trả lại cho ông xác ướp của Evita.
Thi hài Evita được đào lên từ nghĩa trang ở Milan (Italia) và đặt vào quan tài làm bằng bạc, sau đó cảnh sát Italia và Tây Ban Nha hộ tống trang trọng rước về biệt thự của Peron tại Madrid. Ông chồng đặt thi hài vợ vào một cỗ quan tài đặc biệt để mở cho mọi người chiêm ngưỡng. Đầu tiên quan tài đặt trên bàn giữa phòng ăn, sau đó xây riêng gian thờ trên gác thượng để thờ phụng. Người vợ thứ ba của Peron là Isabel hàng ngày chải tóc cho xác ướp Evita.
Năm 1974, Juan Peron trở về Argentina tranh cử và tái đắc cử Tổng thống, vợ ông là Isabel Peron làm phó Tổng thống. Nhưng do già yếu, ông chỉ ở cương vị này được 10 tháng thì qua đời, bà Isabel lên thay, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong thế giới phương Tây. Isabel đưa thi hài Evita từ Tây Ban Nha về nước, đặt trong phủ Tổng thống, với hy vọng được vong linh của Evita phù hộ.
Năm 1976, giới quân sự lại làm đảo chính lật đổ nữ Tổng thống Isabel Peron, thiết lập chế độ độc tài, tiến hành cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” chống lại những người phái tả, làm cho khoảng 30 nghìn người Argentina chết và mất tích một cách khó hiểu.
May sao, lần này thi hài Evita không còn bị di chuyển như lần đảo chính trước mà đã tìm được chỗ yên nghỉ mãi mãi. Chính quyền chôn xác bà vào khu mộ của gia tộc Duarte trong nghĩa trang La Recoleta ở thủ đô Buenos Aires. Thi hài Evita được bảo vệ bằng ba lớp tôn dầy hàn bọc kín để chống trộm, nhà mồ xây bằng đá cẩm thạch vững chắc tới mức có thể chống được bom nguyên tử. Nhiều người cho rằng chính quyền làm thế là để vong linh của Evita mãi mãi không thể ra ngoài và tác động tới dân chúng nước này. Nhưng từ đó trở đi không ai còn có dịp nhìn thấy xác ướp vĩnh cửu ấy nữa.
Trong cuốn Eva Peron: Huyền thoại về một phụ nữ (Eva Peron: The Myths of a Woman) của nhà nhân loại học Julie Taylor có viết: Sở dĩ ngày nay Evita vẫn còn được người Argentina coi là một nhân vật quan trọng của họ, đó là do con người bà thể hiện được ba yếu tố độc đáo gắn kết với nhau: nữ tính, sức mạnh huyền bí về tinh thần và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng.
Nguyện vọng của Evita cuối cùng cũng được thực hiện. Năm 1983, chế độ độc tài quân sự chấm dứt, thay bằng chế độ dân chủ. Mấy đời Tổng thống Argentina từ năm 1989 tới nay đều là người theo chủ nghĩa Peron.
S.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét