Bà Thân Thị Minh Hạnh, Giám đốc Công ty CP Đông dược Hải Thượng ở Bắc Giang (điện thoại: 0982 812 027) thông báo cho biết ông Nguyễn Điền (điện thoại 01282 285 576), ngụ ở thôn Trạm Trai, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sử dụng Lược vàng giống Mê-hi-cô chữa trị thành công một căn bệnh hiểm nghèo. Ngày 7/10/2014, tôi từ Hà Nội tìm đến tận nơi để được trực tiếp lắng nghe câu chuyện ông Nguyễn Điền tự cứu sống mình bằng nhai nuốt thân cây Lược vàng.
Tới nhà ông Điền, thoạt nhìn, tôi nói ngay nhận xét của mình, rằng cả ông bà đều khỏe mạnh. Bà đẹp lão và đầy đặn, còn ông khỏe mạnh với nước da hồng hào. Cứ như thế này, không ai nghĩ được rằng, gần 3 năm về trước ông Điền từng mắc căn bệnh hiểm nghèo, phải trải qua chuỗi ngày thập tử nhất sinh. Ông Điền kể lại: Cuối năm 2011, tự nhiên vòm họng bên trái bị đau tấy, không ăn không ngủ được. Lên Bệnh viện huyện để khám chữa. Mỗi lần, nằm được hơn mươi ngày thì bệnh viện lại cho về mà không chẩn đoán được bệnh trạng cụ thể. Khoảng tháng 2 năm sau thì bệnh tiến triển nghiêm trọng bởi những cơn đau tức ngực, khó thở, đau xuyên lên tận cuống họng, người tím tái, nói ngọng… Gia đình đưa ông lên Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh khám chữa, nhưng các bác sĩ cũng không xác định được bệnh. Ông đau không chịu nổi, Bệnh viện phải tiêm moóc-phin giảm đau. Các con tính chuyện đưa ông đi Bệnh viện K, Hà Nội nhưng ông từ chối. Ông bảo, già rồi nên không muốn cho động chạm vào cơ thể. Cuối cùng gia đình đã đón ông về chăm sóc và tự chữa bệnh tại gia đình. Có hôm vào giữa đêm, ông Điền đau quá không chịu nổi, gia đình lại phải tìm người đến tiêm moóc-phin giảm đau.
Đau đớn khiến ông Điền nằm ngồi không yên, thậm chí đi tiểu cũng tại giường. Thấy bệnh tình ông chuyển biến rất xấu, có chiều hướng không qua khỏi, người thân rủ nhau đến thăm, rồi họ mách bảo gia đình hãy tìm đến cây Lược vàng, may ra có thể cứu sống được chăng. Thế là, con trai Nguyễn Văn Điển (điện thoại: 01696 027 257) lên tận Bắc Giang tìm mua được một bao tải Lược vàng (125 cây Lược vàng) đem về cho bố chữa bệnh. Ông dặn các con chỉ lấy thân cây Lược vàng, rửa sạch lau khô cho ông dùng. Thế là, ông được cả một rổ đựng toàn thân cây Lược vàng để tự mình cứu mình. Tối hôm đó, Lược vàng được cắt ra từng đoạn, ông Điền ăn như nhai mía vậy. Phần ngọn mềm, ông nhai rồi nuốt tất cả; còn thân ông nhai kĩ, nuốt nước, nhả bã. Tuy đau, nhưng ông vẫn cố nhai, từ tối cho tới đêm. Càng nhai, cảm giác dễ chịu dần dần xuất hiện. Nhai cho đến sáng, bỗng ông thấy khỏi đau hoàn toàn, người khỏe lại, ngồi dậy được, đi lại bình thường. Ngày hôm sau và mấy ngày tiếp theo ông vẫn cứ nhai đều thân cây Lược vàng như vậy. Hết Lược vàng, ông Điền tự đi xe máy lên tận Bắc Giang để mua Lược vàng về chữa tiếp.
Ông Điền cứ nhắc đi nhắc lại về việc nhai nuốt thân cây Lược vàng. Ông nói, nhai được bao nhiêu đốt thì nhai, không bị hạn chế về số lượng và thời gian. Ông đã ăn Lược vàng như ăn mía trong suốt một tháng liền, thì ngừng hoàn toàn. Gần 3 năm nay, căn bệnh quái ác năm xưa từng hành hạ ông không tái phát trở lại.
Tiếp tôi, ông Điền còn mời được bà Phạm Thị Bằng, Chi hội trưởng Chi hội NCT thôn Trạm Trai. Bà Bằng (điện thoại: 01665 648 303) cho biết: “Ông Điền 78 tuổi, đã mấy lần gia đình phải đưa đi cấp cứu, nhưng căn bệnh quái ác ấy vẫn không tha cho ông, cuối cùng nhờ vào cây Lược vàng cứu sống. Bài thuốc mà ông Bằng tự cứu có ý nghĩa tham khảo quý báu cho một số hội viên đang mắc bệnh nặng trong Chi hội NCT. Nhờ ông Nguyễn Điền tự chữa khỏi trọng bệnh bằng cây thuốc dễ kiếm, dễ trồng như vậy, nên ngày nay cây Lược vàng đã có mặt trong vườn cây của nhiều gia đình thôn Trạm Trai”.
Mong rằng, phương pháp sử dụng Lược vàng chữa bệnh của ông Nguyễn Điền sẽ được tham khảo tích cực, cứu chữa được thêm những trường hợp bệnh hiểm nghèo, khó chữa khác.
Nguyễn Hiền Nhân
(Chi hội trưởng Chi hội 6 NCT, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
(Điện thoại: 04 3933 4628; 0984 148 668)
http://www.baomoi.com/Home/SucKhoe/nguoicaotuoi.org.vn/Tu-cuu-bang-nhai-nuot-than-cay-Luoc-vang/15108596.epi
-------------------------
Đi tìm sự thật về "thần dược" Lược vàng chữa bách bệnh
Cây Lược vàng được xem là một loại dược liệu, nhưng có chữa được bách bệnh hay không thì chưa ai dám khẳng định.
Cây cảnh bỗng biến thành... "vàng"
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, cả tỉnh Thanh Hóa xôn xao vì nghe tin có một loại dược liệu có thể chữa được bách bệnh, đó là cây Lược vàng (hay còn gọi là cây Lan Vòi, Lan rũ, Địa lan) thuộc những loài cây trồng làm cảnh. Chẳng cần quan tâm đến tên gọi khoa học của nó là gì, người dân chỉ nghe phong phanh hay đọc trên những từ rơi về công dụng chữa bách bệnh của loài cây này cũng đủ hiếu kỳ để đi tìm nó.
Nhiều người không tin, song khi được nghe lời kể của những người từ "cõi chết trở về" sau khi dùng cây Lược vàng, thì đều tò mò muốn được tận mắt nhìn thấy loại cây quý được lan truyền có thể chữa được bách bệnh (bệnh phong hàn, thận, dạ dày thậm chí cả bệnh ung thư...). Như một thứ thuốc quý, cây Lược vàng bỗng chốc trở thành "thần dược". Vì thế, thời bấy giờ cả thành phố Thanh Hóa trở thành "thành phố Lược vàng" khi nhà nhà trồng Lược vàng, người người nói về Lược vàng.
Cây lược vàng được dùng ở nhiều nơi
Vào thời điểm đó, bà Trịnh Thị Chính (SN 1956, trú tại 240 Đội Cung, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa) là nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bà là nhân chứng sống cho tác dụng hữu ích của thần dược cây Lược vàng. Khi đó, bà Chính đã 80 tuổi, bị mắc bệnh ung thư. Bà điều trị tại bệnh viện K (Hà Nội) một thời gian khá lâu song không có kết quả. Cuộc sống của bà dường như chỉ có thể đếm bằng ngày. Sau khi được biết về loại dược liệu này, gia đình bà không tin song vẫn thử với tâm lý "còn nước còn tát". Không ngờ, kết quả tốt đẹp lại đến với bà ngoài sự mong đợi, bà đã khỏe mạnh bình thường. Thế nhưng, thời điểm chúng tôi tìm về đã không tìm được bà Chính nữa.
PV Người đưa tin đã tìm gặp ông Lê Ngọc Xướng ở xã Đông Hương, TP. Thanh Hóa (người đầu tiên mang loại cây này về trồng trong nước - PV) và được ông cho biết, ông có được loại cây này là do người con trai cả tên là Lê Ngọc Huy, sống ở Đức gửi về. Trước đây, ông bệnh tật quanh năm, chữa nhiều loại thuốc nhưng vẫn không khỏi. Năm 2004, anh Huy gửi về cho ông một cây thuốc cùng với một bản dịch lại về cách dùng, công dụng của nó từ một tờ báo của Liên bang Nga. Lúc đầu, ông Xướng vẫn còn hoài nghi về những công dụng của loại cây này, nhưng sau một thời gian gây giống và làm theo hướng dẫn, điều kỳ lạ đã xảy ra, các bệnh của ông đều thuyên giảm trông thấy. Tất cả các chứng bệnh mà ông mắc phải như: Đau dạ dày, viêm họng, viêm lợi, đau nhức xương, rỉ hậu môn... đều dần biến mất. Ông mang cây giống và tài liệu đó lên phổ biến cho những người bạn sinh hoạt trong CLB người cao tuổi của địa phương.
Cây quý phổ biến thành... bờ rào
Biết chúng tôi đang đi tìm cây Lược vàng, nhiều người dân TP. Thanh Hóa lắc đầu ngao ngán cho hay, trước đây thì phải bỏ tiền ra mua, giờ thì ra bờ mương cũng nhổ được nó đem về. Hỏi kỹ ra được biết, ban đầu theo lời đồn thổi về công năng vô hạn của loài cây này, nhà nhà kéo nhau đi xin, xin không được thì bỏ tiền ra mua, chẳng mấy chốc, cả TP. Thanh Hóa trở thành một vườn ươm cây Lược vàng.
Đang từ một dạng "đặc sản" hiếm, cây Lược vàng bỗng thành một loại cây cảnh trồng tràn lan từ trong nhà ra ngoài ngõ. Bởi là một loài cây dễ trồng, dễ sống nên nó nhanh chóng lan ra cả bụi rậm, bờ rào, bờ giậu đi đâu cũng gặp. Thế là từ đỉnh cao, cây Lược vàng tuột dốc như một thứ cây mọc thông thường trong cuộc sống. Ở Thanh Hóa mất giá, cây Lược vàng "leo" ra Hà Nội được bán như một dạng cây cảnh với mức giá 15.000 - 20.000 đồng/cây.
Chẳng thế mà khi được cánh PV đặt câu hỏi, bác sĩ Phạm Văn Lâm, phó chủ tịch hội Đông y tỉnh Thanh Hóa (đơn vị được tiếp cận cây Lược vàng đầu tiên - PV) nói luôn: Quả là lời đồn thổn mang một sức mạnh ghê gớm, nhà ai cũng phải trồng được một cây, nhưng giờ thì tràn lan, chẳng ai nhắc đến". Thậm chí, chính ông Lâm cũng phải "tậu" cho mình một bình rượu ngâm cây Lược vàng để thỏa chí tò mò về công dụng thực sự của loài cây này.
Ông Lâm cũng cho biết thêm, Lược vàng là một loại cây bụi, sống nhiều năm, nhờ căn hành, thân mập nước, có thể cao tới 1,5m. lá hình xoan nhọn, rộng 2 - 3 cm, mầu lục thẫm, bóng láng, có bẹ ôm thân, mọc so le và xoay tròn thành hình hoa ở ngọn. Ban đầu, một số người đã sử dụng cây Lược vàng để chữa bệnh dựa theo những kinh nghiệm dân gian Nga với phương thức sử dụng rất đơn giản: Lá và thân có thể ăn sống như rau, thân và vòi cây có thể thái lát mỏng, ngâm rượu uống. Ban đầu một số người dùng có kết quả tốt, sau đó được Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP. Thanh Hóa nhân rộng.
Do có quá nhiều người quan tâm đến cây Lược vàng, Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Thanh Hóa đã tổ chức cả một buổi hội thảo về tác dụng của loại cây này. Tuy nhiên, kết quả thu được trong hội thảo, thông qua phiếu thăm dò, vẫn chỉ là một số trường hợp khỏi bệnh cụ thể nhờ sử dụng cây Lược vàng. "Cho đến nay, ở nước ta chưa có các tài liệu về thành phần hóa học, nghiên cứu thực nghiệm về tác dụng dược lý hay những quan sát lâm sàng về tác dụng của cây Lược vàng. Việc sử dụng cây Lược vàng để chữa bệnh vẫn chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian", bác sĩ Lâm nói.
Khoa học chưa tỏ, ngoài ngõ đã... "đá nhau"
Như được mùa, "té nước theo mưa nhiều" người dân địa phương khác đổ xô vào Thanh Hóa mua giống đem về quê nhà ra sức tung hê tác dụng chữa bách bệnh chưa được kiểm chứng của cây Lược vàng. Thậm chí, chỉ cần gõ trên Google nội dung tác dụng cây Lược vàng sẽ cho ra gần 4.000 kết quả đặc dụng của loài cây này. Có người còn công phu lập cả diễn đàn và địa chỉ email nhằm giới thiệu công dụng và bán cây Lược vàng.
Trên một diễn đàn, có người không ngần ngại đưa ra hàng loạt ví dụ ở một vùng quê Phú Thọ để chứng minh sức mạnh của cây Lược vàng. Ví như ông Đ.Q.B, 73 tuổi sức khỏe còn tốt, dùng búa đóng đinh trên một tấm ván, chẳng may đập vào ngón tay cái dập nát, máu chảy rất nhiều. Ông lấy 3 lá Lược vàng rửa sạch nhai kĩ nuốt nước, lấy bã đắp vào chỗ đau, máu ngừng chảy ngay. Qua đêm sáng hôm sau dỡ ra, trông vết đau chỉ hơi thâm tím. Bà N.T.D, 55 tuổi có một u nhọt ở cổ dùng thuốc tây không đỡ, giã lá Lược vàng uống nước trong một tuần thấy u nhọt biến mất. Ông N.V.Q, 60 tuổi có một u mỡ nổi lên ở cổ cánh tay to bằng quả nhót, trông không đẹp mắt, ông lấy 3 lá Lược vàng ăn nuốt nước lấy bã đắp vào u mỡ trong 3 ngày, khối u biến mất...
Không những thế, công dụng bí ẩn của cây Lược vàng còn tạo ra một cuộc tranh cãi của giới truyền thông, khi loài cây này vừa xuất hiện trong nước thì một tờ báo đã hết lời ca ngợi công dụng của nó với hàng dài những người mắc bệnh nan y đã được trị khỏi. Nhưng ngay lập tức nhận được phản hồi từ một cơ quan báo chí khác khi trích dẫn ý kiến của PGS.TS Trần Công Khánh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Việt Nam: "Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng sinh học, liều dùng và cả độc tính của cây lược vàng. Không rõ nó được đưa vào nước ta từ khi nào, nhưng trong các sách về hệ thực vật cũng như sách về cây thuốc Việt Nam thì không tìm thấy tên cây này".
Trước thực trạng ấy, TS. Nguyễn Duy Thuần, phó viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cũng phải đưa ra khuyến cáo: "Không thể có một loại thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Trong Đông y, cách sử dụng thuốc cũng không bao giờ giống nhau, việc gia giảm là khác nhau đối với từng thể trạng. Vì vậy, sẽ rất nguy hại nếu người dân cứ chữa bệnh theo lời đồn thổi".
Theo Lương y Huyên Thảo (Hà Nội): Có thể xếp cây Lược vàng vào loại "thuốc thanh nhiệt" của Đông y học. Đối với loại thuốc thanh nhiệt, nếu sử dụng lâu dài, quá liều lượng hoặc không đúng bệnh có thể gây nên những tác dụng ngoài sự mong muốn, đặc biệt với trẻ nhỏ và người cao tuổi. Những năm gần đây, các chuyên gia Đông dược đã nhiều lần cảnh báo và mô tả khá tỉ mỉ những trạng thái bệnh lý do lạm dụng các loại thuốc thanh nhiệt gây nên. Những bệnh lý đó cũng được xếp loại vào nhóm "Các biến chứng do thuốc". Trên thực tế, tác dụng phụ của thuốc thanh nhiệt thường không rõ ràng, không điển hình, nên rất dễ bị người dùng bỏ qua. "Lược vàng nhiều khả năng cũng là một cây thuốc quý, tuy nhiên cũng không nên sùng bái quá mức", Lương y Huyên Thảo nhận định.
Cây Lược vàng chữa bách bệnh chỉ là ngộ nhận
Bác sĩ Phạm Văn Lâm, phó chủ tịch hội Đông y tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Tôi đã chứng kiến bệnh nhân tự điều trị thì thấy tác dụng với đường ruột và giảm đau. Thực tế, tôi cũng thử ngâm để xoa bóp vào chỗ đau và thấy có tác dụng giảm đau tức thời. Đối với những bệnh như ung thư, khối u...., không ai chứng minh nó có thể chữa khỏi, có thể những người mắc bệnh này khi nhai lá cây sẽ được giảm đau tức thời nên ngộ nhận là điều trị được. Hơn nữa, người ta mới nói đến tính tốt mà chưa nói đến độc tố nên phải thận trọng".
|
Trần Quyết
http://www.nguoiduatin.vn/di-tim-su-that-ve-than-duoc-luoc-vang-chua-bach-benh-a56435.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét